Trong 6 tháng đầu năm nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp, song không thể chủ quan trong nửa cuối năm 2021, đặc biệt trước xu hướng giá nhập khẩu tăng cao.
CPI 6 tháng đầu năm tăng thấp
Trước hết là xét theo thời gian. Tính theo tháng, trong 6 tháng có 3 tháng giảm, 3 tháng tăng. Tính sau 6 tháng (so tháng 6/2021 với tháng 12/2020), CPI vẫn còn thấp xa so với tốc độ tăng được dự báo cho cả năm.
Tính sau 1 năm (so tháng 6 năm nay với tháng 6 năm trước), tuy đã tăng ở mức tương đối cao, nhưng chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tháng 6 năm nay đã được cải thiện hơn so với tháng 6 năm trước, trạng thái “bình thường mới” đã rõ hơn sau một năm rưỡi thực hiện mục tiêu “kép” là vừa phòng chống Covid-19, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Tính bình quân 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước, CPI còn thấp xa so với mục tiêu cả năm (khoảng 4%) theo Nghị quyết của Quốc hội.
Xét theo mặt hàng/nhóm mặt hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng chủ yếu, một số mặt hàng/nhóm mặt hàng có giá bình quân 6 tháng cao hơn tốc độ chung, gồm lương thực, ăn uống ngoài gia đình, đồ uống, thuốc lá, giao thông, giáo dục, hàng hóa và dịch vụ khác; còn các mặt hàng/nhóm mặt hàng khác tăng thấp, thậm chí có 3 mặt hàng/nhóm mặt hàng giảm (bưu chính - viễn thông, văn hóa giải trí và du lịch, thực phẩm).
CPI tăng chưa cao do nhiều yếu tố
Yếu tố quan trọng nhất là quan hệ giữa sản xuất và sử dụng GDP (tổng cung - tổng cầu) tuy đã có cải thiện, nhưng có sự biến động đáng chú ý. Tăng trưởng GDP cao hơn cùng kỳ (5,64% so với 1,82%). Tốc độ tăng tích lũy tài sản tuy đạt khá (5,67%) và phần lớn dành cho đầu tư trong kỳ, nhưng có một phần dùng để tích trữ.
Tốc độ tăng tiêu dùng cuối cùng tăng thấp hơn tốc độ tăng GDP (tăng 3,56% so với tăng 5,64%), nhưng có một phần được sử dụng hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu tăng cao hơn xuất khẩu (tăng 36,1% so với tăng 28,4%) làm cho nhập siêu trong 6 tháng đầu năm nay ngược chiều so với cùng kỳ năm trước (9,2 tỷ USD so với xuất siêu 2,474 tỷ USD).
Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ (đã loại giá) kỳ này tuy tăng cao hơn của cùng kỳ, nhưng vẫn còn thấp xa so với thời kỳ trước (bình quân năm thời kỳ 2014 - 2019 tăng trên 8,6%/năm). Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể tăng cao.
Yếu tố thứ hai là tiền tệ - tín dụng. Tốc độ tăng tín dụng đến cuối tháng 6 tăng 5,47%, tuy cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (2,45%), nhưng vẫn thấp xa so với cùng kỳ của nhiều năm trước (năm 2016 tăng 8,2%, năm 2015 tăng 7,9%).
Một lượng tiền lớn không chỉ là tín dụng ngân hàng, mà của toàn xã hội đã dồn vào thị trường vàng, bất động sản, chứng khoán…, nên chưa gây áp lực đối với giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước chỉ tăng 0,87% - thấp xa so với CPI.
Yếu tố thứ ba là tâm lý lạm phát ít tác động khi tỷ giá VND/USD tháng 6 giảm 0,3% so với tháng 5, giảm 0,32% so với tháng 12/2020.
Nhưng chưa thể chủ quan
Khuyến cáo này xuất phát từ cả yếu tố trong nước và nước ngoài.
Nhóm yếu tố từ nước ngoài biểu hiện trên nhiều yếu tố, trong đó tập trung chủ yếu là “nhập khẩu lạm phát”. “Nhập khẩu lạm phát” được thể hiện rõ nhất là tốc độ tăng giá nhập khẩu 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, giá nhập khẩu bình quân 6 tháng năm nay tăng 2,24% so với cùng kỳ năm trước.
Giá hàng hóa thế giới tăng do tác động tiêu cực của Covid-19, cùng với chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của nhiều nền kinh tế lớn kéo dài trong 2 năm qua thông qua hai giải pháp: hạ lãi suất cơ bản xuống mức gần bằng 0% và một lượng tiền khủng lên đến hàng chục ngàn tỷ USD.
Nhóm yếu tố ở trong nước thể hiện ở chỗ, yêu cầu và thực tế tăng trưởng kinh tế cao lên trong 6 tháng đầu năm và hơn nữa trong 6 tháng cuối năm để thực hiện mục tiêu cả năm, đòi hỏi phải tăng đầu tư và tiêu dùng.