Để kiểm soát lạm phát năm 2022 theo mục tiêu trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, công tác quản lý, điều hành giá cần bám sát diễn biến tình hình thế giới, giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược để kịp thời có các giải pháp điều hành nhằm kiểm soát lạm phát trong nước ngay từ những tháng đầu năm 2022.
Ảnh minh họa
Áp lực lạm phát năm 2022 rất lớn
Trong năm 2021, trên cơ sở việc đánh giá dự báo xu hướng các mặt hàng quan trọng thiết yếu, kết hợp với đánh giá về lạm phát cơ bản của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính đưa ra dự báo về lạm phát cho cả năm 2021 cơ bản được kiểm soát ở mức thấp, đảm bảo chỉ tiêu do Quốc hội đã đề ra.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), công tác điều hành giá năm 2021 gặp nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên vẫn đạt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra đối với mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%. Đây là dấu ấn trong công tác điều hành của Chính phủ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng mạnh tới kinh tế - xã hội trong nước. Dự báo lạm phát năm 2021 khoảng 1,9%, đảm bảo chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ và quyết tâm kiểm soát của Ban Chỉ đạo điều hành giá; lạm phát cơ bản năm 2021 dự báo khoảng 0,8 - 0,9%.
Tuy nhiên, áp lực lạm phát trong năm 2022 là rất lớn, có thể tăng cao ngày từ đầu năm nhất là khi khủng hoảng năng lượng có thể trở nên trầm trọng, xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược của một số nước lớn tác động toàn diện đến kinh tế thế giới và trong nước.
Nhiều yếu tố có thể gây áp lực lên mặt bằng giá năm 2022 như: giá nhiên liệu dự báo tiếp tục diễn biến khó lường; giá vật liệu xây dựng chịu áp lực từ tác động giá thế giới và nhu cầu đầu tư khi kinh tế phục hồi; giá các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, may mặc tăng theo quy luật vào dịp lễ, tết; giá phân bón, thức ăn chăn nuôi có thể tăng do tác động chi phí đầu vào tăng. Cùng với đó, chi phí vận tải, logistics tăng do chuỗi cung ứng đứt gãy chưa hoàn toàn hồi phục; rủi ro về thiên tai, thời tiết… là những yếu tố bất lợi ảnh hưởng tới lạm phát năm 2022.
Do đó, việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu do Quốc hội đặt ra (tiếp tục ở mức khoảng 4%) sẽ gặp nhiều thách thức, khó khăn. Nhiều dự báo của các cơ quan chuyên môn nhận định CPI năm 2022 có thể vượt mức 4% nếu diễn biến chung trên thị trường thế giới có nhiều bất lợi, nhất là nếu khủng hoảng năng lượng tiếp tục leo thang.
Việc kiểm soát lạm phát năm 2022 sẽ chỉ đạt mục tiêu khi các phương hướng, giải pháp về quản lý, điều hành giá tiếp tục được triển khai quyết liệt, hiệu quả để hạn chế tác động từ diễn biến giá cả thế giới.
Tiếp tục điều hành giá thận trọng, linh hoạt và chủ động
Theo Bộ Tài chính, để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, công tác quản lý, điều hành giá thời gian còn lại năm 2021 và ngay trong thời gian đầu năm 2022 cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, tập trung vào việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ. Qua đó, vừa giữ ổn định mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân, đảm bảo các điều kiện cho công tác phòng chống dịch bệnh vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Về giải pháp tổng thể, cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, tình hình lạm phát chung, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược để kịp thời ứng phó trong điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và chính sách xuất nhập khẩu phù hợp, tạo điều kiện cho công tác quản lý, điều hành giá nhằm kiểm soát lạm phát trong nước ngay từ những tháng đầu năm 2022.
Các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp. Chủ động tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong lưu thông để chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả thị trường nhất là dịp cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán năm 2022.
Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện công tác kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá; Tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ động có kế hoạch hoặc lồng ghép vào các kế hoạch nhiệm vụ chuyên môn để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, tiếp tục giữ ổn định giá để đảm bảo công tác kiểm soát lạm phát chung cũng như góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân. Đối với các dịch vụ công triển khai theo lộ trình Nghị định số 60/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/8/2021, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực tiếp tục phối hợp với Tổng cục Thống kê, Bộ Tài chính trong việc rà soát, tính toán các phương án điều chỉnh, đánh giá tác động lên kinh tế xã hội, mặt bằng giá, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để trình Ban chỉ đạo điều hành giá xem xét, quyết định trong năm 2022.
Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ để chủ động triển khai công tác quản lý, điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu. Trong đó, đối với xăng dầu, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới. Đồng thời, tính toán mức trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu phù hợp để tạo dư địa cho công tác điều hành giá trong các tháng cuối năm. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền và công khai minh bạch trong điều hành giá.
Đối với mặt hàng thịt lợn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, cung cầu mặt hàng thịt lợn, đặc biệt là trong các thời điểm cuối năm, cận Tết Nguyên đán để có các biện pháp điều tiết cung cầu phù hợp, tránh tình trạng giá có biến động đột biến khi nguồn cung gián đoạn từ việc tái đàn. Nghiên cứu có giải pháp trong khâu lưu thông, tiêu thụ sản phẩm cho các hộ chăn nuôi, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, lợi dụng trục lợi.
Về dịch vụ vận tải, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các Sở Giao thông vận tải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc kê khai, niêm yết giá và việc bán vé đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, đặc biệt là trong thời điểm Tết dương lịch, Tết Nguyên đán.
Với mặt hàng vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương chủ động nghiên cứu một số giải pháp nhằm giám sát hoạt động khai thác, sản xuất, đẩy mạnh kiểm tra xử lý các trường hợp lợi dùng đầu cơ tăng giá bất hợp lý. Trường hợp cần thiết nghiên cứu báo cáo Chính phủ sửa đổi bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để tạo thuận lợi cho hoạt động này...
Tại cuộc họp tổng kết công tác năm 2021, dự báo và xây dựng phương án điều hành giá năm 2022 của Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá mới đây, nhiều kịch bản lạm phát năm 2022 được đưa ra. Tuy nhiên, các cơ quan điều hành đều dự báo CPI năm 2022 cơ bản được kiểm soát dưới mức chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao nếu không có những yếu tố tác động quá đột biến xảy ra.