22/11/2024 lúc 09:28 (GMT+7)
Breaking News

Thanh Hóa: Thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 ổn định, sôi động

Hiện nay, hoạt động thị trường hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa đã bắt đầu sôi động, sức mua hàng hóa của người dân được nâng lên; tuy nhiên, sức mua không cao so với những năm trước, do tình hình kinh tế nhìn chung còn khó khăn, người dân phải thắt chặt chi tiêu, cắt giảm mua sắm.
Theo dự báo, hàng hóa thiết yếu sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của Nhân dân trên địa bàn trong dịp Tết Giáp Thìn 2024.

Theo đó, để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, trước đó nhiều doanh nghiệp, tiểu thương trên địa bàn tỉnh đã chủ động dự trữ, cung ứng các mặt hàng phục vụ khách hàng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với tổng giá trị hàng hóa dự trữ phục vụ ước tính khoảng 19.911 tỷ đồng, tăng 25% so với dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Đa số các siêu thị, trung tâm thương mại và hệ thống cửa hàng Winmart+ đều tăng thời gian bán hàng trong thời gian trước Tết để phục vụ tối đa nhu cầu mua sắm của người dân đến chiều ngày 30 Tết (09/02/2024). Riêng tại địa bàn 11 huyện miền núi, hệ thống bán lẻ của Công ty cổ phần Tập đoàn Miền Núi (11 siêu thị/11 huyện miền núi) đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của Nhân dân. Đồng thời, một số đơn vị còn tổ chức bán hàng lưu động phục vụ người dân tại địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa hay các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Giá cả các mặt hàng thiết yếu sẽ tiếp tục ổn định, không xảy ra tình trạng khan hiếm hoặc thiếu hàng.

Hiện tại, giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán cơ bản ổn định, chỉ có mặt hàng rau xanh tăng giá (từ 10% đến 20%) do những ngày vừa qua thời tiết rét đậm kèm theo mưa, làm ảnh hưởng đến phát triển và thu hoạch rau; giá gà ta bắt đầu tăng khoảng 8%, do nhu cầu tăng để phục vụ ngày Táo quân (23 tháng Chạp); giá lợn hơi và lợn thịt tăng khoảng hơn 5% do nhu cầu thịt lợn tăng phục vụ làm nem, giò, chả và các loại bánh trong dịp Tết; mặt hàng bia, rượu, nước giải khát tăng từ 3-6% do nhu cầu người dân bắt đầu mua sắm phục vụ Tết. Các mặt hàng thực phẩm tươi sống như: thịt lợn, thịt bò, thịt gà, cá thu, cá trắm, tôm biển… và mặt hàng thực phẩm chế biến như: giò lụa, giò bò, chả… dự báo sẽ tăng khoảng từ 10% đến 20% trong những ngày giáp Tết do nhu cầu tăng cao trong Nhân dân. Đối với mặt hàng xăng dầu, các doanh nghiệp lớn đã dự trữ đầy đủ số lượng xăng dầu để cung ứng cho hệ thống 604 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh, đảm bảo phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân. Tình hình cung ứng điện cơ bản ổn định, đảm bảo cấp điện liên tục, ổn định trong dịp Tết; dự báo sản lượng điện thương phẩm trong dịp Tết Nguyên đán đạt 453 triệu kWh, công suất cực đại (Pmax) dự kiến đạt 1.162MW.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trên địa bàn thành phố Thanh Hoá, hiện tại các chợ Điện Biên, Trường Thi, Tây Thành, chợ Môi… và hệ thống siêu thị như Bigc, co.opmart…, lượng hàng hóa phục vụ Tết rất lớn, các mặt hàng phong phú, đa dạng chủng loại, kiểu dáng, mẫu mã, số lượng..., bảo đảm đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Nhiều nhất là các mặt hàng mứt, bánh kẹo, hạt dưa, thực phẩm, nước uống đóng chai... Giá các mặt hàng tươi sống và hàng thiết yếu phục vụ Tết vẫn ổn định, không tăng hoặc chỉ tăng nhẹ đối với một vài mặt hàng.

Theo Sở Công thương, hiện Sở đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố nắm bắt, theo dõi tình hình hàng hóa, giá cả hàng ngày và làm tốt công tác dự báo thị trường; chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, BQL các chợ trên địa bàn tăng cường dự trữ, bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu, hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết Nguyên đán; yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cam kết bình ổn giá cả hàng hóa thiết yếu như: gạo, thực phẩm tươi sống, nông sản, bánh, mứt, kẹo, thịt lợn, xăng dầu./.

Hải Nam