26/01/2025 lúc 14:37 (GMT+7)
Breaking News

Truyền thông tương lai

VNHN - Đơn giản chỉ nghĩ thành lời mà chẳng phải viết ra và nghe với da…, đó là cách thức mới của truyền thông tương lai trong dự án cách mạng công nghệ 4.0, do chính ông chủ Mark Zuckerberg nhắm tới cho Facebook.

VNHN - Đơn giản chỉ nghĩ thành lời mà chẳng phải viết ra và nghe với da…, đó là cách thức mới của truyền thông tương lai trong dự án cách mạng công nghệ 4.0, do chính ông chủ Mark Zuckerberg nhắm tới cho Facebook.

Tại một hội nghị thường niên phát triển các ứng dụng của Building8 ở San Jose, California (Mỹ) cách đây gần 2 năm, bà giám đốc Building8, Regina Dugan đã từng đặt câu hỏi: “Có thể gõ phím trực tiếp ngay trong não được không?”, rồi giải đáp luôn: “Bây giờ thì không, nhưng tương lai gần là có”. Rồi bà trình bày dự án đọc những suy nghĩ ngay trong ô ngôn ngữ của não bộ và chuyển thông điệp thành văn bản, không cần qua khâu trò chuyện hay gõ bàn phím. Nhóm dự án này gồm 60 nhà khoa học và kỹ sư chuyên gia công nghệ trí tuệ nhân tạo cho phép hiểu và thấy ngôn ngữ, hình ảnh trong não. Mục tiêu của họ trong hai năm tới là tạo ra hệ thống có thể giải mã các từ mới nghĩ và muốn nói thành lời rồi chuyển thẳng tới máy tính với tốc độ 100 từ/phút, tức là nhanh gấp năm lần so với gõ chữ lên màn hình cảm ứng điện thoại thông minh.

Giám đốc Building8 cũng đã từng trình bày dự án tương lai truyền thông tĩnh lặng cho phép “nghe với da”. Cũng như tai người chuyển các từ, âm thanh sang tần số thích hợp truyền lên não, tư duy trong não được chuyển sang tần số cho phép da cảm nhận được.

Xu thế của các nhà công nghệ 4.0, như trong truyện viễn tưởng khoa học – là khiến cho mối tương tác giữa người và máy tính trở nên tự nhiên hơn, qua các lệnh bằng miệng.

Nhiều năm qua, một số nhà khoa học chú mục vào giao diện não người – máy tính, những hệ thống kết hợp thiết bị với phần mềm để giải mã các sóng trong não và dịch thành lệnh điều khiển các bộ phận nhân tạo, ví dụ cho phép người bị liệt có khả năng truyền đạt. Đến nay, các thí nghiệm đó đòi hỏi thiết bị hạng nặng cùng phẫu thuật tinh tế cấy điện cực hay con chip thông tin vào não bộ.

Cũng cách đây hai năm, các nhà khoa học Trường Đại học Stanford đã giúp ba người bị liệt vì chấn thương tủy sống nhìn chằm chằm con chuột trên bàn phím ảo để gõ chữ – các điện cực cấy trong não ghi nhận các tín hiệu trên vỏ não, truyền qua cáp đến máy tính. Một người tham gia thí nghiệm gõ được 8 từ/phút bằng tư duy trong não. Kristina Shenoy, một trong số các nhà khoa học tiến hành thử nghiệm lúc đó đã tiên đoán trong 5-10 năm nữa sẽ cấy hệ thống không dây, người bệnh có thể sử dụng suốt ngày, không cần nhân viên y tế hỗ trợ.

Và khi ấy, Mark Zuckerberg, ông chủ Facebook khẳng định: “Một ngày kia, chúng tôi biến điều này thành một công nghệ di động và sản xuất đại trà”.