27/01/2025 lúc 11:35 (GMT+7)
Breaking News

Giáo dục đào tạo Việt Nam trong thời đại 4.0

VNHN-Yếu tố nội tại và nội lực riêng biệt, những cơ hội và thách thức với giáo dục Việt Nam trong cuộc cách mạng 4.0 là suy tư của GS.TS Trương Nguyện Thành.

VNHN-Yếu tố nội tại và nội lực riêng biệt, những cơ hội và thách thức với giáo dục Việt Nam trong cuộc cách mạng 4.0 là suy tư của GS.TS Trương Nguyện Thành.

Nhưng cũng có cảnh báo nhắc bên tai hàng ngày về nguy cơ tụt hậu. Giáo dục ngay lập tức được giao trọng trách đào tạo nhân lực bắt kịp xu thế và lĩnh hội tinh hoa của cuộc cách mạng thời đại.

Ảnh minh họa

Bài mẫu chỉ để lập trình robot

Theo Diễn Đàn Kinh tế Thế giới (WEF), đến năm 2020, nhiều công việc trong thị trường lao động trên toàn cầu sẽ biến mất. Thay vào đó, những công việc bây giờ chưa có sẽ hình thành và đòi hỏi kỹ năng mới.  

Trí tuệ nhân tạo đang thâm nhập trực tiếp vào đời sống của chúng ta, từ người máy làm bồi bàn ở quán cà phê, việc nhà rồi xe hơi tự lái, qua những dây chuyền lắp ráp quy mô với độ chính xác cao, đến những công việc suy nghĩ đơn giản của kế toán và bác sĩ... Tất cả đều có thể được lập trình, tự động hóa. Nó mang lại năng suất cao hơn so với sức lao động của con người rất nhiều.

Cũng theo WEF, đến năm 2020, chúng ta sẽ làm những việc mà công nghệ với trí tuệ nhân tạo tại thời điểm đó chưa có khả năng xử lý. Đó là những công việc đòi hỏi phải xử lý những vấn đề phức tạp, cần giải pháp đa chiều, linh động theo từng sự việc, hoàn cảnh, mà trí tuệ nhân tạo không thể có lập trình mà xử lý rốt ráo được.

Trong khi đó, giáo dục phổ thông của Việt Nam hiện nay vẫn còn loay hoay với những bài mẫu, văn mẫu, phương pháp giải toán, lý, hóa mẫu... Việc sử dụng bài mẫu giúp học sinh nhận dạng vấn đề mau chóng và dùng phương pháp mẫu đã học để giải quyết khi gặp vấn đề y như mẫu, như các quy trình ta dùng để lập trình cho người máy.

Cách học theo bài mẫu sẽ làm học sinh không thể phát huy tư duy phán xét và tính sáng tạo để giải quyết vấn đề. Một khi gặp phải vấn đề phức tạp chưa có đáp án, học sinh thiếu kỹ năng phân tích để đưa ra những giải pháp hợp lý. Đây là lý do cho sự khác biệt lớn giữa học đường với môi trường làm việc thực tế, góp phần cho con số trên 200.000 sinh viên ra trường không có việc làm.

Thị trường lao động được chia thành bốn phân khúc: Lao động chân tay, công nghệ cấp thấp, công nghệ cấp trung và công nghệ cấp cao. Thông thường, khi kinh tế phát triển, nhân lực ở phân khúc thấp sẽ chuyển lên phân khúc cao hơn và do đó thu nhập bình quân đầu người cũng tăng theo. 

Từ đánh giá của tổ chức OCED và World Bank về Việt Nam năm 2014, phân bổ tỷ lệ lao động trong các phân khúc ở Việt Nam hầu như không thay đổi từ năm 2000.

So với Trung Quốc, đầu năm 2000, thị trường lao động giống như Việt Nam, đa số ở phân khúc lao động công nghệ cấp thấp. Nhưng đến sau 2010, Trung Quốc đã dời một số lớn lực lượng lao động từ phân khúc công nghệ thấp qua phân khúc công nghệ trung và cao. Trong khi đó, phân bổ thị trường lao động Việt Nam hầu như bị khóa.

Lời giải cho thị trường lao động 4.0

Với cách mạng công nghệ 4.0, người máy và dây chuyền tự động hóa sẽ chiếm phần lớn những công việc tay chân và công nghệ cấp thấp. Số lượng người lao động này sẽ đi đâu và làm gì? Làm sao di dời nguồn nhân lực trong phân khúc lao động tay chân và công nghệ thấp lên các tầng cao hơn mà không rơi vào trạng thái bị động trước các thử thách do cách mạng công nghệ 4.0 đem lại?

Giáo dục có thể giải bài toán hóc búa này từ góc độ vĩ mô bằng cách tạo điều kiện cho mọi người dân không phân biệt tuổi tác, trình độ, hay khó khăn cá nhân được đào tạo để nâng cao kiến thức và cơ hội làm việc ở phân khúc cao hơn. 

Chúng ta cần hoàn thiện hóa hệ thống giáo dục hiện tại, mở thêm hệ thống giáo dục trực tuyến miễn phí từ cấp mẫu giáo đến hết trung học phổ thông cho dân. Tạo cơ hội cho mọi người, không phân biệt tuổi tác, cùng có cơ hội đến trường, xây dựng những lộ trình để mỗi người, tùy theo sở thích và năng lực, có thể theo đuổi ngành nghề phù hợp với khả năng và hoàn cảnh của mình.

Hệ thống giáo dục trực tuyến này sẽ giúp giảm áp lực lên hạ tầng cơ sở đang bị quá tải của hệ thống giáo dục phổ thông, nhất là ở những thành phố lớn, mở ra cơ hội công bằng cho đồng bào ở vùng sâu vùng xa.

Để chuẩn bị nguồn nhân lực cho công nghệ 4.0, giáo dục Việt Nam từ mẫu giáo đến đại học cần từ bỏ lối dạy - học từ chương, từ bỏ việc đòi hỏi học sinh phải thuộc lòng công thức, định nghĩa, thông tin, trả bài theo những giải pháp mẫu.

Chúng ta cần chuyển qua phương pháp học để giải quyết vấn đề (problem-based learning). Phương pháp này tạo điều kiện để học sinh quen với cách phân tích sự việc, nhận định vấn đề, nhìn sự việc từ nhiều góc độ, đánh giá hậu quả, bảo vệ quan điểm, sáng tạo trong cách xử lý, thiết lập quan hệ tốt với bạn học, và đạt kết quả hữu hiệu nhất.

Phương pháp đào tạo này giúp học sinh dễ dàng áp dụng kiến thức học hỏi vào đời sống thực tế, có khả năng xử lý những vấn đề phức tạp mà trí tuệ nhân tạo không thay thế được. Có như thế, chúng ta sẽ dễ dàng vượt qua sự đào thải của cách mạng công nghệ 4.0.

Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang đứng trước nhiều thử thách. Trong cuộc đua toàn cầu này, quốc gia nào không theo kịp sẽ trở thành tụt hậu.

Tỷ lệ dân số ở tuổi lao động của Việt Nam là tỷ lệ vàng. Để phát huy tối đa nguồn năng lực này, chúng ta cần một chiến lược lâu dài, với giáo dục làm then chốt, uyển chuyển và bén nhạy, từng bước triển khai; chú trọng việc đào tạo nhân lực các cấp, đáp ứng theo nhịp cung cầu của thị trường lao động.