VNHN - Câu chuyện dân số vàng có thực thành “vàng” hay không hãy còn chờ thời gian trả lời. Nhưng vận hội và thời cơ thì đã quá rõ.Vậy liên quan gì tới lực lượng nhà khoa học trẻ? Yêu cầu thực tế đã chỉ ra, trong một loạt tác động trực tiếp và gián tiếp thì có 4 mảng chính sách đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa cơ hội dân số vàng. Trong đó, xác định chính sách về nguồn nhân lực khoa học công nghệ phải là nòng cốt cho chính sách kinh tế. Nguồn nhân lực khoa học công nghệ của hôm nay, của thì tương lai chính là những nhà khoa học trẻ. Yêu cầu về đội ngũ nhà khoa học kế cận đã thực sự đáp ứng được đòi hỏi của đất nước?
Ảnh minh họa - Internet
Tre đã già…!
Theo một điều tra, tuổi đời của cán bộ khoa học hiện khá cao. Đội ngũ cán bộ là giáo sư, phó giáo sư hầu hết gần 60 tuổi, số dưới 50 tuổi chỉ chiếm 12%. Con số thống kê thật khiến chúng ta lo ngại. Như vậy, phần tinh tuý nhất tạo ra những giá trị khoa học đang già đi một cách đáng báo động. Dân số “vàng” nhưng chất lượng chưa “vàng”. Và bài toán này sẽ là một thách thức không nhỏ khi chúng ta đang hướng đến phát triển một nền kinh tế tri thức. Giáo sư Ngô Bảo Châu trong một bài trả lời báo chí đã thẳng thắn chia sẻ: Không chỉ toán học, dường như tất cả các ngành khoa học ở Việt Nam đều có những vấn đề rất lớn. Trong đó vấn đề lỗ hổng thế hệ là nghiêm trọng nhất. Những nhà khoa học thành danh, khẳng định được mình ở môi trường quốc tế hầu hết đã đến tuổi nghỉ hưu, trong khi đội ngũ nhà khoa học trẻ kế cận lại chưa có.
Trong nghiên cứu khoa học cần có sự kế thừa. Tre đã già - đó là một thực tế. Song mâu thuẫn với sự thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao, chúng ta đang đối diện với khủng hoảng thừa - thừa những thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo vội vã và không tương xứng với các yêu cầu cần phải có. Hệ quả của tình trạng thừa nhưng vẫn thiếu ấy là 58 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ, 161 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ bị thu hồi trong những năm gần đây.
Nhìn vào thực tế một số ngành, lĩnh vực khoa học, bức tranh “chất xám” đang thiếu dần sự cân đối. Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang cảnh báo, chỉ 5 đến 7 năm nữa, nước ta sẽ thiếu hụt trầm trọng đội ngũ cán bộ khoa học trẻ có trình độ. Lý giải về điều này, vị giáo sư cho rằng nguyên nhân là do “đầu vào” của các trường đào tạo về khoa học đang có “vấn đề”. Ông đã đưa ra một ví dụ. Những năm gần đây, những chuyên ngành khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội nhận được rất ít hồ sơ đăng ký tuyển sinh từ các trường trung học phổ thông danh tiếng và ngành khoa học xã hội nhân văn lại càng giảm hơn. Giới trẻ không thích vào ngành khoa học thì đồng nghĩa với việc các cơ quan nghiên cứu không tuyển dụng được người tài. Các nhà khoa học đầu ngành đến tuổi về nghỉ hưu mà không tìm được người kế cận xứng đáng. Ông khẳng định: Câu chuyện ở đây không còn là bài toán thu nhập của mỗi cá nhân mà trở thành vấn đề của quốc gia.
Thì tương lai phụ thuộc nhà khoa học trẻ!
Lại xin bắt đầu bằng con số “măng chưa kịp mọc”! Hơn 1 vạn tiến sĩ nhưng trình độ so với chuẩn quốc tế còn thấp, chỉ có khoảng 25% cán bộ có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh. Cũng theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện Việt Nam có trên 1.500 tổ chức khoa học công nghệ. Số người làm nghiên cứu trên 60.000 người ở các lĩnh vực. Sau hơn 20 năm, số tổ chức khoa học công nghệ đã tăng hơn ba lần, nhân lực trong lĩnh vực này cũng tăng gấp ba. Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, hoạt động của lực lượng trên chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển đất nước. Đội ngũ khoa học công nghệ hiện không chỉ thiếu cán bộ đầu đàn giỏi, thiếu “các tổng công trình sư” mà còn thiếu cả người có trình độ hoặc kỹ năng cao.
Cùng với tình trạng “chảy máu chất xám”, tình trạng thiếu hụt đội ngũ nhà khoa học kế cận… là một trong những cảnh báo “nguy hại” đối với sự phát triển của khoa học công nghệ. Thế hệ “vàng” những giáo sư, tiến sĩ trước đây đảm nhiệm vai trò nòng cốt trong nhiều lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội, một số lượng lớn đã và đang lần lượt về hưu. Hơn nữa trong khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, việc sử dụng các kỹ năng nghiên cứu mới cũng như để cập nhật được những thành tựu nghiên cứu mới trên thế giới đang đòi hỏi phải có đông đảo các nhà khoa học trẻ tuổi và giỏi thay thế. Giới quản lý, chuyên gia kinh tế và khoa học xã hội đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ, nhưng chúng ta đang chứng kiến sự hẫng hụt trong một số lĩnh vực khoa học, kỹ thuật mà nguyên nhân chính do chất lượng của đội ngũ khoa học và việc thiếu hụt đội ngũ kế cận đang ở mức báo động.
Song, những năm qua, bên cạnh sự thiếu hụt đội ngũ nhà khoa học trẻ, nhen nhóm những “măng mọc” tài năng - một số nhà khoa học trẻ đã được khẳng định ở tầm quốc tế (Giáo sư Ngô Bảo Châu, Giáo sư Toán học Vũ Hà Văn…). Một số đã thể hiện được vai trò tiên phong của giới trẻ trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Họ đã góp mặt vào nhiều giải thưởng danh giá, không chỉ trong nước mà ở tầm quốc tế. Mỗi năm, nhiều nhà khoa học trẻ được phong các chức danh giáo sư, phó giáo sư vì những cống hiến, những công trình khoa học được ứng dụng, đánh giá cao. Đấy là những điều rất đáng mừng. Nhưng như thế vẫn là chưa đủ, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của đất nước.
Bài toán thiếu sự chuẩn bị đội ngũ kế cận sẽ ra sao khi Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã từng khẳng định: Tương lai Việt Nam phụ thuộc vào đổi mới sáng tạo và chúng ta đã rất cận kề trong lộ trình hướng đến năm 2025 - thời điểm đến đích của sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước. Thiết nghĩ, cơ hội cho những nhà khoa học trẻ thể hiện tài năng và cống hiến cho đất nước chính là cùng với những đề án như “Thí điểm xây dựng nhiệm vụ khoa học và công nghệ tiềm năng” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cũng cần hơn một cơ chế tài chính cho những nhà khoa học trẻ và chính sách thu hút nhân tài!