25/12/2024 lúc 21:26 (GMT+7)
Breaking News

Nhận diện trí thức để xây dựng đội ngũ trí thức

VNHN-Để thực hiện mục tiêu chiến lược của Đảng và Nhà nước là đẩy mạnh CNH-HĐH, chủ động hội nhập quốc tế thì việc xây dựng đội ngũ trí thức là đòi hỏi cấp bách.

VNHN-Để thực hiện mục tiêu chiến lược của Đảng và Nhà nước là đẩy mạnh CNH-HĐH, chủ động hội nhập quốc tế thì việc xây dựng đội ngũ trí thức là đòi hỏi cấp bách.

Từ ngàn xưa cha ông ta đã coi trọng trí thức, đã đánh giá rất cao vị trí vai trò của trí thức. Điều đó đã được nhà bác học lỗi lạc Lê Quý Đôn khẳng định: “phi trí bất hưng”. Nước ta không thể hưng thịnh và vượt qua được nguy cơ tụt hậu ngày càng xa so với các nước, nếu chưa coi trọng và có chính sách đúng với việc xây dựng phát triển đội ngũ trí thức. Thế nhưng từ trước đến nay khi nói đến trí thức, chúng ta đều có cảm nhận chung chung rằng đó là những người có học.... Chưa có văn bản nào quy định cụ thể là trí thức cần phải hội đủ những tiêu chí nào. Xuất phát từ thực tiễn này mà quan điểm xây dựng đội ngũ trí thức ở nước ta cũng còn nhiều điểm chưa thật sự phù hợp…

Theo tôi “Trí thức là sự hiểu biết sâu rộng, đội ngũ trí thức là những người có học vấn cao, có trình độ hiểu biết trên nhiều lĩnh vực. Nhưng trình độ đó, sự hiểu biết đó phải có khả năng thực hành đem lại lợi ích cho cộng đồng, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng”.

Hiện nay trong xã hội, quan điểm khá phổ biến là những người có trình độ học vấn từ cao đẳng trở lên là trí thức. Điều này có phần đúng. Như vậy, trí thức có mặt trong tất cả các ngành, các cấp, các lĩnh vực và cả trong hàng ngũ giai cấp công nhân, nông dân. Vì vậy, tất yếu phải có chính sách phù hợp để xây dựng phát huy đội ngũ trí thức và phát huy tiềm năng chất xám của họ.

Ảnh minh họa 

Quan điểm xây dựng đội ngũ trí thức

Tôi đồng quan điểm với các nhà trí thức, nhà khoa học khi cho rằng xây dựng, đào tạo bồi dưỡng và phát huy tiềm năng trí tuệ, năng lực sáng tạo, năng lực đóng góp của đội ngũ trí thức hiện nay là vấn đề cấp bách; là vấn đề chiến lược cách mạng trong thời kỳ mới. Nhưng cần phải nói thêm là đội ngũ trí thức được đào tạo xây dựng phải là những người có tri thức rộng, thực học, thực tài, có tinh thần yêu nước, trách nhiệm công dân. Khi đào tạo phải bảo đảm về số lượng ngày càng nhiều; đồng bộ về cơ cấu, bảo đảm về chất lượng.

Tôi cho rằng xây dựng đội ngũ trí thức, trong đó có trí thức khoa học - công nghệ lớn mạnh là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của Đảng, Chính quyền và toàn xã hội; là đồng thời với xây dựng Đảng, xây dựng các cấp chính quyền vững mạnh, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn Cách mạng mới...

Từ quan điểm cụ thể nêu trên, có thể khẳng định đội ngũ trí thức được xây dựng, đào tạo là lực lượng cách mạng tinh hoa để đưa nước ta tiến lên phát triển nhanh, mạnh và bền vững. Trí thức là đội ngũ tiên phong để thực hiện thành công nhiệm vụ CNH - HĐH và hội nhập quốc tế.

Mục tiêu và nhiệm vụ xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ trí thức

Như đã nói ở trên, xây dựng đội ngũ trí thức phải đông về số lượng, mạnh về chuyên môn, đáp ứng cho sự nghiệp CNH - HĐH đất nước. Chúng ta phải xây dựng đội ngũ trí thức có khả năng hội nhập quốc tế, có năng lực kế thừa phát huy tinh hoa văn hóa của dân tộc và thời đại góp phần nâng cao uy tín của Đảng.

Điều quan trọng ở đây là cần bố trí ngân sách để đào tạo đội ngũ trí thức có trình độ cao, chuyên sâu ở trong từng lĩnh vực, từng ngành nghề từng địa phương; có khả năng đáp ứng công việc trong nước và tiến kịp với sự phát triển hiện đại của nước ngoài... Đảng và Nhà nước cần ban hành các chế độ chính sách cơ chế tạo điều kiện thuận lợi để trí thức có điều kiện phát huy năng lực sở trường, phục vụ xã hội.

Song song với đó phải có chính sách ưu đãi khen thưởng tôn vinh đúng, kịp thời những trí thức, những nhà khoa học, những cá nhân có những sáng kiến kinh nghiệm, có công lao đối với sự phát triển từng ngành từng địa phương và quốc gia.

Đảng và Nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa phong trào khuyến học, khuyến tài trong cả nước, phát động nhanh, mạnh phong trào tự học, tự rèn của học sinh, sinh viên, phong trào gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, đơn vị cơ quan khuyến học, khuyến tài. Đây cũng chính là công việc thường xuyên không ngừng đào tạo và xây dựng đội ngũ trí thức.

Về phía các địa phương cũng cần thường xuyên chỉ đạo một cách hiệu quả các trung tâm học tập cộng đồng, các loại hình đào tạo có chất lượng, tạo nhiều cơ hội để nhân dân thi đua học tập, hình thành xã hội học tập, quyết tâm xây dựng một xã hội giàu tri thức và văn minh.

Đồng thời với xây dựng đào tạo đội ngũ trí thức khoa học công nghệ trong nước nên khuyến khích trí thức học tập đào tạo ở nước ngoài và cần có chính sách động viên, khuyến khích đội ngũ trí thức, các nhà khoa học người Việt Nam sinh sống nước ngoài đem tài năng trí tuệ phục vụ cho đất nước.

Các giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức

Theo tôi trước tiên chúng ta cần chuyển đổi một cách mạnh mẽ, nhận thức từ trong Đảng đến ngoài xã hội về sự cần thiết cấp bách cũng như quan điểm thái độ đối với vấn đề xây dựng phát triển đội ngũ trí thức trong giai đoạn cách mạng mới. Sự nhận thức này phải thống nhất từ trên xuống và phải cụ thể hóa bằng văn bản rõ ràng chứ không phải Trung ương nói khác, địa phương nói khác... Sở dĩ tôi nói điều này là thực tế đã có và đã xảy ra. (Ví dụ: Cũng tổ chức Liên hiệp các hội KH-KT nhưng Đảng thì nói Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật là tổ chức chính trị - xã hội” - Thủ tướng cũng công nhận là “tổ chức chính trị - xã hội” nhưng một số bộ ngành, một số lãnh đạo lại cho đây là “tổ chức xã hội - nghề nghiệp”)...

Bàn về vấn đề đào tạo, đào tạo lại... Theo tôi, Ban chấp hành Trung ương Đảng phải có Nghị quyết chuyên đề về vấn đề này, và Chính phủ phải cụ thể hóa bằng cơ chế, chính sách một cách rõ ràng minh bạch.

Mặt khác chúng ta phải có cuộc cách mạng triệt để đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, phải thúc đẩy một xã hội học tập, thi đua học tập, thực học thực tài.

Phải xem khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, của các cấp các ngành và toàn xã hội. Bộ GD&ĐT phải là người chịu trách nhiệm trước Chính phủ để chủ trì phối hợp liên kết các ngành đoàn thể thực hiện.

Muốn xây dựng đội ngũ trí thức có hiệu quả cần xây dựng chiến lược đào tạo theo từng mục tiêu phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ. Phải ban hành cơ chế thông thoáng để tìm kiếm, sàng lọc phát hiện nhân tài. Coi trọng đào tạo toàn diện, nhưng đặc biệt coi trọng thực hành. Chất lượng đào tạo phải phục vụ cho yêu cầu cấp bách đó là đi trước, đón đầu và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó cần thực hiện nghiêm sự phân công, bố trí nắm giữ các chức vụ trong Đảng, trong chính quyền theo nguyên tắc công khai, dân chủ về tiêu chuẩn trình độ, đồng thời với lấy phiếu tín nhiệm (lấy phiếu tín nhiệm sau khi đã xét chọn đúng tiêu chuẩn trình độ), khắc phục trình trạng phân công trái ngành nghề.

Khuyến khích phát triển tài năng

Để khuyến khích phát triển tài năng phải có sự đổi mới về điều kiện, tiêu chuẩn xét kết nạp Đảng viên trong hàng ngũ trí thức và phát triển mạnh mẽ trí thức vào Đảng. Công khai hóa tiêu chuẩn trình độ cán bộ công chức ở từng cấp, từng ngành theo hướng trí thức hóa trình độ Đảng viên cán bộ, công chức viên chức tất cả các cấp ngành. Có chính sách riêng biệt đối với những trí thức khoa học là người cao niên còn có sức khỏe, có năng lực chuyên môn và uy tín đạo đức. Bên cạnh đó cần khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, trách nhiệm công dân của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ bằng những hành động những việc làm cụ thể, những chủ trương, chính sách đúng và kịp thời.

Đồng thời xây dựng kiện toàn các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp vững mạnh, tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ trí thức được tập hợp đoàn kết, được trao đổi thông tin được bày tỏ chính kiến, được đóng góp những ý kiến tâm huyết những giải pháp khả thi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.