03/01/2025 lúc 06:20 (GMT+7)
Breaking News

TP.Hà Nội: Mang lợi ích của chuyển đổi số đến người dân

Thích ứng với xu thế chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ, với sự đồng lòng của hệ thống chính quyền, các ngành, các cấp và người dân, từ TP đến tận địa bàn dân cư tại Hà Nội đang triển khai những giải pháp quyết liệt, mô hình hay trong chuyển đổi số phục vụ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) nhanh, gọn, tiết kiệm chi phí cho người dân.

Hiện nay, chuyển đối số sử dụng dữ liệu và hệ thống công nghệ số nhằm thay đổi trải nghiệm người sử dụng theo đó là hoàn toàn trên môi trường điện tử. Khi dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng hoàn chỉnh, người dân chỉ phải khai thông tin cá nhân một lần duy nhất, sử dụng cho các TTHC tiếp theo. Đặc biệt, người dân không cần trực tiếp đến cơ quan hành chính, không gò bó trong giờ hành chính, mà có thể giao dịch TTHC mọi lúc mọi nơi, trên các thiết bị khác nhau, miễn có kết nối mạng. Người dân và công chức không tiếp xúc trực tiếp nên cũng hạn chế được nhũng nhiễu trong giải quyết TTHC. Với tính ưu việt đó, TP Hà Nội dần ứng dụng chuyển đổi số vào công tác xây dựng chính quyền số và cơ quan Nhà nước “không giấy tờ”, “không địa giới hành chính”.

Hình ảnh minh họa 

Điển hình tại UBND phường Đồng Tâm(quận Hai Bà Trưng) xác định bộ phận một cửa là trung tâm quá trình chuyển đổi số, UBND phường Đồng Tâm đã áp dụng sáng kiến “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa. Theo đó, phường thường xuyên rà soát đơn giản hóa thành phần hồ sơ, giảm thời gian giải quyết TTHC, với 202 quy trình thực hiện tại một cửa đã được chuẩn hóa theo ISO 9001:2015, rõ thời gian giải quyết với từng TTHC. Tại các ô cửa đều dán mã QR để sau mỗi lần giao dịch, công dân dùng smartphone thực hiện đánh giá chất lượng phục vụ hoặc thanh toán trực tuyến phí giải quyết hồ sơ. Đồng thời đây cũng là kênh để lãnh đạo phường tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân.

Sau 1 năm áp dụng sáng kiến, chất lượng giải quyết hồ sơ được cải thiện rõ, khảo sát đạt 100% người dân, DN hài lòng. Bộ phận một cửa phường tiếp nhận, giải quyết 3.821 hồ sơ, đều được trả kết quả trước hoặc đúng hạn.

Với việc chủ động ứng dụng chữ ký số trong giải quyết TTHC, Nam Từ Liêm là đơn vị đầu tiên, đứng đầu TP trong chứng thực bản sao điện tử, đang tiếp tục triển khai hiệu quả “kiot đăng ký cấp chữ ký số miễn phí cho công dân” vào cuối tuần. Đáng chú ý, từ tháng 10/2022, UBND quận chỉ đạo phường Trung Văn thí điểm mô hình “Một cửa đô thị hiện đại”, thông qua thiết bị công nghệ thông tin ở từng quầy giao dịch và công nghệ AI tự nhận diện khuôn mặt, trạng thái cá nhân để đánh giá sự hài lòng của người dân sau giải quyết TTHC.

Kết quả được lưu trên máy chủ, làm cơ sở đánh giá hiệu quả công việc của cán bộ, đơn vị. Mô hình còn giúp lưu dữ liệu người dân khi kê khai nộp hồ sơ, không phải khai lại thông tin trong những lần giao dịch sau, thông qua máy quét trực tiếp tại bộ phận một cửa (chỉ cần căn cước công dân để quét). Cùng những giải pháp mới, năm 2023, mô hình này đã được nhân rộng ra nhiều phường khác thuộc quận.

Không chỉ tại nội đô, cuộc “cách mạng chuyển đổi số” đã lan tỏa mạnh mẽ tới mọi khu vực ngoại thành. Như tại thị trấn Thường Tín (huyện Thường Tín), lãnh đạo thị trấn đã chỉ đạo mọi TTHC được tiếp nhận, giải quyết theo đúng quy trình và làm trên môi trường điện tử. Bên cạnh việc công dân đến giải quyết TTHC thì quét mã QR ngay tại quầy để đánh giá sự hài lòng, thị trấn đã phối hợp Phòng Nội vụ huyện xây dựng hệ thống mã QR phục vụ tra cứu thông tin, người dân có thể tự nộp hồ sơ từ nhà.

Với mô hình “Ứng dụng công nghệ thông tin trong khảo sát mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công”, mỗi bộ phận một cửa được cấp một mã QR đặt tại các quầy giao dịch để khảo sát chất lượng cung ứng dịch vụ công. Qua mô hình, toàn huyện Thường Tín đã thu về hơn 8.600 phiếu khảo sát và tiếp nhận trên 200 ý kiến. Bên cạnh phản ánh tích cực về cơ sở vật chất, tinh thần phục vụ của cán bộ, một số xã cũng nhận được góp ý để xem xét điều chỉnh về chất lượng cung cấp dịch vụ công, được Văn phòng huyện tổng hợp hằng tháng, tham mưu UBND huyện ra văn bản đề nghị các đơn vị giải trình và chấn chỉnh cán bộ (nếu cần).

Thực hiện chỉ đạo của TP và hướng dẫn của Sở TT&TT, việc ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số trên địa bàn Hà Nội đã đạt những hiệu quả tích cực. Không chỉ cán bộ, công chức được quan tâm đào tạo, đầu tư máy móc trong xử lý công việc mà các tổ chức, công dân cũng được tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả trong thực hiện TTHC. Điều này có được trước hết do ngay từ bộ phận một cửa các cấp được quan tâm nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức và đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng những điều kiện cho chuyển đổi số trong giải quyết công việc phục vụ người dân, DN.

Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước bảo đảm đầy đủ điều kiện, kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ tiếp nhận, giải quyết TTHC. Đến nay, TP hoàn thành triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo đúng lộ trình Đề án 06 của Chính phủ; 9/25 dịch vụ công thiết yếu được tiếp nhận và giải quyết hoàn toàn trực tuyến, không có hồ sơ trực tiếp.

Đặc biệt, khai thuế điện tử được áp dụng phổ biến với tỷ lệ 99,5% DN đang hoạt động khai thuế qua mạng, 99,1% DN thực hiện nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử đang hoạt động đăng ký thành công đạt 99,16% đối với DN và 99,98% với hộ kinh doanh. TP cũng có hơn 4,7 triệu người có thẻ BHYT được đồng bộ, xác thực dữ liệu với căn cước công dân, có thể sử dụng đi khám chữa bệnh; 100% cơ sở khám chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip thay thế thẻ BHYT. Toàn TP đã kích hoạt tài khoản định danh điện tử đạt gần 70%.

Theo UBND TP, TP xác định công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 của Chính phủ phải được triển khai một cách tổng thể, toàn diện nhưng ưu tiên chất lượng hơn số lượng. Bởi lẽ, nguồn nhân lực, vật lực có hạn nên cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm nên không dàn trải, với chất lượng là yếu tố then chốt để huy động sự tham gia tích cực của người dân, DN.

Sự chuyển đổi số trong lĩnh vực thủ tục hành chính mang lại nhiều lợi ích cho mọi người, giúp cải thiện việc tiếp cận giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) nhanh, gọn, tiết kiệm chi phí, tạo ra môi trường liên kết và đảm bảo tối ưu hóa nguồn lực. Điều này sẽ tạo ra một sự phát triển bền vững và tiến bộ trong việc phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng.