03/05/2024 lúc 19:30 (GMT+7)
Breaking News

TP Vinh - Miền đất của những điểm nhấn du lịch

VNHN-Vinh (Nghệ An) là thành phố lớn, thành phố trung tâm của khu vực Bắc Trung bộ, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 trở thành trung tâm vùng về tài chính, ngân hàng, thương mại, du lịch, công nghiệp công nghệ cao.

VNHN-Vinh (Nghệ An) là thành phố lớn, thành phố trung tâm của khu vực Bắc Trung bộ, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 trở thành trung tâm vùng về tài chính, ngân hàng, thương mại, du lịch, công nghiệp công nghệ cao. Nhưng, xét về khía cạnh du lịch, với lợi thế giao thông thuận tiện, có sân bay, ga tàu và hệ thống giao thông đường bộ không ngừng được nâng cấp, ngay từ những năm gần đây, Vinh đã là điểm đến, điểm dừng chân trên hành trình, tour, tuyến du lịch của khách du lịch và của các công ty lữ hành, các đoàn khách trong nước và quốc tế.

TP.Vinh khi đêm xuống

Người ta nói với nhau rằng, khác với TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, hay Huế, Vinh là tổng hòa, xen kẽ của sự trầm lắng và tấp nập, vui tươi và yên bình. Quả đúng như vậy. Một thành phố Vinh xanh sạch đẹp; một không gian sống hiền hòa, thấm đẫm sự hồn hậu và tình người xứ Nghệ thân thương…Vinh còn mang trong mình những khu di tích lịch sử, văn hóa, với Quảng trường Hồ Chí Minh có Tượng đài Bác Hồ lớn và đẹp nhất nước ta; cùng những địa danh du lịch lịch sử tâm linh và danh thắng nổi tiếng, như:Đền thờ Hoàng đế Quang Trung trên Núi Dũng Quyết, Thành cổ Vinh, Đền Hồng Sơn, Đền Ông, chùa Diệc cổ...Bên cạnh đó, TP Vinh lại ở điểm giữa của 2 trung tâm du lịch lớn tầm cỡ quốc gia, đó là Khu Di tích Kim Liên - quê hương Bác Hồ, và Khu nghỉ mát, tắm biển Cửa Lò nổi tiếng, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn hoạt động du lịch của Thành phố. Tiềm năng phát triển du lịch của TP Vinh, vì thế mà rất lớn và đáng tự hào.

Trong những năm gần đây, thành phố đã tích cực thực hiện bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị các di tích lịch sử, văn hoá gắn với phát triển du lịch, dịch vụ; hoàn thành việc đầu tư, tôn tạo nhiều công trình di tích quan trọng, như đền Hồng Sơn, xây dựng Tượng đài Ngã ba Bến Thủy, Nhà tưởng niệm Đại tướng Chu Huy Mân, Nhà lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai..., thể hiện sự quan tâm lớn của Thành phố đối với hoạt động du lịch, nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Bên cạnh đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch các vùng du lịch, TP Vinh đồng thời phát huy nội lực tích cực hoàn thiện hạ tầng, kết nối giao thông xuyên Việt, xuyên Á, tạo thuận lợi kết nối với các điểm du lịch nổi tiếng trong tỉnh, cả nước và quốc tế.Thành phố chú trọng phát triển du lịch tham quan, tìm hiểu lịch sử văn hóa thông qua tổ chức hội thảo, sự kiện văn hóa, thể thao; đẩy mạnh các hoạt động liên kết, quảng bá, phát triển thị trường du lịch. Nhờ vậy, du lịch thành phố những năm gần đây thực sự khởi sắc, tạo được nét đặc trưng, ấn tượng với du khách. Năm 2017, tổng số khách du lịch đến TP Vinh đạt 1.950.000 lượt với tổng doanh thu đạt 800 tỷ đồng; năm 2018, chỉ tính 6 tháng đầu năm, tổng số khách đến thành phố đã đạt 1.105.000 lượt với doanh thu đạt 590 tỷ đồng…Đó là những con số biết nói về phát triển du lịch của Thành phố Vinh. Khi đến với TP Vinh trong một hành trình tham quan, du lịch, du khách có nhiều lựa chọn cho niềm yêu thích của riêng mình. Tuy nhiên, với Thành Vinh, mỗi điểm đến đều có những giá trị và sự hấp dẫn riêng.

Đền Hồng Sơn thờ Hùng Vương ở phường Hồng Sơn

Một trong những điểm đến đặc sắc không thể thiếu trong hoạt động tâm linh khi đến TP Vinh chính là khu Di tích danh thắng cấp quốc gia - Đền thờ Hoàng đế Quang Trung trên núi Dũng Quyết (phường Trung Đô, TP Vinh), nằm giữa rừng thông thơ mộng với độ cao gần 100 m so với mực nước biển. Được khởi công xây dựng ngày 15/8/2005 và khánh thành vào ngày 7/5/2008 nhân kỷ niệm 220 năm Phượng Hoàng Trung Đô, Khu đền là một công trình lịch sử, văn hóa, tâm linh linh thiêng, bề thế; được xây dựng ngay tại quê cha đất tổ của người Anh hùng, không chỉ có ý nghĩa về mặt tâm linh, khai thác tiềm năng du lịch văn hóa, mà còn góp phần nêu cao truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau.Kiến trúc của ngôi đền thật sự uy nghi, bề thế và cổ kính, tiêu biểu cho kiến trúc đền chùa ở Việt Nam; với rất nhiều công trình và chi tiết mang đậm nghệ thuật chạm khắc truyền thống tinh xảo… Hàng năm Đền thờ Hoàng đế Quang Trung có 2 ngày lễ lớn, đó là ngày 29 tháng 7 âm lịch - ngày giỗ của Hoàng đế Quang Trung, và ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch - ngày Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Đặc biệt vào dịp kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, đông đảo nhân dân khắp nơi trong và ngoài tỉnh lại trẩy hội đền Vua Quang Trung với lòng thành kính và cảm xúc thiêng liêng. Lễ hội không những tôn vinh công lao to lớn người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ đã có công chống giặc ngoại xâm thống nhất đất nước; mà còn đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo các giá trị văn hóa tâm linh và tình cảm của nhân dân đối với Hoàng đế Quang Trung; đồng thời là dịp tuyên truyền, quảng bá sâu rộng, giáo dục truyền thống và phát huy giá trị văn hóa tâm linh đối với Đền thờ Hoàng đế Quang Trung, gắn với các hoạt động nhằm phát triển du lịch.

Đền thờ Hoàng đế Quang Trung trên núi Dũng Quyết ở phường Trung Đô

Trên địa bàn TP Vinh, Đền Hồng Sơn (đã được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia) là nơi duy nhất thờ Hùng Vương. Ngôi đền được xây từ thời Trần, tọa lạc trên một khu đất rộngthuộc phường Hồng Sơn, TP Vinh, quay mặt ra sông Cửa Tiền. Đây cũng là một ngôi đền cổ kính, tráng lệ. Bất chấp những biến cố của thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, Đền Hồng Sơn vẫn tồn tại và giữ được dáng vẻ kiến trúc thời Nguyễn; trở thành nơi thờ tự Vua Hùng, thờ Đức Thánh Trần, Đức Thánh Mẫu... Hàng năm, ngoài những ngày lễ sóc vọng nhân dân thường đến thắp hương, tế lễ, tại đền còn có 3 kỳ lễ lớn là: Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 Âl), giỗ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (20/8 Âl) và giỗ Thánh Mẫu Liễu Hạnh (03/3 Âl). Trong mỗi dịp đầu xuân, Đền Hồng Sơn còn trở thành sân chơi cho những người yêu thơ, yêu nhạc họp mặt bình thơ, thực sự trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh lành mạnh của nhân dân trên địa bàn. Lễ giỗ tổ Hùng Vương tại Đền Hồng Sơn năm nào cũng được các cấp chính quyền, các ban ngành của thành phố Vinh tổ chức đúng vào ngày 10/3 âm lịch, cùng với Lễ hội Đền Hùng ở Phú Thọ, với những nghi lễ  trang trọng, tôn nghiêm, đủ các nghi thức dâng hoa, dâng hương, đại tế, tiến nước, tiến cỗ, dâng bánh chưng, bánh dày… trước bàn thờ vua Hùng. Sau phần lễ chính là màn hát chầu văn cuốn hút lòng người. Đền Hồng Sơn không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh của người dân mà  thông qua lễ hội tại Đền, là nơi giáo dục truyền thống, lòng biết ơn các bậc tổ tiên dân tộc đã có công lao to lớn trong suốt hành trình dựng nước và giữ nước, để chúng ta có được một giang sơn gấm vóc nước Việt Nam hôm nay.

Một “điểm nhấn” nữa khi đến với  Vinh là Thành Cổ Vinh, nằm trên địa bàn của 3 phường: Cửa Nam, Đội Cung và Quang Trung. Được xây dựng vào năm 1804 triều vua Gia Long và đến năm Minh Mạng thứ 12 thì được xây lại bằng đá. Thành cổ Vinh là một chứng tích lịch sử từ thời nhà Nguyễn đến các cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân xâm lược; nơi ghi lại dấu ấn nhiều biến động của vùng đất xứ Nghệ. Đây là một điểm du lịch được nhiều du khách quan tâm. Đến đây du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu kỹ về lịch sử nước nhà cũng như tầm quan trọng của mảnh đất xứ Nghệ trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

… Với định hướng phát triển Vinh trở thành trung tâm dịch vụ du lịch, bên cạnh nỗ lực khắc phục những mặt còn hạn chế, thành phố Vinh xác định, phát triển du lịch trên nền đô thị đồng nghĩa với chú trọng đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng đô thị, xây dựng văn minh đô thị, văn hóa ứng xử, ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch cho người dân. Đồng thời chú trọng khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch tâm linh; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch bằng cách tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, tạo cho du khách có được nhiều hơn sự hấp dẫn và sự hài lòng khi đến với Thành Vinh.

 Nguyệt Hằng