29/03/2024 lúc 18:19 (GMT+7)
Breaking News

Ngành Thủy sản Nghệ An: 60 năm - Tự hào một hành trình phát triển

VNHN-Ngày 1/4/1959, khi về thăm các làng cá và bà con ngư dân ở các đảo Tuần Châu, Cát Bà,… Bác Hồ đã căn dặn: “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ”.

VNHN-Ngày 1/4/1959, khi về thăm các làng cá và bà con ngư dân ở các đảo Tuần Châu, Cát Bà,… Bác Hồ đã căn dặn: “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ”. Lời dạy của Bác thể hiện tư tưởng lớn trong việc khơi dậy ý thức về bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, trong đó có ngư dân, đối với phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Hòa chung sự phát triển của nghề cá cả nước, trong 60 năm qua, nghề cá Nghệ An không ngừng phát triển, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng quê hương Nghệ An ngày một phát triển giàu mạnh.

Trong 60 năm qua, từ buổi ban đầu mới là Công ty Thủy sản, rồi đến Ty Thủy sản, Sở Thủy sản và nay là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, nghề cá nhân dân và các đơn vị, tổ chức, cá nhân làm nghề trong tỉnh đã có những đóng góp quan trọng trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Ngành Thủy sản Nghệ An đã có sự phát triển nhanh và bền vững về mọi mặt: Nuôi trồng, chế biến, quản lý khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản, quản lý tàu thuyền khai thác hải sản và các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá.

Đ/c Nguyễn Văn Lập, Bí thư Đảng ủy - PGĐ Sở NN & PTNT Nghệ An, thừa ủy quyền Bộ trưởng Bộ NN& PTNT trao

Bằng khen Của Bộ NN& PTNT cho tập thể Chi cục Thủy sản Nghệ An

Với bờ biển dài hơn 80 km, ngư trường rộng lớn, nguồn lợi thủy sản phong phú, nhiều cửa lạch cùng hàng nghìn ha mặt nước nuôi trồng mặn lợ, Nghệ An có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế thủy sản theo hướng bền vững. Trong những năm qua, được sự khuyến khích từ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, nghề cá Nghệ An đã có những bước phát triển vượt bậc; từ những con thuyền bé nhỏ, thủ công, đến nay đã có những đội tàu lớn khai thác xa bờ và dài ngày. Ngư dân trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư tàu to, máy lớn vươn khơi xa đánh bắt dài ngày để đạt hiệu quả kinh tế cao. Tính đến nay, trong tổng số gần 3.521 tàu thuyền đánh bắt hải sản, đã có 1.431tàu công suất từ 90 CV trở lên, công suất bình quân của các tàu loại này là 417,19 CV/ tàu; còn công suất bình quân chung của toàn bộ tàu thuyền khai thác hải sản trong tỉnh là 184,68 CV/tàu.Năng lực tàu cá tăng nhanh theo hướng giảm tàu khai thác ven bờ và tăng tàu khai thác xa bờ. Đặc biệt, các tàu khai thác xa bờ đều được trang bị định vị vệ tinh, máy dò cá, máy thông tin liên lạc tầm trung (hoặc tầm xa), nhiều tàu đã lắp đặt hầm bảo quản bằng vật liệu mới (PU) nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Số lượng tàu thuyền của Nghệ An tham gia khai thác vùng biển Hoàng Sa ngày càng tăng (năm 2014 là 01 tàu/03 chuyến, năm 2018 đã có 163 tàu/ 621 chuyến).  Năm 2018 tổng sản lượng khai thác biển toàn tỉnh đạt 143.107 tấn (102,95% KH và tăng 13,2% so với năm 2017), với tổng giá trị đạt 3.383,010 tỷ đồng; Sản lượng khai thác thủy sản nội đồng đạt 6.260 tấn (125,2% KH và tăng 3,32% so với năm 2017). Cùng với đó, cơ sở hậu cần nghề cá ngày càng được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu phát triển nghề cá. Hiện toàn tỉnh đã có 13 cảng cá, bến cá và khu neo đậu tàu thuyền trú bão; có 58 cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền…Thực tế đó đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của nghề cá của Nghệ An cả về quy mô, cả về nâng cao giá trị, hiệu quả của nghề.

Bên cạnh nâng cao năng lực khai thác, Nghệ An cũng rất chú trọng khai thác lợi thế vùng ven biển, mặt biển, các ao, hồ để mở rộng diện tích nuôi thủy sản và đưa thêm nhiều đối tượng nuôi mới vào sản xuất. Nhờ vậy, diện tích, đối tượng, hình thức và sản lượng nuôi trồng không ngừng tăng lên. Đặc biệt, công nghệ mới được áp dụng, giống nuôi mới được đưa vào đã nâng cao giá trị và hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản. Hiện diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đã đạt 21.367 ha; trong đó nuôi nước ngọt là 18.954 ha, nuôi mặn lợ là 2.413 ha. Sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh năm 2018 đạt 52.965 tấn, trong đó sản lượng nuôi ngọt là 41.509 tấn, nuôi mặn lợ là 11.456 tấn. Quy trình và công nghệ nuôi tiên tiến đã được áp dụng tại nhiều hộ gia đình mang lại hiệu quả kinh tế cao, thân thiện môi trường và phát triển bền vững. Với sự hỗ trợ của BQL dự án nguồn lợi ven biển, đến nay trong tỉnh đãcó 05/07 vùng nuôi tôm ATSH được đánh giá và cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP…

Với lĩnh vực chế biến thủy hải sản, Nghệ An đã đóng góp các sản phẩm cho tiêu dùng nội địa, xuất khẩu tiểu ngạch nhiều mặt hàng có chất lượng, như nước mắm, tôm nõn, mực khô…Đặc biệt thời gian qua, các cơ sở chế biến của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tỉnh phát triển mạnh, sản lượng các mặt hàng chế biến đều tăng; hầu hết các đơn vị sản xuất đều đảm bảo chất lượng, mẫu mã được cải tiến, việc xây dựng và đăng ký thương hiệu được chú trọng.

Trong thời gian tới, ngành Thủy sản Nghệ An, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh và sự điều hành trực tiếp của Sở NN&PTNT, sẽ tiếp tục làm tốt việc tuyên truyền và triển khai Luật Thủy sản 2017; đẩy mạnh áp dụng KHCN vào các lĩnh vực sản xuất; vận động và khuyến khích việc khai thác hải sản xa bờ; tiếp tục đầu tư phát triển để Nghệ An là Trung tâm giống thủy sản của Khu vực Bắc miền Trung và các tỉnh phía Bắc; có cơ chế chính sách hỗ trợ ngư dân phát triển các nghề khai thác mới thân thiện môi trường và mang lại hiệu quả cao hơn.

Phát triển mạnh khai thác xa bờ kết hợp một số nghề gần bờ

Có thể nói trong hành trình phát triển, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh, nhưng ngành Thủy sản Nghệ An đã vượt qua để không ngừng phát triển. Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập của đất nước, ngành Thủy sản Nghệ An đã chủ động đổi mới trên cơ sở gắn với nhu cầu của thực tiễn, nâng cao chất lượng áp dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất nhằm đưa ngành Thủy sản nói riêng và ngành Nông nghiệp của Nghệ An nói chung tiếp tục phát triển mạnh mẽ, xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của ngành và với lời căn dặn của Bác từ 60 năm về trước.