24/01/2025 lúc 07:24 (GMT+7)
Breaking News

TP Hồ Chí Minh: Lo ngại rò rỉ thông tin người dùng phần mềm Grab?

VNHNO - Chiều 17-10, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục làm việc với phần tranh tụng. Phiên tòa dành cả buổi chiều với phần hỏi của nguyên đơn đối với bị đơn. Một phần được nguyên đơn dành nhiều thời gian quan tâm trong buổi xét xử chiều nay là liên quan đến dữ liệu thông tin cá nhân người dùng cũng như thông tin người dùng có được bảo mật hay không trong quá trình sử dụng phần mềm kết nối gọi xe?

VNHNO - Chiều 17-10, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục làm việc với phần tranh tụng. Phiên tòa dành cả buổi chiều với phần hỏi của nguyên đơn đối với bị đơn. Một phần được nguyên đơn dành nhiều thời gian quan tâm trong buổi xét xử chiều nay là liên quan đến dữ liệu thông tin cá nhân người dùng cũng như thông tin người dùng có được bảo mật hay không trong quá trình sử dụng phần mềm kết nối gọi xe?

Phiên xét xử Vinasun kiện Grab ngày 17-10.

Grab được quyền xây dựng giá cước?

Mở đầu phiên tranh tụng, luật sư nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (đơn vị sở hữu thương hiệu Taxi Vinasun) hỏi: Theo quyết định 24 (về “Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý kết nối hoạt động vận tải theo hợp đồng”) của Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) thì Grab được quyền quyết định giá cước? Trả lời, đại diện bị đơn là Grab cho hay, theo quyết định 24, Grab được quyền phối hợp với công ty vận tải đưa ra mức giá cước theo đề án thí điểm.

Vậy đã là đơn vị cung cấp phần mềm thì tại sao lại đưa ra giá cước cho khách hàng? - Luật sư đại diện cho Vinasun hỏi. Đại diện Grab khẳng định: Theo quyết định 24 thì chúng tôi được quyền thay mặt cho công ty vận tải để nhận khoản thanh toán của khách hàng. Nghĩa là Grab là đơn vị thu hộ? Đúng là thế.

Cũng theo luật sư đại diện cho Vinasun, trong các chương trình khuyến mãi tại sao Grab chỉ khuyến mãi cước vận chuyển? Đại diện Grab cho hay, Grab là đơn vị cung cấp phần mềm nên có quyền hỗ trợ cho các đơn vị vận tải đã hợp tác nhằm tạo ra lợi ích. Vì thế, Grab đưa ra chương trình khuyến mãi để tạo lợi ích cho khách hàng.

Tiếp đó, luật sư đại diện cho Vinasun lại chất vấn, trong nhiều chương trình khuyến mãi có những lúc Grab khuyến mãi 50% giá cước, trong khi pháp luật Việt Nam không cho phép? Theo đại diện Grab thì sẽ cung cấp cho HĐXX liên quan đến các chương trình khuyến mãi trên.

Liên quan đến phạm vi thí điểm theo quyết định 24 của Bộ GT-VT, luật sư đại diện Vinasun đề cập, ngoài 5 địa phương Grab được phép triển khai thí điểm, vậy tại sao Grab trước đó nêu có kinh doanh ngoài phạm vi thí điểm? Vậy đó là kinh doanh gì? Theo Grab, Grab cung cấp dịch vụ hỗ trợ để kết nối cho công ty taxi cho khách hàng ngoài 5 địa phương trên. “Chúng tôi cung cấp dịch vụ hỗ trợ kết nối ngoài 5 địa phương này là không theo quyết định 24 mà theo kinh doanh thương mại điện tử”, đại diện Grab cho hay.

Về vấn đề thuế, luật sư Vinasun cho hay, Grab là đơn vị được đưa vào diện giám sát trọng điểm về thuế của Tổng Cục thuế (Bộ Tài chính) mới đây đúng không? Đại diện Grab cho rằng chưa nhận được bất cứ thông tin nào liên quan đến vấn đề này và sẽ ủy quyền lại cho luật sư đại diện giải đáp.

Cũng theo ông Trương Đình Quý, đại diện cho nguyên đơn là Vinasun, vi phạm của Grab đối với quyết định 24 đã rõ và có nhiều vấn đề, từ hỗ trợ giá, chính sách thu hút tài xế, hoạt động sai mục đích, vi phạm khuyến mãi, giá cước... Điều đó càng chứng minh Grab là  đơn vị kinh doanh vận tải. Như vậy cần phải tuân thủ về các điều kiện kinh doanh vận tải theo pháp luật Việt nam hiện hành.

Cũng tại phiên tòa, luật sư đại diện cho nguyên đơn cũng yêu cầu bị đơn Grab cung cấp các tài liệu nhằm chứng minh liên quan đến quá trình xây dựng giá cước giữa các bên; quá trình thỏa thuận giá cước, lợi nhuận chia lại cho các hợp tác xã và đơn vị vận tải ra sao; cung cấp một số hợp đồng điện tử năm 2016... Bởi theo luật sư của Vinasun, khi trình bày với tòa thì các doanh nghiệp vận tải bảo không được chia bất cứ lợi nhuận nào.

Thông tin dữ liệu người dùng có bị rò rỉ?

Một phần được nguyên đơn dành nhiều thời gian quan tâm trong buổi xét xử chiều nay là liên quan đến dữ liệu thông tin cá nhân người dùng cũng như thông tin người dùng có được bảo mật hay không trong quá trình sử dụng phần mềm kết nối gọi xe? Theo đại diện của Grab thì luôn tuân thủ theo các quy định liên quan đến bảo mật của Việt Nam và luật thương mại điện tử.

Tuy nhiên, theo luật sư của Vinasun, các hợp đồng điện tử được ký kết ra sao? Có được lưu trữ không? Grab có cung cấp được các hợp đồng điện tử đó hay không?

Hay, nếu Grab là đơn vị cũng cấp phần mềm, vậy thì tại sao lại mua bảo hiểm dân sự trong lĩnh vực GT-VT? Theo Grab, theo Nghị định 86 thì các công ty dịch vụ và vận tải phải mua bảo hiểm cho bên thứ ba. “Chúng tôi tin tưởng cung cấp dịch vụ an toàn cho người dùng. Vì sự an toàn cho người dùng chứ không đáng bị kết tội”, đại diện Grab cho hay.

Vậy tại sao không mua bảo hiểm phần mềm mà bảo hiểm vận tải xe cộ? “Theo quy định thương mại thuần tuý, chúng tôi được quyền”, Grab giải đáp.

Bên cạnh đó, theo Vinasun, Grab đã thừa nhận về việc Grab có quyền cung cấp nhân thân của khách hàng (bao gồm tên tuổi, số điện thoại, email, tài khoản ngân hàng) cho đơn vị thứ ba nếu Grab muốn vì khách hàng đã đồng ý điều khoản Grab đưa ra khi cài đặt phần mềm khác gọi xe.

Cũng theo Vinasun, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền đã chỉ định Công ty giám định Cửu Long thực hiện việc giám định. Việc Grab cho rằng Công ty giám định cho tòa chỉ định không đủ năng lực giám định và chưa thể hiện được tính khách quan là Grab đang coi thường phán quyết của Tòa án.

Tại phiên xét xử, Grab liên tục ấp úng và vòng vo trước những câu hỏi của phía luật sư Vinasun và liên tục khẳng định hình thức kinh doanh của Grab chỉ là “cung ứng phần mềm kết nối giữa lái xe và khách hàng”, bên cạnh đó cũng liên tục đề nghị tòa đình chỉ vụ án hoặc bác yêu cầu khởi kiện của Vinasun.

Grab cũng yêu cầu và không chấp nhận việc cho Vinasun tiếp cận tài liệu liên quan đến vấn đề kinh doanh của Grab vì cho rằng đây là “bí mật kinh doanh”. Nhưng Chánh án TAND TP Hồ Chí Minh không chấp nhận yêu cầu trên của Grab và Tòa án cũng không chấp nhận yêu cầu hoãn phiên tòa. Bởi theo HĐXX, trong quá trình tranh tụng tại tòa, nếu kết quả giám định không phù hợp thì Tòa sẽ tạm dừng để yêu cầu giám định lại hoặc giám định bổ sung theo luật định.

Trước đó, sáng 17-10, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục đưa vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (đơn vị sở hữu thương hiệu Taxi Vinasun) đối với bị đơn là Công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam (GrabTaxi) ra xét xử. Theo đó, HĐXX đã không chấp nhận yêu cầu phải giữ bí mật kinh doanh của Grab bởi vì Vinasun khiếu nại và đã được giải quyết, được sao chụp hồ sơ.

Theo đơn của Vinassun: GrabTaxi đã lợi dụng Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7-1-2016 của Bộ GTVT về “Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý kết nối hoạt động vận tải theo hợp đồng” (gọi tắt là Đề án 24). GrabTaxi đã thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi, gây náo loạn thị trường vận tải hành khách bằng taxi. Vinasun yêu cầu GrabTaxi bồi thường thiệt hại cho Vinasun số tiền thiệt hại lợi nhuận hơn 41 tỷ đồng.

Dự kiến 8h sáng mai (18-10), Tòa tiếp tục làm việc.