VNHN - Facebook nhan nhản những dòng trạng thái mời trao đổi tiền giả theo tỉ lệ 1:5, 1:6, 1:10 với các mệnh giá từ 50.000 đồng đến 500.000 đồng. Thực tế cho thấy đã có rất nhiều trường hợp vì ham làm giàu bất chính mà dính phải chiêu trò lừa đảo của các đối tượng xấu.
Phải chăng pháp luật bị coi thường?
Chỉ cần vào facebook tìm kiếm các cụm từ đổi tiền giả, tiền giả, giao dịch tiền giả, trao đổi tiền giả,… là bạn sẽ thấy xuất hiện hàng trăm nick với những rao bán công khai theo các mệnh giá 1 triệu thật đổi 5 triệu tiền giả hay 1 triệu tiền thật đổi 10 triệu tiền giả với những lời lẽ đầy lố lăng như hàng vừa cập bến, uy tín hàng đầu! Chúng tôi thực sự cũng chưa thể hiểu những lời lẽ rao bán trên là gì? Chẳng lẽ tiền giả cũng có uy tín ư? Phải chăng những thứ những kẻ dối trá trên Facbook kia rao bán chính là tự trọng, lương tâm và đạo đức?
Điều này đặt ra cho chúng tôi nhiều nghi vấn: Liệu đây có phải hoạt động trao đổi tiền giả thật hay là hành động lừa lọc gì khác? Nếu là trao đổi tiền giả thật thì tại sao chúng lại ngang nhiên đến như vậy?
“Facebook nhan nhản những bài viết rao bán tiền giả”
Theo như tìm hiểu thì các Nick Facebook được các đối tượng sử dụng để rao bán tiền giả công khai trên mạng đều là những nick giả, không thể xác định được địa chỉ cũng như danh tính. Đây cũng là một điều vô cùng khó khăn trong cho các cơ quan chức năng trong việc quản lý và xử lý những kẻ phạm tội. Tuy nhiên bằng số điện thoại chúng đăng kí zalo, facebook tôi thiết nghĩ lực lượng chức năng có lẽ vẫn có cách để tìm ra chúng.
Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, phóng viên đã trực tiếp đóng vai người muốn trao đổi tiền giả và tiến hành liên hệ với nhiều nick trên Zalo, Facebook thì thu hoạch được các thông tin giá trị sau, cụ thể: Những yêu cầu mà chúng đưa ra thường là phải chuyển trước 1/3 hoặc ½ số tiền muốn giao dịch (Ví dụ: Muốn trao đổi một triệu tiền thật lấy 10 triệu tiền giả thì bạn phải chuyển trước cho chúng số tiền là 300 nghìn đồng hoặc 500 nghìn đồng).
Đã rất nhiều người nhẹ dạ cả tin, ham làm giàu bất chính mà đã sập của những kẻ lừa đảo, đến khi tiền thật đã chuyển và không thấy chúng chuyển tiền giả lại cho thì mới biết mình đã bị lừa. Và dĩ nhiên những đối tượng bị lừa tiền này không dám báo cơ quan chức năng bởi lẽ chính họ cũng là người sai trái.
Pháp luật quy định như thế nào về việc lưu hành tiền giả
Có thể thấy hình thức rao bán tiền giả qua Facebook thường xảy ra hai trường hợp sai phạm như: Trường hợp 1 là tiến hành trao đổi tiền giả là thật; Trường hợp 2: Hành vi trao đổi tiền giả để chiếm đoạt tiền thật của những kẻ muốn mua tiền giả (Thường là nạn nhân sẽ phải chuyển trước cho chúng 1/3, ½ số tiền thật và dĩ nhiên chúng sẽ không gửi bất cứ đồng tiền giả nào cho bạn).
Về vấn đề tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả pháp luật đã có quy định rõ ràng, cụ thể:
Điều 207. Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả
1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
3. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Tuy nhiên, việc đăng tải bán tiền giả nếu đưa ra các thông tin gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thì có thể cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017:
Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.