VNHN - Thế vận hội mùa hè - Olympic Tokyo 2020 chính thức lùi thời điểm tổ chức sang năm 2021 vì dịch Covid-19 mang tới những thuận lợi, nhưng cũng đồng thời là không ít khó khăn với ngành thể thao và các VĐV Việt Nam.
Quyết định hoãn một năm của kỳ Olympic mùa hè lần thứ 32 là bước đi thận trọng cần thiết của chủ nhà Nhật Bản và Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho sức khỏe cộng đồng, trong bối cảnh diễn biến ngày càng phức tạp và chưa thể kiểm soát triệt để sự lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19 tại nhiều quốc gia trên thế giới. Thời điểm tổ chức được dời sang năm 2021 cũng nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao từ giới truyền thông và công chúng quốc tế trong nhiều ngày qua.
Việt Nam cũng là một trong các quốc gia có vận động viên (VĐV) đạt đủ điều kiện tham dự ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh tại Tokyo. Cũng giống như nhiều đoàn thể thao khác, các VĐV Việt Nam sẽ có thêm thời gian để chuẩn bị tốt hơn nữa về lực lượng, trình độ chuyên môn cho quá trình thi đấu để cạnh tranh thêm vé, cũng như thi đấu giành thành tích cao tại Olympic lần này.
Cho đến thời điểm trước khi mọi hoạt động thể thao đều phải tạm ngưng vì dịch Covid-19, thể thao Việt Nam mới chỉ giành được năm suất trực tiếp tham dự Olympic Tokyo, đó là các VĐV Nguyễn Huy Hoàng (môn bơi - đạt hai chuẩn Olympic cự ly 400 m và 1.500 m tự do), Lê Thanh Tùng (thể dục dụng cụ), Đỗ Thị Ánh Nguyệt - Nguyễn Hoàng Phi Vũ (bắn cung) và Nguyễn Văn Đương (quyền anh).
Con số này mới chỉ dừng ở mức 25% so với chỉ tiêu dự kiến ban đầu của toàn ngành, với ít nhất 20 VĐV có suất tới Tokyo. Tuy vậy, đây là điều hoàn toàn dễ hiểu và thông cảm, bởi tình hình lây lan phức tạp của dịch Covid-19 tại nhiều quốc gia trên thế giới đã khiến hàng loạt giải đấu nằm trong hệ thống tính điểm cạnh tranh vé dự Olympic đều bị hoãn hoặc hủy bỏ, trong đó có nhiều môn mà chúng ta hy vọng có VĐV thi đấu tốt như bắn súng, karatedo, cầu lông, taekwondo.
Quyết định hoãn một năm Olympic Tokyo được đánh giá là bước đi thận trọng cần thiết của chủ nhà Nhật Bản và IOC. Ảnh: Olympic Tokyo
Theo Phó Tổng cục trưởng Thể dục Thể thao Trần Đức Phấn, việc hoãn Olympic cho tới mùa hè 2021 là hết sức hợp lý, việc bảo đảm an toàn cho các VĐV cần đặt lên hàng đầu dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Olympic hoãn lại một năm dù gây ra nhiều xáo trộn cho các đoàn thể thao quốc gia tham dự, song đây là việc làm cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát và chưa biết khi nào mọi thứ có thể trở lại bình thường. Với việc thời gian tổ chức bị lùi lại một năm, chắc chắn IOC sẽ có những tính toán để điều chỉnh sao cho hợp lý và kịp thời về việc gia hạn thêm thời gian ở hệ thống giải đấu tính điểm của một số môn thể thao.
Điều này hẳn nhiên mang tới thuận lợi về mặt thời gian cho mục tiêu chinh phục thêm các suất dự Thế vận hội mùa hè của thể thao Việt Nam. Dịch Covid-19 cũng là nguyên nhân chính làm hoãn kế hoạch tập huấn nước ngoài cho năm VĐV đã giành vé đến Tokyo. Thay vào đó, ngành thể thao đã kịp thời xây dựng các phương án điều chỉnh phù hợp giáo án huấn luyện và điều kiện tập luyện, bảo đảm thành tích và giữ phong độ thi đấu tốt nhất, chuẩn bị sẵn sàng cho các VĐV ở thời điểm các giải đấu lớn trở lại khi dịch bệnh nằm trong tầm kiểm soát.
Với hai huy chương (một HCV và một HCB) giành được tại Olympic Rio 2016, đoàn thể thao Việt Nam đang rất hy vọng sẽ tái lập được thành tích ấn tượng tại kỳ Thế vận hội lần thứ 32 sắp tới. Không những thế, đây còn được xem như bàn đạp chất lượng của thể thao Việt Nam hướng tới hai mục tiêu khác cũng quan trọng không kém trong tương lai là SEA Games 31 (Việt Nam là chủ nhà) và Asian Games 2022. Nếu đạt thành tích cao tại các môn thể thao Olympic tại SEA Games, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để “tấn công” sang đấu trường châu Á là Asian Games, từ đó nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ thể thao châu lục và thế giới.
Cần nhìn nhận khách quan vào thực tế rằng, Olympic vẫn là sân chơi hơi “quá sức” với thể thao Việt Nam, việc cạnh tranh huy chương là vô cùng khó khăn, tuy nhiên chúng ta vẫn hoàn toàn có thể tin tưởng và trông chờ kỳ tích từ lứa VĐV tài năng hiện nay. Đây là lần đầu tiên một kỳ Thế vận hội mùa hè bị hoãn không phải bởi lý do chiến tranh (ba lần hoãn trước đó lần lượt vào các năm 1916, 1940 và 1944). Quyết định này, ngoài những thuận lợi kể trên, cũng đem lại không ít khó khăn, bất lợi về mặt chuyên môn không chỉ với Việt Nam mà còn với các đoàn thể thao tham dự khác. Chia sẻ về vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Trần Đức Phấn nói: “Thời gian thi đấu thay đổi sẽ làm toàn bộ kế hoạch chuẩn bị từ trước thay đổi theo.
Phong độ và tâm lý của các tuyển thủ là điều chúng tôi thật sự lo ngại, bởi việc điều chỉnh điểm rơi chuyên môn sẽ buộc phải thay đổi theo và chưa thể nói trước điều gì với các cuộc thi đấu sẽ diễn ra muộn hơn tới cả năm”. Với các VĐV Việt Nam, cơ hội giành huy chương tại Olympic là rất mong manh. Ngay cả “người hùng” mang về hai huy chương cho thể thao Việt Nam tại Olympic Rio 2016 là xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đến nay vẫn chưa thể giành vé tới Tokyo vào năm sau.
Một số môn thể thao khác như bơi, điền kinh hay cử tạ cũng rất khó giành vé bởi các đối thủ trên thế giới tham gia vòng loại đều ở trình độ cao. rong bối cảnh dịch bệnh phức tạp hiện tại, ngành thể thao nước nhà đối diện hàng loạt khó khăn bởi toàn bộ hệ thống thi đấu bị “đóng băng” từ đầu năm 2020. Việc lùi thời điểm tổ chức Olympic Tokyo 2020 cũng kéo theo sự ảnh hưởng đến kế hoạch tập huấn và thi đấu của các đội tuyển từ nay cho đến năm 2021.
Các chuyên gia đang gấp rút tính toán để đưa ra kế hoạch chuẩn bị cho các đội tuyển quốc gia, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho thời gian tới, khi dịch bệnh được kiểm soát và các cuộc thi đấu sẽ diễn ra liên tiếp. Đây là nhiệm vụ cấp bách được ưu tiên triển khai hàng đầu thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai gần. Chúng ta cùng hy vọng, với sự tính toán kỹ lưỡng từ ngành thể dục thể thao, phối hợp các liên đoàn Hiệp hội Thể thao quốc gia sẽ giúp thể thao Việt Nam vượt qua thời điểm khó khăn này, từ đó vươn lên tiếp tục giành những thành quả vẻ vang, mang vinh quang về cho Tổ quốc trong thời gian tới.