22/01/2025 lúc 14:49 (GMT+7)
Breaking News

Thủ tướng Chính phủ: Vốn đã có, Metro Nhổn - ga Hà Nội không có lý do gì để chậm tiến độ

Dự án đường sắt đoạn Nhổn - Ga Hà Nội có tổng vốn đầu tư gần 33.000 tỷ đồng, được UBND thành phố Hà Nội khởi công vào tháng 9/2010, nhưng do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan nên đến nay vẫn chưa thể đưa vào khai thác.

Ngày 7/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thị sát, kiểm tra tình hình triển khai dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội. Cùng đi có Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thị sát, kiểm tra tình hình triển khai dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội

 

Tính đến nay, dự án đang triển khai 10/10 gói thầu chính với tổng sản lượng thi công dự án metro Nhổn - ga Hà Nội đạt khoảng 75%. Trong đó, sản lượng thi công đoạn trên cao 8,5 km đạt 96%, còn đoạn ngầm 4 km chỉ đạt 33%.

Liên quan đến tiến độ thực hiện đoạn ngầm dự án metro Nhổn - ga Hà Nội, theo lãnh đạo UBND TP Hà Nội, vướng mắc hiện tại là quá trình thi công 4km ngầm có 50 tòa nhà bị ảnh hưởng. Trong khi đó, khung chính sách và quy trình thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho các tòa nhà này còn nhiều vướng mắc về thủ tục dẫn đến chậm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu.

"UBND thành phố đang quyết tâm chỉ đạo các đơn vị liên quan giải quyết dứt điểm các tồn tại về giải phóng mặt bằng trước ngày 30/9/2022", lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho hay.

 

Chỉ đạo tại hiện trường, Thủ tướng nêu rõ, nguồn vốn cho các hạng mục đã được bố trí đủ, không có lý do gì để chậm tiến độ. Trước tình hình mục tiêu hoàn thành đoạn trên cao trong tháng 12 có khả năng không đạt được do sự chậm trễ của nhà thầu và Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) chậm thi công, Thủ tướng yêu cầu, chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải đôn đốc, kiểm tra thường xuyên; nhà thầu huy động tối đa nhân lực, thiết bị, lên kế hoạch từng ngày để bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án.

Sau buổi thị sát, Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan dự án. Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, tiến độ của dự án được phê duyệt năm 2009, dự kiến hoàn thành vào năm 2015 nhưng thực tế đã chậm 7 năm và không thể tiếp tục chậm thêm.

Thủ tướng đề nghị Chính phủ tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để xem xét tổng thể, giải quyết các vướng mắc, giao việc cụ thể cho các bộ, ngành để đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời, TP Hà Nội cần thành lập tổ công tác chuyên trách để giải quyết các vướng mắc liên quan dự án.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh VGP

Thủ tướng nhấn mạnh, nguyên nhân, trách nhiệm khiến dự án chậm tiến độ và đội vốn thuộc về chủ đầu tư, TP Hà Nội, các đơn vị tư vấn và các nhà thầu.

 

Để thúc đẩy nhanh tiến độ của dự án, Thủ tướng đã thống nhất về định hướng xử lý một số vấn đề.

Thứ nhất, về tiến độ, đoạn trên cao phải phấn đấu hoàn thành chậm nhất là 31/12/2022. Nhà thầu đã cam kết đáp ứng tiến độ này, chủ đầu tư là UBND TP. Hà Nội phải đáp ứng các yêu cầu của nhà thầu; đồng thời, nghiên cứu, tìm giải pháp rút ngắn ít nhất một nửa thời gian hoàn thành đoạn đi ngầm so với đề xuất của đơn vị tư vấn là năm 2027.

Thứ hai, về điều chỉnh tổng mức đầu tư, không vay thêm vốn ODA do thủ tục phức tạp như liên quan tới nhiều loại ngoại tệ, nhiều nhà tài trợ từ nhiều nước, thay đổi tỷ giá… mà sẽ sử dụng ngân sách nhà nước.

Thứ ba, về các vướng mắc giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật các nước, quy định của nhà tài trợ, Thủ tướng yêu cầu rà soát lại để điều chỉnh cho phù hợp.

Thứ tư, về thủ tục, các bộ ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ động phối hợp với TP. Hà Nội để triển khai, phân công nhiệm vụ rõ ràng; tiến hành song song các thủ tục thuộc thẩm quyền của Hà Nội và của các bộ ngành.

Thứ năm, về tổ chức thực hiện, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trực tiếp chỉ đạo theo định hướng chung đã cơ bản được thống nhất tại cuộc họp; Văn phòng Chính phủ tăng cường tham mưu, đôn đốc việc triển khai các nhiệm vụ; các bộ, ngành liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải… vào cuộc với tiến độ công việc cụ thể, giải quyết dứt điểm các vướng mắc, vấn đề đặt ra.

Công trường thi công ga S9 - Kim Mã

"Các bộ, ngành, cơ quan và Hà Nội phải chủ động, tích cực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã được thống nhất, tránh chung chung, đùn đẩy trách nhiệm. Nếu có vướng mắc thì đơn vị chủ trì phải triệu tập các đơn vị liên quan để giải quyết theo đúng quy chế làm việc của Chính phủ", Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng cũng giao TP Hà Nội tổng kết các dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, dự án Cát Linh - Hà Đông; TP. HCM tổng kết dự án Bến Thành - Suối Tiên để rút kinh nghiệm cho các dự án khác.

Nguyễn Lâm