05/11/2024 lúc 18:32 (GMT+7)
Breaking News

Ninh Thuận: Huy động nguồn lực, phát triển mạng lưới giao thông, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông nhằm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội cũng như gắn kết với việc phát triển du lịch của tỉnh, xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, theo hướng hiện đại, tạo động lực lan tỏa để thúc đẩy các ngành, lĩnh vực, vùng động lực phát triển; ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông quan trọng.

Để có cái nhìn khái quát hơn, Tạp chí Việt Nam hội nhập đã có buổi phỏng vấn ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Sở GTVT Ninh Thuận.

PV: Thưa đơn vị, với thời kỳ đổi mới và hội nhập của cả nước, giao thông vận tải là vấn đề quan trọng góp phần cho sự phát triển chung. Vậy đối với tỉnh Ninh Thuận hiện nay, mạng lưới giao thông được đánh giá như thế nào ?

Giám đốc, Sở Giao thông vận tải Ninh Thuận, Nguyễn Văn Vinh - ảnh: VNHN.

Ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Ninh Thuận: Đến nay sau 30 năm xây dựng và phát triển, mạng lưới giao thông Ninh Thuận đã từng bước được xây dựng theo đúng quy hoạch, tạo thành một hệ thống liên hoàn từ Quốc lộ - Tỉnh lộ - Huyện lộ - đến các đường liên xã, trung tâm xã, đáp ứng nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Kết quả đạt được trên một số lĩnh vực như: Về đường bộ - Hiện nay, hệ thống giao thông của tỉnh cơ bản đã được nâng cấp toàn diện, tổng số km đường bộ toàn tỉnh là 1.531,01 km; mật độ đường giao thông so với diện tích tự nhiên là 0,456 km/km2; mật độ đường giao thông so với dân số là 2,522 km/1000 dân; Hệ thống giao thông của tỉnh dần trở thành hệ thống liên hoàn gắn kết giữa các vùng, miền với nhau; giao lưu với bên ngoài tương đối thuận lợi thông qua các trục đường chính cũng được đầu tư nâng cấp hoàn thành trong giai đoạn này như Quốc lộ 1, Quốc lộ 27 và Quốc lộ 27B; 100% số xã đã có đường ô tô đến trung tâm và lưu thông được quanh năm; chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông đã được cải thiện rõ rệt, bộ mặt giao thông có bước phát triển và khởi sắc so với trước đây, qua đó đã thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa, góp phần vào việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng của tỉnh.

Từ năm 2005 đến 2020, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp, sửa chữa hoàn thành đúng quy hoạch một số công trình lớn, quan trọng như: hoàn thiện mở rộng Quốc lộ 1, Quốc lộ 27, Quốc lộ 27B, đầu tư mới tuyến đường ven biển (Đường tỉnh 701 và Đường tỉnh 702), trong đó có 2 cầu lớn là cầu An Đông và cầu Ninh Chữ, đường tỉnh 703, đường Quốc lộ 27 đi Ma Nới, đường tỉnh 708 (từ QL1A - Phước Thuận - ĐT703 - Phước Sơn - Hoà Sơn), đường Hữu Đức - Hậu Sanh, đường Kiền Kiền - Mỹ Tân, đường Lâm Sơn - Phước Hoà, Đường tỉnh 705 (An Hòa - Phước Trung - Đồng Mé), đường đi thôn Ma Lâm xã Phước Tân, đường Phước Chiến - Phước Thành, đường Lâm Sơn - Phước Hòa, đường huyện lộ 6 (Tri Thuỷ - Bỉnh Nghĩa - Xóm Bằng), đường đôi vào thành phố đoạn phía Bắc, Nâng cấp đường Phước Đại - Phước Trung, đường Ba Tháp - Suối Le - Phước Kháng),...

Về đường thủy - Đã hoàn thành đưa vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các khu bến cảng hàng hóa Ninh chữ và Cảng tổng hợp Cà Ná có khả năng tiếp nhận tàu hàng lỏng trọng tải đến 50.000 DWT, tàu nhập khí LNG trọng tải đến 100.000 DWT, hàng tổng hợp hàng container trọng tải đến 300.000 DWT. Hiện nay đang triển khai thi công giai đoạn 1 cảng Tổng hợp Cà Ná tiếp nhận tàu hàng đến 100.000 DWT, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2022; Đầu tư hoàn thành nâng cấp cảng cá Ninh Chữ có thể tiếp nhận tàu hàng có tải trọng đến 2000 tấn.

Về đường sắt - Trên địa bàn tỉnh có tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua tỉnh có chiều dài 67 km và tuyến đường sắt từ Phan Rang - Tháp Chàm đi Đà Lạt dài 65km. Hiện nay, tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt đã bị hư hỏng nặng, ngành đường sắt đã cho khôi phục lại và đưa vào khai thác đoạn Trại Mát - Đà Lạt dài 6,70 km phục vụ khách du lịch tham quan trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Về vận tải - Bến xe khách: Trên địa bàn tỉnh đã xây dựng mới 02 bến xe khách, gồm Bến xe tỉnh Ninh Thuận và bến xe trung tâm huyện Ninh Sơn; Vận tải hành khách bằng đường bộ chiếm 95% nhu cầu đi lại của người dân. Vận tải hành khách nội tỉnh cũng như liên tỉnh đều xuất phát tại Bến xe khách tỉnh và Bến xe trung tâm huyện Ninh Sơn. Từ năm 2020 đến Quý II/2022, tỉnh Ninh Thuận đã đưa vào khai thác các tuyến xe điện và 08 tuyến xe buýt nội tỉnh do Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang là nhà đầu tư nhằm phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân cũng như khách tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh; Vận tải hàng hóa - Phương tiện vận tải đường bộ của Ninh Thuận chủ yếu là ô tô. Trong những năm qua ô tô tải có xu hướng tăng về số lượng để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày một tăng của tỉnh, khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 579.933.000 tấn.km.

Về cơ sở hạ tầng phục vụ đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển vận tải: đến nay có 05 Trung tâm đào tạo lái xe ô tô và 04 Trung tâm sát hạch lái xe ô tô. 06 Trung tâm đào tạo lái xe mô tô và 04 Trung tâm sát hạch lái xe mô tô; Về trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ hiện nay trên địa bàn tỉnh có 02 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ, đáp ứng tốt nhu cầu đăng kiểm xe trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận.

Tổng số km đường bộ toàn tỉnh là 1.531,01 km - ảnh: VNHN.

PV: Các dự án giao thông trọng điểm trong thời gian tới được triển khai như thế nào ?

Ông Nguyễn Văn Vinh: Trong thời gian tiếp theo, Ngành Giao thông vận tải sẽ tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng như gắn kết với việc phát triển du lịch của tỉnh, xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, theo hướng hiện đại, tạo thành mạng lưới giao thông hợp lý, tính kết nối cao, tạo động lực lan tỏa để thúc đẩy các ngành, lĩnh vực, vùng động lực phát triển; ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông quan trọng, kết nối với cao tốc Bắc Nam, các tuyến quốc lộ đến cảng biển, đường vành đai kết nối các vùng trong tỉnh, đường liên vùng kết nối Nam Tây Nguyên đến Cảng Cà Ná và các trục nối vùng kinh tế trọng điểm, liên kết giao thông đường sắt với giao thông đường biển. Cụ thể như sau:

- Đối với giao thông đường bộ: Hiện nay ngành giao thông vận tải đang triển khai thi công các dự án đường Văn Lâm - Sơn Hải, kết nối đường ven biển với Quốc lộ 1; Đường nối từ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn đến Ngã Tư Tà Năng huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng (Đường 27B kéo dài) kết nối liên vùng với các tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng. Tiếp tục hoàn thành các thủ tục để triển khai thi công tuyến đường Vành đai phía Bắc (từ đèo Khánh Nhơn đến Quốc lộ 1) nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống đường Vành đai của tỉnh; tuyến đường kết nối Cao tốc Bắc - Nam với cảng tổng hợp Cà Ná;

- Đối với giao thông đường thủy: Tiếp tục tham mưu đầu tư xây dựng hoàn thành giai đoạn 2 cảng biển nước sâu Cà Ná có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 300.000 DWT hướng đến hình thành Cảng trung chuyển quốc tế của các tỉnh trong khu vực; kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án như: Cảng cạn Cà Ná gắn với Trung tâm logistics để phát huy hiệu quả khai thác cảng biển tổng hợp Cà Ná; Cảng Ninh Chữ; các cảng chuyên dùng phục vụ du lịch Bình Tiên-Vĩnh Hy, Bình Sơn - Ninh Chữ; kêu gọi đầu tư các tuyến thủy nội địa giao thông kết nối với vịnh Vĩnh Hy với các khu du lịch trên địa bàn tỉnh,….

- Đối với giao thông đường sắt: Triển khai kêu gọi đầu tư tuyến đường sắt kết nối cảng Tổng hợp Cà Ná với đường sắt Bắc - Nam (tại ga Cà Ná); kiến nghị cấp có thẩm quyền kêu gọi các Nhà đầu tư khôi phục lại tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt để kết nối khai thác du lịch với tỉnh Lâm Đồng.

Trụ sở Sở Giao thông Vận tải tỉnh Ninh Thuận - ảnh: VNHN.

PV: Trong công tác quản lý, phát triển mạng lưới giao thông, đơn vị đã gặp những khó khăn, vướng mắc gì?

Ông Nguyễn Văn Vinh: Về nguồn vốn; Nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông cần phải có một nguồn lực lớn, trong khi đó nguồn vốn phân bổ hàng năm để thực hiện việc đầu tư xây dựng mới các công trình cũng như nguồn vốn bố trí cho công tác quản lý, duy tu, bảo trì hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh hiện nay còn rất hạn hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây việc triển khai thực hiện một số dự án như: Điện gió, điện mặt trời, xây dựng các công trình thủy lợi, nhà ở nên phát sinh số lượng các xe ô tô vận chuyển vật liệu, dẫn đến một số tuyến đường xuống cấp nhanh, làm ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, xã hội của tỉnh. Đây là khó khăn lớn nhất, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển mạng lưới giao thông vận tải của tỉnh;

Về tai nạn giao thông: Hiện nay, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp, không bền vững. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân, nhất là thanh niên còn kém; việc đầu tư xây dựng các công trình giao thông ở đô thị chưa đồng bộ, thiếu vỉa hè, thiếu dải phân cách và các điều kiện về an toàn giao thông khác cũng là nguyên nhân làm gia tăng tai nạn giao thông. Lực lượng Thanh tra giao thông còn mỏng, trang thiết bị kỹ thuật chuyên dụng chưa được đầu tư đúng mức đã ảnh hưởng đến đến hoạt động của lực lượng Thanh tra giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông, chúc ông nhiều sức khỏe.

Võ Hà - H. Anh Tuấn