22/01/2025 lúc 20:48 (GMT+7)
Breaking News

Ninh Thuận - 30 năm phát triển và hội nhập

Ninh Thuận là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có vị trí quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh trong chiến lược phát triển chung của cả nước. Đảng bộ, quân và dân Ninh Thuận có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất; một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Quân ủy Khu 6 và trực tiếp là cấp ủy các cấp trong tỉnh, quân và dân Ninh Thuận đã lập nên nhiều chiến công, với nhiều tấm gương hy sinh anh dũng của chiến sĩ, đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Một trong những chiến công đầy tự hào cách đây 47 năm quân và dân Ninh Thuận đã cùng với bộ đội chủ lực đập tan “Tuyến phòng thủ từ xa bảo vệ Sài Gòn” của Ngụy quyền, giải phóng quê hương Ninh Thuận vào lúc 9 giờ 30 phút ngày 16 tháng 4 năm 1975, góp phần tạo thế, mở đường cho đại quân ta giải phóng Sài Gòn, kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. 

Thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Thuận - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chiến thắng ấy là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng; thể hiện sức mạnh của tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường, bất khuất; là niềm tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội của Đảng bộ và Nhân dân Ninh Thuận. Ngay sau khi được giải phóng, chính quyền cách mạng lâm thời tỉnh Ninh Thuận được thành lập, nhanh chóng ổn định tình hình và đời sống của Nhân dân. Từ tháng 02 năm 1976 đến năm 1991, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Tuy được sáp nhập thành tỉnh Thuận Hải, các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, bước đầu tạo một số chuyển biến quan trọng trên các lĩnh vực đời sống xã hội.

Tại kỳ họp thứ 10, theo đề nghị của Tỉnh ủy và Hội đồng nhân dân tỉnh Thuận Hải, Quốc hội khóa VIII đã quyết định tách tỉnh Thuận Hải thành hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Ngày 01/4/1992 tỉnh Ninh Thuận được tái lập và chính thức đi vào hoạt động, có 4 đơn vị hành chính trực thuộc, với 1 thị xã, 3 huyện và 52 đơn vị hành chính cấp xã. 

Kế thừa, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang và những thành tựu to lớn của Đảng bộ, quân và dân Ninh Thuận anh hùng, ngay từ những ngày đầu tái lập tỉnh, toàn Đảng bộ đã thể hiện quyết tâm chính trị cao, xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt và yêu cầu đặt ra là phải nhanh chóng xây dựng bộ máy lãnh đạo, quản lý, điều hành vững mạnh từ tỉnh đến cơ sở, có khả năng ra quyết sách lớn nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững. Qua các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh - từ Đại hội lần thứ VIII đến Đại hội lần thứ XIV, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn quán triệt và vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện cụ thể của tỉnh; xác định những nhiệm vụ then chốt, trọng tâm và những giải pháp mang tính đột phá, tạo thế phát triển vững chắc trong từng giai đoạn cụ thể, phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Trải qua 30 năm trong bối cảnh thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen; song được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, cùng với dòng chảy xuyên suốt trong tư duy và hành động của các thế hệ lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận qua các thời kỳ là sự chủ động, sáng tạo trong việc đề ra các chủ trương, đường lối đúng đắn, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, đi trước, mở đường cho sự phát triển, và với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh để tạo nên một Ninh Thuận có được vị thế như ngày hôm nay. Ba mươi năm qua, trên các lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được triển khai đồng bộ, quyết liệt, nhằm đem đến sức sống mới cho vùng đất khô hạn Ninh Thuận.

Từ một tỉnh có xuất phát điểm nền kinh tế - xã hội thấp, sau 30 năm tái lập, kinh tế của tỉnh đã có sự thay đổi mạnh mẽ, phát triển vượt bậc, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP theo giá hiện hành) năm 2021 tăng gấp 69,6 lần so với năm 1992, tốc độ tăng trưởng bình quân 8,14%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân của cả nước sau 30 năm đổi mới 7%, vùng miền Trung 8,05%. Tăng trưởng giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước, nhất là giai đoạn 2011-2021 là chặng đường tỉnh Ninh Thuận nâng tầm vị thế, phát triển toàn diện theo hướng nhanh và bền vững, đặc biệt là với quan điểm biến cái bất lợi của tỉnh trở thành lợi thế cạnh tranh, biến thách thức thành cơ hội phát triển, lấy chủ trương phát triển năng lượng tái tạo là đột phá, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt mức cao, nhất là 3 năm gần đây mặc dù đối diện với nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng (GRDP) của tỉnh thuộc nhóm đứng đầu cả nước và đến cuối năm 2021, thu nhập bình quân đầu người (GRDP) đạt 68,4 triệu đồng/người, gấp 49,9 lần so với năm 1992, rút ngắn nhanh khoảng cách chênh lệch so với cả nước. Các khâu đột phá về kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch từng bước được phát huy. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn duy trì ở mức tăng cao, tăng từ 33,3 tỷ đồng năm 1992 lên 4.343 tỷ đồng vào năm 2021, bình quân tăng 18,3%. Tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng nhanh, từ 67,8 tỷ đồng năm 1992 lên 29.920 tỷ đồng năm 2021, bình quân tăng 23,4%.

- Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản xuất phát điểm thuộc nhóm thấp nhất của cả nước cả về quy mô và trình độ phát triển, là tâm điểm khô hạn nhất cả nước. Qua các kỳ Đại hội, chủ trương phát triển nông nghiệp của Đảng bộ tỉnh không ngừng được bổ sung, phát triển một cách sáng tạo và phù hợp với yêu cầu đổi mới của đất nước, của địa phương, nhất là chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với thích ứng biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có bước phát triển khá trên các mặt, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 1992-2021 đạt 6,9%, chiếm 30,02% GRDP của tỉnh vào năm 2021. Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp, có bước cải thiện rõ nét, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh. Chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm sản xuất tôm giống của cả nước đạt mục tiêu đề ra và luôn phát huy lợi thế.

- Sản xuất công nghiệp những năm đầu tái lập tỉnh gặp nhiều khó khăn, phát triển chậm. Xuyên suốt 30 năm, Đảng bộ tỉnh đều chủ trương phát huy lợi thế của tỉnh nhằm chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế. Đặc biệt, từ Đại hội XII đến nay, tư duy mới về phát triển công nghiệp được nâng lên, Đảng bộ tỉnh đã quan tâm phát triển năng lượng sạch, xem đây là động lực bức phá và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tập trung xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước đạt kết quả bước đầu. Tiềm năng lợi thế về năng lượng tái tạo được tập trung khai thác và phát huy hiệu quả, đến cuối năm 2021 trên địa bàn tỉnh có 49 dự án năng lượng với tổng công suất hơn 3.000 MW hòa lưới điện Quốc gia mang lại đóng góp lớn cho ngành công nghiệp và tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp năm 2021 đạt hơn 10.000 tỷ đồng, gấp 43,8 lần so với thời điểm năm 1992, tốc độ tăng bình quân hàng năm là 13,9%/năm. Chủ trương đầu tư kết cấu hạ tầng Khu, Cụm công nghiệp được quan tâm triển khai; các làng nghề tiểu thủ công nghiệp được khuyến khích và hỗ trợ phát triển; xây dựng nhiều mô hình làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, góp phần bảo tồn nền văn hóa dân tộc Chăm và Raglai, đồng thời duy trì và phát triển các ngành nghề truyền thống có lợi thế của tỉnh, giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động ở nông thôn. 

- Ngành du lịch đã có bước phát triển rõ nét, thu hút nhiều dự án du lịch quy mô lớn, đẳng cấp cao, nhiều tuyến, điểm du lịch mới hình thành gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ. Thương mại - Dịch vụ trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, chất lượng các dịch vụ được nâng lên. Dịch vụ vận tải phát triển khá. Bưu chính, viễn thông duy trì và phát triển, thông tin liên lạc thông suốt. Thị trường bất động sản bước đầu thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn; hoạt động kinh doanh, môi giới bất động sản từng bước hình thành và phát triển. Tài chính - ngân hàng phát triển ổn định, thu ngân sách nhà nước tăng cao, chi ngân sách đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; các dịch vụ tín dụng ngân hàng phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng của người dân và doanh nghiệp. 

- Công tác quy hoạch luôn được coi trọng, xác định phải đi trước một bước và có tầm nhìn chiến lược dài hạn, là cơ sở để triển khai thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh. Đầu tư phát triển tăng trưởng khá, cơ cấu nguồn vốn chuyển dịch tích cực, hiệu quả quản lý và sử dụng được nâng cao; môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện. Nhiều công trình thủy lợi đa mục tiêu quy mô khá lớn, hiện đại được đầu tư hoàn thành, phát huy hiệu quả trong việc phòng chống, ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ, ngăn mặn, nhất là đã cơ bản giải quyết được vấn đề nước sinh hoạt và sản xuất cho hiện tại và cả tương lai. Giao thông đường bộ ngày một hoàn thiện và có bước phát triển nhanh, mạng lưới giao thông được trải đều khắp các địa bàn trong tỉnh, có tính kết nối cao. Cảng biển đã có bước phát triển mới, đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển hệ thống cảng biển nước sâu tầm cỡ quốc gia và quốc tế. 

- Chủ trương phát triển kinh tế biển trở thành động lực phát triển được triển khai đạt kết quả tích cực. Đã thu hút được nhiều dự án đầu tư động lực quan trọng trên các lĩnh vực năng lượng tái tạo, du lịch, kinh tế biển như: dự án cảng tổng hợp Cà Ná, Trung tâm điện lực LNG Cà Ná, Khu công nghiệp Cà Ná. Các dự án năng lượng tái tạo đang triển khai và tiếp tục nghiên cứu điện gió ngoài khơi, dự án du lịch Mũi Dinh ECOPARK..., từng bước hình thành vùng kinh tế trọng điểm phía nam hướng đến thành lập Khu kinh tế ven biển của cả nước.

- Giáo dục và đào tạo đã từng bước phát triển toàn diện, đồng bộ trên các mặt. Chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu của Nhân dân được nâng lên. Công tác phòng, chống dịch bệnh luôn chủ động kiểm soát tình hình dịch bệnh và khoanh vùng dập dịch kịp thời, đặc biệt trong 2 năm gần đây, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, với sự nỗ lực triển khai đồng bộ, quyết liệt, tích cực, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch, hệ thống y tế của tỉnh đã tham gia tích cực vào việc kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho Nhân dân. 

- Chương trình xây dựng nông thôn mới được đặc biệt quan tâm, đã huy động cả hệ thống chính trị, các tổ chức và người dân cùng tham gia xây dựng nông thôn mới và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, có 29/47 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 03 huyện, thành phố hoàn thành tiêu chí nông thôn mới. Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” mang lại hiệu quả thiết thực cho cộng đồng dân cư. 

- Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước được nâng lên, kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước được đẩy mạnh, hướng đến xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh. 

- Quốc phòng-an ninh luôn được củng cố, tăng cường, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội làm nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế-xã hội. Quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế được mở rộng, phát triển có chiều sâu, vị thế của tỉnh được nâng lên.

- Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thường xuyên được quan tâm lãnh đạo và đạt kết quả toàn diện, góp phần quan trọng cho việc phát triển của tỉnh nhà trong 30 năm qua. Công tác chính trị tư tưởng, tuyên truyền, vận động luôn được đổi mới mạnh mẽ, tạo nên sự thống nhất cao về ý chí và hành động. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có nhiều đổi mới, sáng tạo, nền nếp, trở thành nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ được thực hiện nghiêm túc. Đảng bộ tỉnh đã không ngừng phát triển và lớn mạnh, vào đầu năm 1992 toàn tỉnh có 8 đảng bộ huyện, thị xã, đảng ủy trực thuộc với 228 tổ chức cơ sở đảng và 3.629 đảng viên, thì đến tháng 12/2021 toàn tỉnh có 11 đảng bộ trực thuộc và 20.832 đảng viên sinh hoạt tại 434 tổ chức cơ sở đảng; qua 30 năm tái lập, Đảng bộ tỉnh tăng 3 đơn vị trực thuộc; tăng 206 tổ chức cơ sở đảng và tăng 17.203 đảng viên. Số tổ chức cơ sở đảng đã phát triển đều khắp ở tất cả các xã, phường, thị trấn, trường học, bệnh viện và trong các cơ quan doanh nghiệp, các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn toàn tỉnh; thể hiện sự trưởng thành, phát triển nhanh về số lượng cũng như chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên. Bộ máy hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội có nhiều đổi mới, đạt kết quả tích cực; sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, dân chủ được phát huy, quyền làm chủ của Nhân dân được bảo đảm.

Những kết quả đạt được hết sức ấn tượng, thể hiện khát vọng vươn lên trên mỗi chặng đường phát triển, cùng với tư duy “nghĩ lớn hơn, nhìn xa hơn, rộng hơn” đã góp phần quan trọng đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Xuyên suốt 30 năm, Đảng bộ tỉnh đều chủ trương phát huy lợi thế của tỉnh nhằm chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế - ảnh: VNHN

Trải qua 30 năm tái lập, xây dựng và phát triển, bên cạnh những thành tựu đạt được, Đảng bộ tỉnh thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn một số khó khăn, hạn chế đó là: Kinh tế tăng trưởng khá nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa thật sự đồng bộ, tính kết nối chưa cao, chưa tạo động lực bứt phá cho phát triển, nhất là hạ tầng giao thông một số tuyến đường huyết mạch của tỉnh. Số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Chất lượng giáo dục còn chênh lệch lớn giữa các vùng miền trong tỉnh; nguồn lực đầu tư cho công tác đào tạo, nâng chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, năng lực, chất lượng, hiệu quả khám chữa bệnh còn hạn chế so với yêu cầu trong tình hình mới. 

Từ những thành tựu đạt được và những khó khăn hạn chế, Đảng bộ tỉnh đã rút ra một số bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ đó là: (1) Đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện, trực tiếp của Đảng đối với hệ thống chính trị trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển của địa phương. (2) Biết kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết, đề cao tính tự lực, vượt qua khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ, tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo và hỗ trợ của Trung ương. (3) Quán triệt và vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện cụ thể của tỉnh; xác định những nhiệm vụ then chốt, trọng tâm và những giải pháp mang tính đột phá, tạo thế phát triển vững chắc trong từng giai đoạn cụ thể. (4) Trong điều kiện nguồn lực đầu tư hạn chế, phải bảo đảm giải quyết từng bước các vấn đề cấp thiết, bức xúc của các ngành, địa phương; vừa ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư cho các dự án trọng điểm, vùng kinh tế động lực, ngành kinh tế mũi nhọn để tháo gỡ điểm nghẽn, tạo sức lan tỏa, động lực thúc đẩy. (5) Đổi mới tư duy, hình thành cách nghĩ, nâng cao tầm nhìn để giải quyết tốt nhất các mối quan hệ về kinh tế - xã hội - môi trường; bảo đảm kết hợp hài hòa giữa lợi ích của nhà nước, của doanh nghiệp và của cộng đồng dân cư. (6) Nhận định đúng tình hình, xác định hướng đi phù hợp, đặt ra mục tiêu với khát vọng lớn, tập trung nỗ lực lãnh đạo Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh là nhân tố quyết định để khơi thông nguồn lực cho phát triển. (7) Phát huy tốt vai trò của Mặt trận và các đoàn thể thực hiện tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận cao của cộng đồng các dân tộc trong triển khai thực hiện các chương trình, quyết sách lớn của tỉnh. (8) Coi trọng hợp tác, liên kết, học tập kinh nghiệm với các địa phương, đối tác chiến lược; kịp thời kiến nghị, đề xuất với Trung ương tháo gỡ, xử lý những vấn đề thực tiễn địa phương có khó khăn, vướng mắc.

“Chặng đường 30 năm qua chưa phải là dài, song đối với một tỉnh có xuất phát điểm thấp như Ninh Thuận thì thành tựu đã đạt được là rất quan trọng và có ý nghĩa lịch sử, đó là kết quả của quá trình phấn đấu không ngừng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức với tinh thần đoàn kết, lao động sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà”. 

Đặc biệt là sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Thuận trong suốt chặng đường đã qua. Cùng các thế hệ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, đồng bào Ninh Thuận đang sinh sống, công tác trong và ngoài tỉnh; các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang, các đoàn thể, tổ chức kinh tế đã phát huy tinh thần đoàn kết, tranh thủ thời cơ, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh, nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, lập nên những thành tựu quan trọng của tỉnh nhà trong 30 năm qua.

Với lòng thành kính và biết ơn vô hạn, đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc, Người đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đến bến bờ vinh quang. Quân và dân Ninh Thuận luôn ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, đồng bào, đồng chí đã anh dũng chiến đấu hy sinh, hiến trọn đời mình cho quê hương, đất nước được độc lập, tự do, dân tộc ta được ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay. 

Ông Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận

Trích bài phát biểu của Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận, Nguyễn Đức Thanh tại buổi họp mặt kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh, 47 năm Ngày giải phóng Ninh Thuận, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

...