07/12/2024 lúc 08:29 (GMT+7)
Breaking News

Ninh Thuận: Cơ hội mới - Đột phá để phát triển

Công cuộc xây dựng phát triển kinh tế hiện nay là thách thức đồng nghĩa tạo ra rất nhiều cơ hội mới cho mỗi địa phương, Doanh nghiệp, Nhà đầu tư nếu biết nắm bắt kịp thời. Nếu không nhanh chóng đổi mới tư duy, nhanh chóng tiếp cận với khoa học tiên tiến thì mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi lĩnh vực sẽ mặc nhiên bị lạc hậu, thụt lùi và mãi đi sau. Đây là chia sẻ của ông Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận.

Qua buổi làm việc với Phóng viên Tạp chí Việt Nam Hội nhập - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Lê Kim Hoàng cho biết: Với chiều dài bờ biển hơn 100 km, tỉnh Ninh Thuận có đủ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu để có thể phát triển đa dạng nhóm ngành khu vực biển. Theo đó đây được coi là thế mạnh cũng như mục tiêu phát triển mà Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Tỉnh Ninh Thuận định hướng phát triển đa dạng ngành nghề liên quan biển như phát triển năng lượng và các ngành kinh tế biển mới, phát triển hạ tầng du lịch, dịch vụ biển, các khu, cụm công nghiệp ven biển và các khu đô thị sinh thái ven biển, kinh tế hàng hải, tài nguyên khoáng sản biển,...

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, Lê Kim Hoàng - ảnh: VNHN

Xác định công nghiệp ven biển là một trong những ưu tiên để phát triển các ngành kinh tế biển, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thu hút đầu tư vào các dự án công nghiệp quy mô lớn, có công nghệ tiên tiến, để tạo đột phá phát triển các ngành công nghiệp biển và ven biển, khuyến khích phát triển các công nghiệp chế biến thủy sản; công nghiệp khai thác; chế biến muối và sản phẩm sau muối; công nghiệp phụ trợ; công nghiệp đóng mới; sửa chữa tàu thuyền phục vụ đánh bắt hải sản; phát triển các sản phẩm làng nghề chế biến cá hấp, chế biến nước mắm...

Tiếp nối một trong 6 trụ cột trong Quy hoạch phát triển tỉnh Ninh Thuận được Chính phủ phê duyệt hồi năm 2020, thì phát triển kinh tế biển đa dạng, đa lĩnh vực, khai thác hết hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về biển đã được UBND tỉnh Ninh Thuận xác định rõ qua các kế hoạch đầu tư và phát triển. Song song với hoạt động khai thác biển, nuôi trồng biển, phát triển lĩnh vực giống thủy sản chất lượng để khẳng định thương hiệu Ninh Thuận, các hoạt động khai thác du lịch biển, công nghiệp biển,… cũng là một trong nhiệm vụ cấp thiết để đưa Ninh Thuận đi lên bền vững. “Công cuộc xây dựng phát triển kinh tế hiện nay là thách thức đồng nghĩa tạo ra rất nhiều cơ hội mới cho mỗi địa phương, Doanh nghiệp, Nhà đầu tư nếu biết nắm bắt kịp thời”.

Giám đốc Sở KH&ĐT nhấn mạnh; Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, được tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng vừa mang tính cấp thiết, vừa mang tính lâu dài, là sự nghiệp chung, là khâu đột phá cho phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội và là một trong những nhân tố quyết định để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư - kinh doanh, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai và các tài nguyên khác; là nhân tố quan trọng cho phát triển văn hoá-xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh, cải thiện và nâng cao đời sống Nhân dân.

Với chiều dài bờ biển hơn 100 km, tỉnh Ninh Thuận có đủ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu để có thể phát triển đa dạng nhóm ngành khu vực biển - ảnh: VNHN

Tỉnh đã và đang tập trung huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, liên thông đa mục tiêu, có tính kết nối cao, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế, tạo động lực lan tỏa thúc đẩy phát triển, nhất là các ngành, lĩnh vực, vùng động lực, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIV, cụ thể đối với hạ tầng kinh tế như sau:

- Đối với Hạ tầng giao thông, cảng biển: Xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, theo hướng hiện đại, tạo thành mạng lưới giao thông hợp lý, tính kết nối cao, tạo động lực lan tỏa để thúc đẩy các ngành, lĩnh vực, vùng động lực phát triển, trọng tâm ưu tiên đầu tư hoàn thành Đường đôi vào hai đầu thành phố Phan Rang-Tháp Chàm (đoạn phía Nam), các tuyến đường liên huyện kết nối với 2 hành lang QL 1A và đường ven biển, các tuyến đường vành đai của Tỉnh gắn kết với quốc lộ 27, đường Văn Lâm - Sơn Hải, Đầu tư tuyến đường giao thông liên vùng từ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng; Đường nối từ cao tốc Bắc Nam với Quốc lộ 1 và Cảng biển tổng hợp Cà Ná. 

Kêu gọi, thu hút đầu tư các công trình phụ trợ khác, như Trung tâm logistics gắn với Cảng tổng hợp Cà Ná, Cảng Ninh Chữ, các cảng chuyên dùng phục vụ du lịch Bình Tiên-Vĩnh Hy, Bình Sơn-Ninh Chữ; nâng cấp và mở rộng các cảng cá kết hợp làm nơi tránh trú bão cho tàu thuyền.

Phối hợp với các Bộ ngành kiến nghị đầu tư xây dựng tuyến đường sắt nối cảng tổng hợp Cà Ná với đường sắt Thống nhất tại Ga Cà Ná; khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm – Đà Lạt theo hình thức PPP.

 - Đối với hạ tầng thủy lợi: Đầu tư hạ tầng thủy lợi theo hướng liên thông và đa mục tiêu, cung cấp nước sinh hoạt, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch; Tập trung đầu tư hoàn thành Hồ chứa nước Sông Than, ưu tiên đầu tư Hệ thống kênh tưới của Hồ chứa nước sông Than, Kênh đường ống cấp II và kênh cấp III thuộc Hệ thống thủy lợi Sông Cái - Tân Mỹ để phát huy tốt nhất hiệu quả các hồ chứa đã đầu tư, đầu tư các công trình đê, kè bảo vệ bờ sông, bờ biển, chống sạt lở.

- Đối với hạ tầng đô thị: Đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng các khu đô thị mới theo hướng hiện đại, xanh, thân thiện với môi trường. Tập trung đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị trọng điểm theo hướng văn minh,hiện đại, bao gồm: giao thông, cải tạo hệ thống cấp nước, thoát nước, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường đô thị; trước mắt tập trung đầu tư hoàn thành Dự án Môi trường bền vững các thành phố Duyên hải giai đoạn 2 - tiểu dự án thành phố Phan Rang - Tháp Chàm; khắc phục tình trạng ngập úng cục bộ các tuyến đường nội thị, các khu dân cư.

- Đối với hạ tầng Du lịch: Ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông kết nối đến vùng du lịch trọng điểm của tỉnh. Tập trung đầu tư hạ tầng đô thị thành phố Phan Rang-Tháp Chàm hướng đến trở thành đô thị du lịch, tập trung phát triển hạ tầng Khu du lịch Quốc gia Ninh Chữ và các khu vực du lịch thuộc dải ven biển từ Bình Tiên - Vĩnh Hy đến Cà Ná - Mũi Dinh, đầu tư bến cảng thuỷ nội địa chuyên dùng tại khu vực Bình Tiên - Vĩnh Hy, Ninh Chữ, Cà Ná. Nâng cấp, cải thiện hạ tầng và chất lượng dịch vụ tại ga Tháp Chàm và Bến xe tỉnh.

- Đối với hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Tiếp tục triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp Thành Hải, Du Long, Phước Nam (giai đoạn II), Cà Ná tạo điều kiện thu hút các dự án thứ cấp, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp hiện có đạt từ 50%-60%; thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp Hiếu Thiện, cụm công nghiệp Tri Hải và cụm công nghiệp chế biến thủy sản tập trung.

- Về đầu tư phát triển năng lượng tái tạo: Trong giai đoạn 2016-2020, sau khi Quốc hội có chủ trương dừng thực hiện dự án Điện hạt nhân, Tỉnh đã chủ động chuyển hướng chiến lược phát triển từ trục tăng trưởng chính 02 nhà máy điện hạt nhân sang tập trung ưu tiên phát triển các ngành đột phá về năng lượng tái tạo. Đến cuối năm 2021 trên địa bàn tỉnh có 49 dự án năng lượng với tổng công suất 3.055,6 MW hòa lưới điện Quốc gia, phát điện trên 6,4 tỷ kWh đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Tiếp tục thu hút đầu tư phấn đấu đến năm 2025 tổng công suất tăng thêm khoảng 3.000 MW để đạt công suất tích lũy 6.500 MW (điện mặt trời 3.440MW, điện gió trên bờ và gần bờ 1.200MW, thủy điện 360MW, điện khí LNG 1.500MW), sản lượng điện sản xuất đạt gần 11,2 tỷ kWh. Cơ bản thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước; Đến năm 2030 tổng công suất các nhà máy điện tăng thêm khoảng 5.300MW, nâng quy mô công suất nguồn điện toàn tỉnh đạt 11.800MW; đạt mục tiêu xây dựng "Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo bền vững".

Thực trạng về cơ chế chính sách của tỉnh nhà đối với các nhà đầu tư

Theo Giám đốc Sở KH&ĐT, Lê Kim Hoàng; Hiện tại Ninh Thuận đang đứng trước những cơ hội phát triển mới, Chính phủ đã có chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước và đồng ý bổ sung các khu du lịch Bình Tiên-Vĩnh Hy, Cà Ná - Mũi Dinh vào các Khu du lịch quốc gia thuộc Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; triển khai đầu tư một số công trình trọng điểm quốc gia, thúc đẩy mạnh việc gia tăng tính kết nối phát triển Ninh Thuận với các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như đường cao tốc Bắc - Nam, Cảng tổng hợp Cà Ná, Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500 MW ... sẽ mang lại ý nghĩa quan trọng đối với Tỉnh và lợi ích nhiều mặt cho phát triển kinh tế - xã hội; góp phần khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng lợi thế, thu hút nhiều dự án đầu tư vào Ninh Thuận. 

Tỉnh đang Kêu gọi, thu hút đầu tư các công trình phụ trợ khác, như Trung tâm logistics gắn với Cảng tổng hợp... ảnh: VNHN

"Đối với các nhà đầu tư, tỉnh Ninh Thuận luôn áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư vào tỉnh theo hướng đảm bảo quyền lợi tốt nhất, thủ tục hành chính thuận tiện nhất, đơn giản nhất cho các nhà đầu tư có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, tỉnh cũng luôn thống nhất quan điểm thu hút đầu tư có chọn lọc, thu hút các nhà đầu tư có uy tín, thương hiệu đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của Tỉnh".

Một trong những mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển của tỉnh thời gian tới đó là tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Bên cạnh việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tỉnh Ninh Thuận đang tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư. Đồng thời, đang xúc tiến liên kết với các trường đại học, trung tâm đào tạo có thương hiệu trong nước và quốc tế để xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh và các tỉnh trong khu vực.

Với những Thuận lợi về Công tác quy hoạch, các chủ trương, định hướng phát triển kết cấu hạ tầng của tỉnh được xây dựng cơ bản phù hợp và với tinh thần chủ động, tranh thủ được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương và sự năng động, trách nhiệm, quyết tâm cao trong lãnh đạo, điều hành của các cấp chính quyền; cùng với sự nỗ lực, đồng hành của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, đến nay hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế của tỉnh được cải thiện đáng kể, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.

Tuy nhiên theo ông việc phát triển đồng bộ vẫn còn gặp nhiều khó khăn hạn chế. Như: Kết cấu hạ tầng tuy được quan tâm đầu tư nhưng một số lĩnh vực chưa thật sự đồng bộ, tính kết nối chưa cao, nhất là hạ tầng thủy lợi chậm hoàn thành, hệ thống kênh mương chưa đồng bộ; mạng lưới giao thông liên kết giữa các vùng còn hạn chế, mật độ giao thông đạt thấp so mức bình quân chung cả nước; hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; Nguồn lực xã hội cho đầu tư kết cấu hạ tầng còn hạn chế, trình tự thủ tục Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư còn phức tạp; Công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, thực hiện quy hoạch và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng còn hạn chế, bất cập, chồng lấn.

Hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành quyết định số 633/QĐ-UBND ngày 16/10/2021 công bố danh mục các dự án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Theo đó, qua rà soát tỉnh đã xác định 67 dự án kêu gọi đầu tư, tập trung vào các dự án du lịch, khu dân cư và một số dự án thương mại dịch vụ. Trong đó, một số dự án trọng điểm như Trung tâm thương mại Khánh Hải, Khu đô thị mới bờ Sông Dinh, Khu du lịch Hòn Chông, Khu du lịch nghỉ dưỡng sân gôn Phước Chiến, Cảng biển tổng hợp Cà Ná giai đoạn 2, Khu công nghiệp Cà Ná, Trung tâm logistics và cảng cạn phục vụ Cảng tổng hợp Cà Ná, dự án Tổ hợp hóa chất sau muối, dự án Sản xuất thiết bị phục vụ ngành năng lượng tái tạo…

Nguyễn Hương