Sẽ trình dự án cảng Cần Giờ ngay trong tháng 3/2023
Theo tìm hiểu của Việt Nam Hội nhập, cảng quốc tế Cần Giờ (cảng Cần Giờ - TP.HCM) có quy mô 6,8km bến tàu mẹ, 1,9km bến sà lan. Tổng nhu cầu sử dụng đất bến cảng khoảng 571ha trong đó diện tích đất cù lao (rừng phòng hộ ven biển) 93,37ha, diện tích mặt nước 477,63ha. Tổng chiều dài toàn tuyến là 7,2km.
Cảng có thể đón tàu trọng tải lên tới 250.000 DWT (tương đương 24.000 TEUs). Khoảng cách tuyến bến - biên luồng từ 340m – 393m. Cảng Cần Giờ có công suất 16,9 triệu TEU. Tổng mức đầu tư: 5,3 tỷ USD.
Phân kỳ đầu tư xây dựng cảng Cần Giờ gồm 7 giai đoạn, dự kiến giai đoạn 1 sẽ hoàn thành vào năm 2027, đến năm 2045, toàn bộ các giai đoạn sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác.
Hiện tại, Dự án xây dựng cảng Cần Giờ đã được Cảng Sài Gòn và hãng tàu Mediterranean Shipping Company (MSC) đề xuất. Vị trí cảng này tại cù lao Phú Lợi (có diện tích 75ha, thuộc xã Thạnh An, huyện Cần Giờ).
Bến Cần Giờ ở cửa sông Cái Mép có mực nước sâu, nằm trên các tuyến hàng hải quốc tế, có thể đáp ứng tàu tải trọng lớn đi các tuyến châu Âu, Phi, Mỹ. Đây là điều kiện thuận lợi hình thành cảng container quốc tế, tạo lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực cũng như đột phá phát triển kinh tế biển thành phố và cả nước.
Được biết, hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng cảng Cần Giờ đã cơ bản hoàn thành, dự kiến trong tháng 3/2023 sẽ trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Cởi trói thủ tục, thu hút đầu tư từ doanh nghiệp
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết, sản lượng hàng qua khu vực Cái Mép - Thị Vải tăng trưởng rất nhanh, thường là ở mức hai con số, góp phần thúc đẩy phát triển của xuất nhập khẩu hàng hóa không chỉ là ở khu vực Đông Nam bộ mà cả Tây Nam bộ và cả nước.
Việc khai thác các bến cảng này cho thấy tính đúng đắn của quy hoạch cũng như việc đầu tư. Hiệu quả đầu tư ở nhóm cảng biển này rất cao, là yếu tố để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau vào lĩnh vực cảng biển trong thời gian tới khi chúng ta tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch tổng thế hệ thống cảng biển quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhình đến năm 2045 đã mở ra triển vọng mới cho cụm cảng Cái Mép - Thị Vải trở thành cảng trung chuyển quốc tế lớn.
Hiện nay, các bộ ngành và địa phương đang tích cực, khẩn trương thực hiện các nội dung đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
Cụ thể như, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ có liên quan (trong đó có Bộ GTVT) và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nghiên cứu cơ chế, chính sách thí điểm cảng mở tại cụm cảng container khu vực Cái Mép trình Thủ tướng.
Về thủ tục, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết, các quy định của luật cũng như các văn bản dưới luật không có khái niệm “cảng mở”. Khái niệm mở ở đây là mở các “rào cản” về thủ tục ảnh hưởng đến quá trình thông thương hàng hoá xuất nhập khẩu.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang
"Bộ GTVT trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch đầu tư giải quyết đồng thời các vấn đề được đặt ra"
“Từ câu chuyện của các cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải sau một quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị và chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, chúng ta sẽ xem xét và cần thiết sẽ có những bổ sung hệ thống cơ sở hạ tầng và mô hình quản lý cũng như cơ chế chính sách phù hợp.
Chắc chắn từ câu chuyện này, nếu triển khai cơ chế tương đồng với các cảng khu vực Lạch Huyện hy vọng sẽ hiệu quả và đỡ mất thời gian hơn…”, Thứ trưởng chia sẻ.