Tính đến ngày 28/2/2023, Bộ GTVT đã giải ngân được 10.737 tỷ đồng (đạt 104% kế hoạch giải ngân tháng) và đạt 11,4% kế hoạch năm, cao hơn cùng kỳ năm ngoái (2.400/55.051 tỷ đồng, đạt khoảng 4,3% kế hoạch).
Giá trị giải ngân 2 tháng đầu năm chủ yếu tập trung ở các chủ đầu tư, ban QLDA trực thuộc Bộ với khối lượng giải ngân khoảng 10.716 tỷ đồng, đạt 12,4% kế hoạch năm và chiếm tỷ trọng 99,8% giá trị đã giải ngân của Bộ GTVT.
Mặc dù vậy, vẫn có 5 đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp dưới mức bình quân của Bộ, gồm: Ban quản lý dự án (QLDA) đường Hồ Chí Minh đạt 1,4% kế hoạch năm; Ban QLDA Đường thủy đạt 1,4%; Ban QLDA Đường sắt đạt 3,8%; Ban QLDA 85 đạt 7% và Cục Đường bộ VN đạt 9,8% kế hoạch năm.
Về phía các chủ đầu tư khác (các sở GTVT, Tổng công ty đường cao tốc Việt Nam (VEC), các trường…), lãnh đạo Vụ KH-ĐT cũng bày tỏ sự quan ngại khi tiến độ giải ngân hiện nay rất chậm.
Tính đến nay mới chỉ có 3/23 chủ đầu tư có giá trị giải ngân, gồm các Sở GTVT: Quảng Bình, Phú Thọ và Đồng Tháp với tổng giá trị giải ngân gần 21 tỷ đồng, chỉ đạt 0,3% kế hoạch năm.
Năm 2023 của Bộ GTVT đăng ký vốn 72.000 tỉ đồng cho các dự án giao thông. Tuy nhiên Chính phủ giao thêm cho bộ hơn 22.000 tỉ đồng.
Do vậy năm nay Bộ GTVTphải giải ngân số vốn "khổng lồ" hơn 94.000 tỉ đồng, gấp 1,7 lần năm 2022 và 2,2 lần năm 2021.
Đây là nhiệm vụ rất khó khăn và thách thức nếu tất cả các cơ quan đơn vị, cá nhân liên quan không thực sự nỗ lực, có giải pháp hiệu quả.