Trong những ngày qua, không chỉ anh em đồng nghiệp mà cả dư luận cũng đang rất bức xúc trước việc phóng viên Báo Người Lao Động Nguyễn Thanh Tuấn, thường trú tại Thanh Hóa bị một số đối tượng lạ mặt, bịt khẩu trang, đi xe máy không biển số, lợi dụng đêm tối ném chất bẩn vào nhà.
Trước đó vào hồi tháng 6 năm 2018, Nhà báo Trần Đại phụ trách Văn phòng Báo Nhà báo & Công luận tại Thanh Hóa cũng đã từng bị dọa giết.
Thực tế cho thấy trong nhiều năm qua, các cơ quan báo chí đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có những đóng góp không nhỏ và luôn đồng hành cùng với sự phát triển đi lên của tỉnh nhà. Tuy nhiên, bên cạnh việc tuyên truyền những kinh nghiệm hay, những bài học quý, những tấm gương điển hình cũng như những chủ trương, chính sách của tỉnh. Các cơ quan báo chí cũng đã rất tích cực trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực và những hành vi vi phạm pháp luật khác. Nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực và vi phạm pháp luật đã được các cơ quan báo chí đang hoạt động trên địa bàn phát hiện và đưa ra ánh sáng.
Để làm tròn sứ mệnh của người bút, đặc biệt trong việc đấu tranh với mặt trái của xã hội, những phóng viên, nhà báo nói trên, ngoài việc luyện rèn cho mình bản lĩnh để đứng vững trước những cám dỗ của tiền bạc, vật chất, họ cũng đã luôn luyện rèn cho mình bản lĩnh để có thể luôn đứng vững được trước cả những mối đe dọa, hiểm nguy mà nghề báo thường phải đối mặt.
Thực tế qua nhiều bài viết về chống tiêu cực cho thấy, có không ít cá nhân, đơn vị khi bị báo chí phản ánh đã tiếp thu với tinh thần cầu thị rất cao và cho đây là cơ hội tốt để khắc phục những sai phạm, qua đó hoàn thiện bản thân mình cũng như cách thức quản lý, điều hành đơn vị nơi mình công tác. Bên cạnh đó cũng còn một bộ phận không nhỏ những cá nhân, tổ chức khi bị các cơ quan báo chí trên địa bàn phát hiện sai phạm đã tỏ ra không hài lòng, rồi tìm cách xin xỏ, mua chuộc để mong được bỏ qua. Khi hành động trên không đạt được như ý muốn thì quay sang đe dọa, hòng uy hiếp tinh thần của anh em phóng viên, nhà báo. Thủ đoạn của những đối tượng này thường là nhắn tin khủng bố, gọi điện thoại đe dọa hoặc ném chất bẩn vào nhà.
Một đối tượng ném chất bẩn vào nhà phóng viên Thanh Tuấn được Camera ghi lại
Trở lại câu chuyện của những phóng viên, nhà báo bị đe dọa như đã nêu ở trên, các cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc như: Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành công văn số 434/CV/HNB-BKT, gửi Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa và UBND huyện Quảng Xương đề nghị điều tra, làm rõ vụ việc Nhà báo Trần Đại bị đe dọa. Báo Người Lao Động cũng đã có công văn gửi tới Công an tỉnh Thanh Hóa và UBND tỉnh Thanh Hóa để sớm vào cuộc làm rõ cũng như có các biện pháp bảo vệ sự an toàn, sức khỏe và tính mạng cho gia đình nhà báo Thanh Tuấn. Cùng với đó lực lượng công an trên địa bàn tỉnh cũng đã tiến hành điều tra, xác minh. Song, điều quan trọng và mong đợi nhất của dư luận có lẽ vẫn phải là việc tìm ra thủ phạm và xử lý thích đáng trước pháp luật.
Qua sự việc trên cho thấy tính chất, mức độ và hành vi đe dọa phóng viên, nhà báo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có chiều hướng diễn biến phức tạp và ngoài việc đề cao tinh thần cảnh giác của chính đội ngũ phóng viên, nhà báo, thì đang rất cần sự vào cuộc xử lý quyết liệt hơn nữa của cơ quan chức năng.
Mặc dù pháp luật đã quy định rõ về chế tài đối với những hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp cũng như đe dọa đến sự an toàn và tính mạng của họ, tuy nhiên nếu chỉ dừng lại ở những quy định này của pháp luật mà các cơ quan chức năng không vào cuộc điều tra làm rõ để đưa các đối tượng ra xử lý nghiêm minh thì chẳng những không mang tính thuyết phục và răn đe, mà ngược lại còn tạo ra những tiền lệ xấu cho chính những hành vi vi phạm pháp luật đó./.