24/11/2024 lúc 07:34 (GMT+7)
Breaking News

Thanh tra thường xuyên nhưng vẫn để lọt tham nhũng lớn? ​

VNHN-Theo Báo cáo trả lời kiến nghị cử tri được Thanh tra Chính phủ gửi đến Quốc hội, cử tri nhiều địa phương trên cả nước đã chất vấn Thanh tra Chính phủ về việc thanh tra thường xuyên nhưng các vụ tham nhũng lớn lại do các cơ quan báo chí phát hiện.

VNHN-Theo Báo cáo trả lời kiến nghị cử tri được Thanh tra Chính phủ gửi đến Quốc hội, cử tri nhiều địa phương trên cả nước đã chất vấn Thanh tra Chính phủ về việc thanh tra thường xuyên nhưng các vụ tham nhũng lớn lại do các cơ quan báo chí phát hiện.

Cụ thể, cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nêu: “Việc thanh tra, kiểm tra các cơ quan, đơn vị vẫn thực hiện thường xuyên nhưng không phát hiện các sai phạm lớn, sau đó thì xảy ra các vụ tham nhũng lớn tại các cơ quan, đơn vị này. Đề nghị làm rõ trách nhiệm của những cơ quan thanh tra tại các cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng nhằm cũng cố niềm tin của nhân dân”.

Trả lời cử tri, Thanh tra Chính phủ cho biết: Năm 2017, toàn ngành thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế 67,7 ngàn tỷ đồng, gần 17,6 ngàn ha đất, đã kiến nghị thu hồi 43,3 ngàn tỷ đồng và gần 5.000 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hơn 24,2 ngàn tỷ đồng, 12,6 ngàn ha đất... kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 2.093 tập thể và cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 114 vụ việc, 192 đối tượng...

Cũng trong năm này, qua công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết quyết khiếu nại, tố cáo cơ quan thanh tra các cấp đã phát hiện 87 vụ việc với 123 người có hành vi liên quan đến tham nhũng (tăng 70% số vụ việc, 45% số người so với năm 2016); xử lý 20 người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng. 

Tuy vậy, Thanh tra Chính phủ thẳng thắn thừa nhận "số vụ việc tham nhũng do cơ quan thanh tra phát hiện, xử lý còn ít, chưa phản ánh đúng thực trạng”.

Theo Thanh tra Chính phủ, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Một là đối tượng tham nhũng “thường là những người có chức vụ, quyền hạn có trình độ, khả năng che giấu hành vi, vi phạm” nên trong nhiều trường hợp, cơ quan thanh tra khó khăn trong phát hiện, xử lý. Hai là các hành vi phạm tội tham nhũng thường tinh vi, qua hoạt động thanh tra, kiểm tra trong nhiều trường hợp rất khó phát hiện.

“Thực tế thời gian tiến hành thanh tra, kiểm tra có hạn và nhiệm vụ, mục tiêu của thanh tra rất lớn nên không đủ để phát hiện, xử lý tham nhũng; năng lực, trình độ nghiệp vụ của cán bộ thanh tra, kiểm tra trong việc phát hiện tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng không chuyên sâu được như cán bộ của cơ quan điều tra nên lúng túng khi làm rõ dấu hiệu tội phạm tham nhũng để chuyển cơ quan điều tra trong quá trình thanh tra, kiểm tra. Không loại trừ khả năng một số cơ quan thanh tra còn nể nang, né tránh, ngại va chạm, thiếu quyết tâm trong đấu tranh tham nhũng”, báo cáo nêu trên nhận định.

Về giải pháp trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, quy trình, nghiệp vụ thanh tra, phối hợp, xử lý tham nhũng; tăng cường thanh tra phát hiện, xử lý tham nhũng, tập trung công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Chú trọng giám sát, kiểm tra hoạt động thanh tra, phát hiện, xử lý trường hợp cán bộ, công chức thanh tra vi phạm chức trách, nhiệm vụ, bao che tham nhũng.Bên cạnh nâng cao năng lực, trình độ, nghiệp vụ của cán bộ thanh tra, Thanh tra Chính phủ cũng sẽ kiểm điểm trách nhiệm của cơ quan thanh tra khi không phát hiện được tham nhũng qua hoạt động thanh tra, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có).