19/01/2025 lúc 19:28 (GMT+7)
Breaking News

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Ngày 27/12/2023, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (MN) tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2023.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng phát biểu khai mạc hội nghị.

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Trịnh Tuấn Sinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Thị Thanh Thủy - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Lưu Xuân Thủy - Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số, Ủy ban Dân tộc; các đồng chí Tỉnh ủy viên: Nguyễn Quang Hải, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan cùng 150 đại biểu đại diện cho hàng ngàn người có uy tín, trưởng thôn, bản, trưởng dòng họ, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân tiêu biểu thuộc vùng đồng bào các DTTS của 17 huyện, thị xã trên địa bàn toàn tỉnh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng nhấn mạnh: Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hóa là đợt sinh hoạt chính trị, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng và tỉnh Thanh Hoá nói chung. Hội nghị biểu dương hôm nay cũng là dịp gặp mặt, tổng kết, đánh giá những kết quả đạt được, xác định những mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp tổ chức thực hiện trong thời gian tới; đồng thời, một lần nữa khẳng định rõ vị trí, vai trò hết sức quan trọng, những đóng góp quý báu của các quý vị đại biểu người có uy tín, trưởng thôn, trưởng bản, trưởng dòng họ, nhân sĩ trí thức, doanh nhân tiêu biểu vùng dân tộc thiểu số và miền núi đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục chú trọng, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách để phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của người có uy tín, trưởng thôn, trưởng bản, trưởng dòng họ, nhân sĩ trí thức, doanh nhân tiêu biểu trên địa bàn tỉnh đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh nhà, tạo sự đồng thuận và niềm tin vững chắc của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Mai Xuân Bình báo cáo tại hội nghị.

Theo báo cáo tại hội nghị: Giai đoạn 2021-2023, trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 3.899 lượt người có uy tín trong cộng đồng DTTS. Riêng năm 2023, có 1.282 người có uy tín (bao gồm già làng, trưởng dòng họ, bí thư chi bộ, trưởng thôn bản, người sản xuất, kinh doanh giỏi...). Đội ngũ nhân sĩ, trí thức trên địa bàn tỉnh khoảng 63.298 người, trong đó có khoảng 5.207 người DTTS, chiếm tỷ lệ 8,22%.

Thống kê của 11 huyện miền núi, toàn vùng có 1.411 doanh nhân, trong đó số lượng doanh nhân người DTTS là 374 người, chiếm tỷ lệ 26,5%; hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh dịch vụ, xây dựng, vận tải, cung ứng vật tư nông nghiệp, cây con giống...

Trong những năm qua, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS và đội ngũ nhân sĩ, trí thức, doanh nhân người DTTS đã trở thành lực lượng có vai trò và vị trí quan trọng, đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển chung của tỉnh và cộng đồng các DTTS trên địa bàn tỉnh. Nổi bật là trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần giải quyết vấn đề dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc.

Đặc biệt, những người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, đội ngũ nhân sĩ, trí thức, doanh nhân người DTTS đã góp phần to lớn vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo bền vững của vùng DTTS&MN tỉnh Thanh Hóa.

Tại hội nghị, đại diện các điển hình tiên tiến đã trao đổi, giao lưu, chia sẻ những cách làm hay trong tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xây dựng mô hình “Xứ Đạo bình yên - Gia đình văn hóa”; giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng cao, phòng chống các tệ nạn xã hội; tham gia xây dựng thế trận lòng dân, thế trận an ninh Nhân dân, giữ vững sự bình yên, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc...

Phó Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Tuấn Sinh phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Tuấn Sinh nhấn mạnh: Vùng dân tộc, miền núi tỉnh ta chiếm gần 80% diện tích toàn tỉnh, là nơi sinh sống đoàn kết, hòa thuận, gắn bó lâu đời của trên 992 ngàn đồng bào 7 dân tộc anh em: Kinh, Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao và Khơ Mú.

Trải qua các thời kỳ cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, các cấp ủy đảng, chính quyền và đồng bào các dân tộc thiểu số, miền núi Thanh Hóa đã phát huy truyền thống đoàn kết, cách mạng, ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng trong đấu tranh dựng nước và giữ nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, góp phần xứng đáng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh đi trước, trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, cơ chế, chính sách, chương trình, dự án phát triển vùng dân tộc, miền núi,... Từ chỗ là một vùng nông thôn, miền núi nghèo nàn, lạc hậu, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo luôn ở mức cao; đến nay, diện mạo khu vực miền núi tỉnh ta đã có những đổi thay tích cực.

Kinh tế toàn vùng liên tục tăng trưởng qua các năm, bình quân 3 năm 2021-2023 tốc độ tăng giá trị sản xuất của 11 huyện miền núi đạt 5,95%. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội chuyển biến tiến bộ; trình độ dân trí được nâng lên; đời sống của đồng bào được cải thiện đáng kể; thu nhập bình quân đầu người khu vực miền núi của tỉnh năm 2023 đạt 41,33 triệu đồng, tăng 8,38 triệu đồng so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng năm 2023 còn 11,04%, (giảm 4,15% so với năm 2022), trong đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 15,20% (giảm 4,66% so với năm 2022). Quốc phòng - an ninh, nhất là an ninh biên giới được giữ vững. Năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, tổ chức Đảng và chính quyền được nâng lên; đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số được quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, phân công công tác ngày càng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Ban Dân tộc tỉnh và các cơ quan làm công tác dân tộc trong tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách phát triển vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số, miền núi thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua, tiêu biểu như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tham gia phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, bảo đảm an ninh, trật tự; nâng cao cảnh giác, đấu tranh làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá Đảng, nhà nước; thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số và tham gia giải quyết có hiệu quả các vụ việc phát sinh trong vùng dân tộc, miền núi, đảm bảo ổn định tình hình cơ sở... Qua đó, đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo, nhiều mô hình mới, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân đánh giá cao.

Đồng chí cũng cho biết: Đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín, trong đó có nhiều bác, anh, chị, nhiều đồng chí có mặt tại Hội nghị hôm nay đã phát huy vai trò của mình, luôn gương mẫu đi đầu thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhiều người là trung tâm đoàn kết, vận động gia đình, dòng họ, bản, làng, nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, bảo vệ đường biên, cột mốc chủ quyền quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn vững mạnh. Qua triển khai thực hiện, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh doanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật có hiệu quả, nâng cao giá trị sản xuất, góp phần xây dựng nông thôn mới, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình. Nhiều người là tấm gương tiêu biểu trong tham gia công tác xã hội, thực sự là cầu nối chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc đến với các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp... Những việc làm đó đã trực tiếp góp phần quan trọng vào sự phát triển của khu vực miền núi và vùng đồng bào các dân tộc tỉnh ta.

Để phát huy mạnh mẽ vai trò của người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh; đồng chí đề nghị cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc và đại đoàn kết toàn dân tộc. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh, nhất là sự phát triển đi lên của vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Phát huy tốt vai trò lãnh đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền, giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về nhận thức, củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Nhà nước; tích cực đấu tranh, làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hai là, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển vùng đồng dân tộc thiểu số và miền núi, trọng tâm là: Kết luận số 65 ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới, Nghị quyết số 88 ngày 18/11/2019 của Quốc hội và Nghị quyết số 12 ngày 15/02/2020 của Chính phủ về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Quyết định số 624 của Tỉnh uỷ về việc ban hành Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025... Tăng cường kiểm tra, giám sát; khắc phục, tháo gỡ kịp thời những hạn chế, yếu kém và khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Thường xuyên rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách để cụ thể hoá, triển khai thực hiện các chương trình, dự án, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và các địa phương, đơn vị.

Ba là, tăng cường bám sát cơ sở, chủ động nắm bắt tình hình đời sống Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thực hiện lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án trên địa bàn để nâng cao hiệu quả đầu tư, chống lãng phí, thất thoát; khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất - kinh doanh trên địa bàn.

Bốn là, các cấp ủy đảng, chính quyền các huyện miền núi cần quan tâm thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có chính sách đối với người có uy tín. Thường xuyên thăm hỏi, động viên, tạo điều kiện cả về vật chất và tinh thần để phát huy vai trò của những người có uy tín trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Kịp thời phát hiện những nhân tố tích cực, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết, có khả năng vận động, dẫn dắt cộng đồng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tạo điều kiện cho người có uy tín tham gia góp ý xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phát huy vai trò, trách nhiệm trong cộng đồng, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết của Nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Năm là, đối với đội ngũ người có uy tín, trưởng thôn, bản, trưởng dòng họ, nhân sĩ trí thức, doanh nhân tiêu biểu cần tiếp tục phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được, tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách, pháp luật về dân tộc, tôn giáo; gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào thi đua, yêu nước, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, giảm nghèo bền vững... Tham gia cùng cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là công tác phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động truyền đạo trái pháp luật; xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, xây dựng quê hương bản, làng vững mạnh về chính trị, kinh tế và văn hóa, góp phần xây dựng khu vực miền núi Thanh Hóa ngày càng giàu đẹp, đóng góp vào sự phát triển chung của cả tỉnh.

Các cá nhân tiêu biểu vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tại hội nghị.

Tại hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Tuấn Sinh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho 109 cá nhân là người có uy tín, trưởng dòng họ tiêu biểu đã có thành tích xuất sắc góp phần củng cố, phát huy khối đoàn kết toàn dân tộc trong đồng bào DTTS tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2023 và 41 cá nhân tiêu biểu đã có thành tích xuất sắc trong công tác, lao động, sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2023./.

Hải Nam - Hoàng Trang