02/05/2024 lúc 18:50 (GMT+7)
Breaking News

Thái Nguyên: Những thành quả quan trọng trong thực hiện xây dựng Nông thôn mới

Trải qua hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), từ một tỉnh miền núi phát triển kinh tế - xã hội còn yếu, 30% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở những vùng khó khăn…, đến nay Thái Nguyên đã là 1 trong 2 địa phương có kết quả xây dựng NTM cao nhất khu vực miền núi phía Bắc và cao hơn mặt bằng chung của cả nước. Đây được coi là nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Một trong những điểm nổi bật trong bức tranh tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên thời gian qua chính là sự thay đổi nhanh chóng, rõ nét ở khu vực nông thôn. Đó không chỉ là sự phát triển về kết cấu hạ tầng, sự chuyển đổi về phương thức sản xuất mà còn là sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, nhận thức, khát vọng vươn lên làm giàu của mỗi người dân và là nếp sống văn hóa, tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái, trách nhiệm xã hội trong các cộng đồng dân cư nông thôn,... Đạt được kết quả quan trọng đó là do có sự quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM của các cấp, các ngành, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp và Nhân dân.

Từ những chủ trương, giải pháp của Tỉnh

Để hoàn thành toàn diện mục tiêu giai đoạn 2020 - 2025, những năm qua tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng và ban hành các nghị quyết, quyết định, kế hoạch và các văn bản triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển nói chung và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nói riêng, nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra. Theo đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã tập trung cụ thể hóa 5 định hướng phát triển thành 12 chương trình, 32 đề án, 21 kế hoạch. Đáng chú ý là Chương trình phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; phát triển nông - lâm nghiệp - thủy sản, xây dựng nông thôn mới; các đề án cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; xây dựng các khu, cụm công nghiệp; triển khai những công trình giao thông trọng điểm mang tính chiến lược...

Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025 được triển khai thực hiện trên phạm vi địa bàn nông thôn của tỉnh, bao gồm: các xóm (thôn, bản), các xã, các huyện, thành phố của tỉnh trong giai đoạn 5 năm, từ 2021 đến hết 2025. Mục tiêu là đến hết năm 2025 có 131 xã trở lên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (95%), trong đó có 40% số xã đạt nông thôn mới nâng cao (52 xã), trên 10% số xã (15 xã) đạt nông thôn mới kiểu mẫu; có thêm 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, lũy kế đến hết năm 2025 có 6 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân tiêu chí toàn tỉnh theo Bộ tiêu chí về xã xây dựng nông thôn mới đạt 18,6 tiêu chí/xã; nâng cao chất lượng cuộc sống, thu nhập bình quân của người dân nông thôn. Đó là những mục tiêu lớn, đòi hỏi sự tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo hết sức sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy và chính quyền trong Tỉnh; đồng thời tạo được sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân.

Người dân đồng lòng cùng nhau xây dựng nông thôn mới.

Có thể nêu một số văn bản cụ thể theo tinh thần đó: Ngày 30/3/2021, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Kế hoạch số 60/KH-UBND cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, nhằm thực hiện Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 21/10/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030; với mục tiêu: Xây dựng nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hiện đại, sản xuất an toàn, hữu cơ, hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị bền vững. Tập trung phát triển các cây trồng, vật nuôi có lợi thế của tỉnh; thu hút doanh nghiệp và mọi thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; phát triển kinh tế tập thể, kinh tế trang trại; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn, góp phần đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Ngày 27/04/2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 863/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, với các mục tiêu cụ thể (đã nêu ở trên). Ngày 13/6/2023, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Kế hoạch số 115/KH-UBND triển khai thực hiện Quyết định số 923/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên... Nhờ những Kế hoạch, Quyết định đó, công tác xây dựng nông thôn mới và phát triển nông nghiệp được đẩy mạnh và đi vào chiều sâu, chất lượng.

Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp để phối hợp, thực hiện đồng bộ các giải pháp; rà soát, lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương để đầu tư phát triển; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực để tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn, đạt chuẩn OCOP, hữu cơ có giá trị kinh tế cao. Trong đó, cây chè với sản phẩm trà nổi tiếng tiếp tục phát huy là cây trồng thế mạnh, chủ lực của tỉnh với trên 22,2 nghìn ha, sản lượng đạt trên 260 nghìn tấn/năm, giá trị thực tế của sản phẩm chè đạt trên 10.000 tỷ đồng/năm, không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà còn là cây làm giàu cho các hộ gia đình nông dân và các HTX.

Cùng với đó, ngành NN&PTNT Thái Nguyên còn tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện các chính sách nhằm thu hút, kích cầu tiêu thụ sản phẩm nông sản thông qua các chương trình, đề án, dự án như: Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Đề án Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025; Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019-2025… Tham mưu ban hành các văn bản triển khai, hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trên địa bàn tỉnh; kiểm tra Chương trình xây dựng NTM, Chương trình OCOP tại các địa phương; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về Chương trình xây dựng NTM và Chương trình mỗi xã một sản phẩm cho cán bộ phụ trách cấp tỉnh/huyện/xã/xóm của các xã đăng ký đạt chuẩn NTM/NTM nâng cao/NTM kiểu mẫu.

Đường nông thôn được mở rộng, tạo động lực cho bà con phát triển kinh tế.

Ngành NN&PTNT Thái Nguyên đồng thời tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông thôn, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn, hữu cơ, phù hợp với nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, Ngành tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và sản phẩm OCOP của tỉnh gắn với ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số; gắn kết nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị. Trong xây dựng NTM, Thái Nguyên đã vận dụng linh hoạt các quy định của Trung ương, ban hành một số quy định cao hơn như: Bộ tiêu chí “hộ gia đình NTM”, “xóm NTM kiểu mẫu”, “xã NTM kiểu mẫu”... Đồng thời, tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách của địa phương để hỗ trợ triển khai thực hiện phong trào như: Hỗ trợ xi măng để xây dựng đường giao thông nông thôn, kênh mương, trong đó ưu tiên các xã đăng ký đạt chuẩn NTM (bình quân 1.000 tấn/xã); hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà văn hóa xã, xóm; hỗ trợ các xã điểm, các xã xây dựng NTM kiểu mẫu (2 tỷ đồng/năm); hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp (giống cây trồng, vật nuôi; máy móc cơ giới hoá nông nghiệp); hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất hợp tác, liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP...

Như vậy có thể thấy, để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới gắn với vấn đề phát triển tam nông theo chủ trương của Đảng, trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã bám sát thực tiễn và đề ra những kế hoạch, những giải pháp đi đôi với tinh thần chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả, nhằm khai thác những tiềm năng, lợi thế, tạo được những kết quả rất đáng trân trọng; góp phần tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội nới chung, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020-2025.

Đến những kết quả đáng trân trọng

Sau chặng đường vượt qua không ít khó khăn, thách thức để phát triển, từ một tỉnh miền núi, kinh tế - xã hội còn khó khăn, 30% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay Thái Nguyên đã vươn lên là một trong 2 địa phương có kết quả xây dựng nông thôn mới (NTM) cao nhất khu vực miền núi phía Bắc và cao hơn mặt bằng chung của cả nước. Đây là nỗ lực lớn, bền bỉ của các cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của UBND Tỉnh, với phương châm nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Trong năm 2023, tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn lồng ghép, vốn huy động từ người dân, doanh nghiệp thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt trên 2.088 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là trên 277 tỷ đồng; ngân sách địa phương (tỉnh, huyện, xã) là trên 891 tỷ đồng, số còn lại được huy động từ nhiều nguồn khác nhau.

Nổi bật nhất trong quá trình xây dựng nông thôn mới của Thái Nguyên có thể kể đến là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn trên địa bàn không ngừng hoàn thiện, đó là quy hoạch các xã đi trước một bước để làm cơ sở đầu tư hạ tầng. Đến nay, 94,4% xã đạt tiêu chí giao thông; 100% các xã đạt các tiêu chí về thủy lợi, điện, y tế, văn hóa, an ninh; các tiêu chí khác như hạ tầng số, hạ tầng thương mại, môi trường... đều đạt từ 90% trở lên. Đến nay toàn tỉnh có 118/126 xã đạt chuẩn NTM (đạt tỷ lệ 93,7%); 33 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 10 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 6 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (đạt tỷ lệ gần 67%)... Mục tiêu trong năm 2024 có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM, 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, huyện Phú Lương được công nhận đạt chuẩn NTM. Bên cạnh đó, việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn được triển khai mạnh mẽ đã góp phần phát triển được 173 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia; gắn sản phẩm OCOP với phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Những kết quả trong xây dựng NTM gắn với sản xuất nông nghiệp hàng hóa, sản xuất bền vững đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt.

Cùng với những kết quả đạt được, một trong những mục tiêu lớn trong xây dựng nông thôn mới mà tỉnh Thái Nguyên hướng tới là củng cố, phát triển quan hệ sản xuất ở nông thôn bằng những mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm tạo ra ngày càng nhiều những sản phẩm có giá trị cao trên thị trường, sản phẩm đạt chuẩn OCOP, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Các hợp tác xã nông nghiệp đổi mới mạnh mẽ về phương thức hoạt động, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện liên kết với các doanh nghiệp; hình thức tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng liên doanh, liên kết được triển khai thực hiện và mang lại hiệu quả tích cực trong sản xuất, kinh doanh và phát triển HTX.

Kết quả xây dựng nông thôn mới của Thái Nguyên đã góp phần tích cực vào thành quả phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh: Việc duy trì đà tăng trưởng dương ở mức trên 5% đã thể hiện sự nỗ lực cố gắng rất lớn của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đây là con số rất tích cực, đáng ghi nhận cho quyết tâm vượt qua mọi rào cản, khó khăn, nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2023. Ngoài ra, có thể kể đến một số điểm nhấn nổi bật, đó là: Cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; kết quả thu ngân sách năm 2023 toàn tỉnh hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra với số thu đạt trên 20.000 tỷ đồng, đây là con số cao nhất từ trước đến nay của tỉnh và lần đầu tiên ghi dấu mốc quan trọng khi tỉnh Thái Nguyên nằm trong Top 18 tỉnh có thể tự cân đối ngân sách địa phương và có một phần điều tiết về Trung ương; Tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2023 trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 27 tỷ USD, liên tục giữ vững vị trí đứng thứ 4 cả nước. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng khá, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra; môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh được nâng lên. Cùng với đó, tỉnh đã huy động và tập trung nguồn lực triển khai, xây dựng nhiều công trình, dự án trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng trước mắt cũng như lâu dài, đơn cử như Tuyến đường liên kết vùng kết nối Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc với tổng giá trị đầu tư trên 4.000 tỷ đồng và dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2024...

Như đã trình bày ở trên, kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có vai trò quan trọng hàng đầu của sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh. Tỉnh Thái Nguyên quyết tâm tiếp tục thực hiện tốt hơn công tác quan trọng này trong những năm tiếp theo. Đúng như phát biểu tại Lễ Công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Phú Bình đạt chuẩn nông thông mới năm 2022 được tổ chức vào ngày 10/6/2023, đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh: Quán triệt tinh thần xây dựng NTM có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc; tuyệt đối không chủ quan, bằng lòng, thỏa mãn với kết quả hiện tại mà phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt hơn nữa, đổi mới sáng tạo. Phát huy những thành tích đã đạt được; tập trung khắc phục những hạn chế, khó khăn; khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương để tiếp tục đẩy mạnh phát triển phong trào xây dựng NTM tại địa phương.

Và những kinh nghiệm tốt trong tổ chức, chỉ đạo, điều hành

Quá trình 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Thái Nguyên đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý, nổi bật là:

- Làm tốt công tác tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận

thức đúng đắn về xây dựng NTM; thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” nhằm phát huy nội lực, sức sáng tạo của cộng đồng trong xây dựng NTM.

- Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự góp sức chung tay của

cộng đồng doanh nghiệp thì phải phát huy được vai trò chủ thể của người nông dân trong xây dựng nông thôn mới.

- Xuất phát từ thực tế của địa phương, Thái Nguyên đã ban hành cơ chế

hỗ trợ từ ngân sách tỉnh (bằng tiền và xi măng) để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng NTM. Nhờ đó, đến nay toàn tỉnh có 126/126 xã đạt tiêu chí quy hoạch, thủy lợi và phòng, chống thiên tai; 122/126 xã đạt tiêu chí giao thông, trường học (đạt 96,8%); 118/126 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa (đạt 93,6%)… Tính đến cuối năm 2023, Thái Nguyên có 118/126 xã đạt chuẩn NTM, 33 xã NTM nâng cao và 10 xã NTM kiểu mẫu; 6/9 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Vũ Đạt