17/05/2024 lúc 09:51 (GMT+7)
Breaking News

Thái Nguyên đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với phát triển các sản phẩm nông sản, OCOP và làng nghề

Trong khuôn khổ chương trình “Festival nông sản, OCOP, làng nghề gắn kết du lịch Thái Nguyên năm 2023”, tại HTX chè Hảo Đạt, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã tổ chức buổi tọa đàm “Đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với phát triển các sản phẩm nông sản, OCOP và làng nghề tỉnh Thái Nguyên”.

Dự Hội nghị có đồng chí Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; đồng chí Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Công thương; đồng chí Dương Xuân Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng chí Vũ Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Nguyên; lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, các huyện, thành phố; các Khu, điểm du lịch, Hợp tác xã và cơ quan truyền thông tỉnh Thái Nguyên. 

Toàn cảnh Hội nghị.

Thái Nguyên là vùng đất có tiềm năng du lịch, hội tụ nhiều di sản văn hóa, với 277 làng nghề, trên 200 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao. Đây chính là tài nguyên để tỉnh Thái Nguyên phát triển nhiều loại hình du lịch hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách. Sau khi có Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 08/8/2018 về định hướng phát triển du lịch tỉnh đến năm 2030, trong đó xác định quan điểm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và lợi thế đặc trưng của từng địa phương trong tỉnh để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, ngành du lịch chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 tiếp tục xác định “Phấn đấu đưa du lịch Thái Nguyên trở thành trung tâm du lịch của vùng Việt Bắc, sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hoá Trà, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao; du lịch Thái Nguyên trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh với hệ thống hạ tầng đồng bộ; phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả”.

Với những điều kiện thuận lợi đó trong những năm qua, hoạt động du lịch Thái Nguyên đã có nhiều khởi sắc, từng bước phát huy được các tiềm năng thế mạnh về du lịch, tạo được dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách. Năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đón  2.498.200 lượt khách (trong đó khách quốc tế 20.100 lượt; khách nội địa 2.478.100 lượt); tổng thu từ khách du lịch đến tỉnh Thái Nguyên đạt 2.114 tỷ đồng, tăng 18,75% so với cùng kỳ và bằng 71,48% so với chỉ tiêu đạt 3.000 tỷ đồng tổng doanh thu từ du lịch đến năm 2025. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động du lịch Thái Nguyên vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, tính cạnh tranh chưa cao, chưa có sự gắn kết, bổ trợ, hỗ trợ nhau giữa phát triển du lịch và phát triển sản phẩm nông sản, OCOP, làng nghề.

Tại buổi Tọa đàm, Ban Tổ chức đã nhận được gần 20 ý kiến tham luận của lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, đại diện các hợp tác xã, làng nghề, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động. Các đại biểu cũng quan tâm đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về cơ chế, chính sách để tháo gỡ những khó khăn phát triển sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Thông qua Hội nghị góp phần quảng bá, thúc đẩy hợp tác phát triển các sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch, thu hút thêm nhiều du khách đến với tỉnh Thái Nguyên.

Thái Bình