04/05/2024 lúc 20:33 (GMT+7)
Breaking News

Ðiện Biên với thời cơ phát triển

Chú trọng phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương gắn với sắc màu đa văn hóa của các dân tộc, tỉnh Điện Biên đã và đang quan tâm đầu tư, khai thác phát triển du lịch. Nhiều giải pháp đồng bộ đã được triển khai nhằm xây dựng Điện Biên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của vùng Trung du miền núi phía Bắc vào năm 2025.

Ngày 13/11/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3462/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án tổ chức Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024. Đây là cơ hội tốt để Điện Biên phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, tăng cường phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển du lịch nói riêng.

TIỀM NĂNG, LỢI THẾ ĐIỆN BIÊN

Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, có vị trí địa lý, quốc phòng, an ninh đặc biệt quan trọng. Bên cạnh đó, Điện Biên có địa hình đa dạng, khí hậu trong lành, nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, lịch sử hào hùng, nền văn hóa đặc sắc của các dân tộc...

Không chỉ nổi tiếng với những di tích lịch sử có giá trị như: Thành Tam Vạn, Thành Bản Phủ - Đền thờ Hoàng Công Chất…; trong đó, Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ có giá trị hết sức quan trọng về lịch sử, văn hóa - xã hội, khoa học. Điện Biên còn có nhiều lợi thế, tiềm năng về phát triển kinh tế, du lịch lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, ẩm thực với các danh thắng, hang động đẹp, như: Hồ Pá Khoang, hồ Huổi Phạ, động Pa Thơm, động Khó Chua La, động Pê Răng Ky, khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, các điểm nước khoáng nóng: U Va và Hua Pe, cảnh quan lòng hồ thủy điện Sơn La, đèo Pha Đin - một trong tứ đại đỉnh đèo nổi tiếng, hấp dẫn của vùng Tây Bắc, cao nguyên đá Tủa Chùa, A Pa Chải - ngã ba biên giới, điểm cực Tây của Tổ quốc... Hiện có 33 Di tích lịch sử của Tỉnh được xếp hạng, trong đó gồm: Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, 14 Di tích cấp quốc gia, 18 Di tích cấp tỉnh; 18 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó nghệ thuật Xòe Thái và Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đặc biệt, Điện Biên có một nền văn hóa đa dân tộc (19 dân tộc) có ý nghĩa lớn đối với phát triển du lịch. Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc trưng riêng, gồm cả văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể; những thiết chế văn hóa xã hội truyền thống của từng dân tộc; những phong tục tập quán trong sản xuất, sinh hoạt và trong tín ngưỡng, hội hè của mỗi dân tộc, cùng với những món ăn đặc sản mang đậm nét văn hóa của vùng cao Tây Bắc... Đó là những tiềm năng lợi thế trong phát triển du lịch nhân văn rất hấp dẫn đối với du khách, nhất là du khách quốc tế. Thêm vào đó, tinh thần mến khách và lòng nhiệt thành của con người Điện Biên cũng là nền tảng vững chắc cho ngành du lịch phát triển với nhiều phương thức khác nhau.

Để phát triển kinh tế, xã hội, tỉnh Điện Biên còn có những lợi thế so sánh quan trọng khác: Là một trong hai tỉnh trong cả nước có đường biên giới với 2 quốc gia là Lào và Trung Quốc; trên khu vực biên giới Việt Lào đã mở cửa khẩu quốc tế Tây Trang - Pang Hốc (Xốp Hùn), cửa Khẩu Huổi Puốc - Na Son; biên giới Việt Trung có cửa khẩu A Pa Chải - Long Phú với quy mô là cửa khẩu Quốc gia, tạo thêm điều kiện thuận lợi để Điện Biên trở thành điểm đầu mối trung chuyển hàng hóa của các tỉnh phía Bắc Việt Nam xuất nhập khẩu hàng hóa với thị trường các tỉnh Bắc Lào và khu vực Tây Nam Trung Quốc, Myanmar…

Bên cạnh tuyến đường quốc lộ đã được đầu tư nâng cấp, Điện Biên là tỉnh duy nhất ở khu vực miền núi phía Bắc có sân bay được quy hoạch là sân bay quốc tế tiểu vùng; hiện đang khai thác đường bay Hà Nội - Điện Biên với tần suất 2 chuyến/ngày. Đất đai trù phú và đa dạng, nguồn nhân lực dồi dào với số người lao động trong độ tuổi chiếm trên 58% dân số của tỉnh.

NỖ LỰC LỚN, THÀNH QUẢ CAO

Mặc dù việc khai thác các lợi thế này còn gặp nhiều khó khăn do nguồn lực và cơ sở hạ tầng còn hạn chế, nhưng những năm gần đây Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên liên tục phấn đấu và đã đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Đặc biệt năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên tiếp tục có nhiều điểm sáng:  Theo Cục Thống kê tỉnh Điện Biên, năm 2023 tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt gần 15 nghìn tỷ đồng,  tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị sản xuất khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt trên 2.430 tỷ đồng; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt trên 3.580 tỷ đồng, tăng gần 13%; khu vực dịch vụ đạt 8.230 tỷ đồng, tăng gần 6%. Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt gần 1.600 tỷ đồng, tăng trên 6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt gần 22.000 tỷ đồng, tăng gần 29% so với cùng kỳ năm trước, vượt 4,4% kế hoạch. Toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho trên 11.300 lao động, tăng trên 670 lao động so với năm 2022; tuyển mới, đào tạo nghề cho gần 9.140 người, vượt trên 10% kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn gần 36.290 hộ, chiếm tỷ lệ trên 26%. Duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 2, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2… Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, những kết quả đạt được thể hiện những cố gắng và quyết tâm lớn của Tỉnh với mục tiêu đưa Điện Biên trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Năm 2024 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng với những dấu mốc lịch sử đối với Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên: Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 -7/5/2024), 115 năm thành lập tỉnh (28/6/1909-28/6/2024), 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh (10/10/1949-10/10/2024); 20 năm chia tách, thành lập tỉnh Điện Biên (01/01/2004-01/01/2024) và 270 năm ngày nghĩa quân Hoàng Công Chất giải phóng Mường Thanh. Cùng với đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3462/QĐ-BVHTTDL ngày 13/11/2023 phê duyệt Đề án tổ chức Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024, gắn với các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ.

NĂM DU LỊCH QUỐC GIA - ĐIỆN BIÊN 2024

Năm 2024 thực sự là một năm đặc biệt với Điện Biên. Đây sẽ là cơ hội tốt để Điện Biên tăng cường phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển du lịch nói riêng. Trong đó, Điện Biên sẽ tăng cường sự liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành phố trong nước và các quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới nhằm thúc đẩy hội nhập quốc tế, tạo điều kiện thu hút các nguồn lực để phát triển du lịch, nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng. Đồng thời thông qua đó, Điện Biên sẽ nâng cao chất lượng các chương trình du lịch, khai thác các điểm du lịch, tuyến du lịch mới, đa dạng, hấp dẫn và phù hợp với nhu cầu thị trường khách du lịch tỉnh Điện Biên hướng đến.

Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, căn cứ Nghị quyết số 03-NQ/TU (ngày 7/5/2021) của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Du lịch Điện Biên sẽ phát triển dựa trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của ba trụ cột chính là: Du lịch lịch sử - tâm linh; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên và du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe. Mục tiêu tổng quát là xây dựng Điện Biên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của vùng Trung du miền núi phía Bắc vào năm 2025, trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế gắn với bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, di tích lịch sử, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền biên giới quốc gia.

Triển khai thực hiện nghị quyết 03 của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Điện Biên đã thành lập Ban chỉ đạo phát triển du lịch, xây dựng đề án tổng thể, chi tiết phát triển du lịch tỉnh Điện Biên. Những năm vừa qua, tỉnh tập trung nhiều nguồn lực, cả ngân sách nhà nước, huy động nguồn lực xã hội, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch. Thực tế cho thấy, việc định hướng phát triển du lịch dựa trên đầu tư phát triển hạ tầng, mời gọi nhà đầu tư thực hiện các dự án, công trình, tạo ra các sản phẩm du lịch ở Điện Biên đã mang lại hiệu quả rõ rệt, nhất là trong việc trùng tu, tôn tạo, nâng cấp các công trình thuộc hệ thống Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ. Du khách đến Điện Biên không khỏi ngỡ ngàng trước diện mạo mới của miền đất này với những cây cầu, tuyến đường rộng rãi, sạch đẹp dẫn tới các khu di tích, điểm tham quan, du lịch; nhiều công trình tầm vóc khang trang mới được xây dựng, như Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ; bức tranh panorama về trận chiến Điện Biên Phủ có tổng diện tích hơn 3.200m2 tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ...

Điện Biên đồng thời triển khai thực hiện “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ đến năm 2030” với nhiều công trình được đầu tư xây dựng hoàn thành, như: Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; Bức tranh Panorama; Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ; cải tạo, sửa chữa khu thờ tự Đại tướng Võ Nguyên Giáp... Tỉnh cũng tiếp tục đề nghị Chính phủ hỗ trợ thêm kinh phí để tiếp tục thực hiện việc bảo tồn, tôn tạo các điểm di tích thuộc “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ đến năm 2030”, trọng tâm là di tích Trung tâm Đề kháng Him Lam, Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ giai đoạn 2... Đồng thời đề xuất Chính phủ xem xét, cho chủ trương xây dựng Khu căn cứ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng thành Khu Di tích lịch sử - Du lịch Mường Phăng để phát huy giá trị di tích lịch sử Chiến dịch Điện Biên Phủ, tạo xung lực thúc đẩy phát triển du lịch, về nguồn, khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh Điện Biên.

Điện Biên cũng tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế nói chung và cho ngành công nghiệp xanh, trong đó có du lịch nói riêng. Cụ thể, Điện Biên đang chuẩn bị cho sự phát triển của các khu vực đô thị trên địa bàn Tỉnh (như: thị xã Mường Lay, thị trấn Mường Chà, TP. Điện Biên Phủ) bằng các đồ án quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng liên huyện, vùng huyện... để đón đầu và đáp ứng được lượng khách du lịch dồi dào từ Sa Pa, Lào Cai. Bước tiếp theo là xây dựng cơ sở hạ tầng, đón đầu kết quả liên kết vùng giữa Điện Biên với Lào Cai, cụ thể là giữa đô thị TP. Điện Biên Phủ với thị xã Sa Pa. Để làm được điều này, Lãnh đạo Tỉnh sớm đề xuất với Trung ương, tạo điều kiện đặt viên gạch đầu tiên cho ý tưởng này bằng việc đưa tuyến giao thông Sa Pa - Điện Biên vào quy hoạch vùng, quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Riêng trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia Điện Biên 2024, dự kiến sẽ có 169 chương trình, sự kiện hưởng ứng, trong đó có 13 chương trình, sự kiện quốc gia do Bộ VH-TT&DL chủ trì tổ chức; tỉnh Điện Biên chủ trì tổ chức 28 chương trình, sự kiện, hoạt động; 128 sự kiện, hoạt động hưởng ứng do 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức. Điểm nhấn của Năm Du lịch quốc gia Điện Biên 2024 là Lễ Khai mạc, gắn với tổ chức Lễ hội Hoa Ban năm 2024, với chủ đề: "Về miền Hoa Ban" được tổ chức vào ngày 16/3/2024 tại Quảng trường 7-5 (TP. Điện Biên Phủ); Chương trình nghệ thuật đặc biệt và bắn pháo hoa tầm cao được tổ chức vào tối ngày 6/5/2024 tại Quảng trường 7-5; Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ được tổ chức vào sáng ngày 7/5/2024, tại sân vận động tỉnh Điện Biên; Hội chợ Du lịch Tây Bắc-Điện Biên, Liên hoan Ẩm thực toàn quốc năm 2024 tổ chức vào tháng 8/2024, tại Quảng trường 7-5; Hội chợ Công thương vùng Tây Bắc - Điện Biên năm 2024 vào quý II/2024; Lễ tổng kết và bế mạc Năm Du lịch quốc gia Điện Biên 2024 tổ chức vào tháng 12/2024 tại TP. Điện Biên Phủ. Trong năm, Điện Biên phấn đấu đón 1,3 triệu lượt khách du lịch; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 2.200 tỷ đồng; góp phần phát triển đột phá về du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên trong những năm tiếp theo. 

Hoàng Tiến 

...