VNHN - Trong những năm qua, việc giảm gánh nặng thuế và đa dạng hóa các hình thức ưu đãi thuế đã góp phần tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút vốn FDI. Nhờ đó, dòng vốn FDI vào Việt Nam liên tục tăng qua các năm. Để tận dụng tốt hơn dòng vốn FDI cho phát triển kinh tế, thời gian tới, Việt Nam cần hoạch định chính sách ưu đãi thu hút FDI trong bối cảnh mới.
Ảnh minh họa - Internet
Các chính sách ưu đãi và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của nước ta hiện nay nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cấp công nghệ, tạo việc làm, giảm bớt bất bình đẳng và các mục tiêu xã hội khác. Nhờ đó, dòng vốn FDI vào Việt Nam liên tục tăng qua các năm. Đặc biệt, năm 2018, vốn FDI ước thực hiện đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2017.
Trong ba thập kỷ qua, khu vực FDI đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Năm 2018, khu vực FDI chiếm 23,4% tổng vốn đầu tư của cả nước. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2018 ước tính đạt 244,7 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017, trong đó, khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 175,5 tỷ USD, tăng 12,9% so với 2017.
Cùng với đó, độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn, năm 2018, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ so với GDP đạt 208,6%, điều này chứng tỏ Việt Nam khai thác được thế mạnh của kinh tế trong nước; đồng thời, tranh thủ được thị trường thế giới. Tỷ trọng đóng góp của khu vực FDI trong GDP tăng lên đã góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa. Giai đoạn 2010 - 2018, lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đã tăng bình quân 6,9% và 6,3%. Tỷ trọng lĩnh vực nông nghiệp giảm từ 21,6% năm 2005 xuống 16,7% (năm 2017); tỷ trọng dịch vụ trong GDP tăng từ 40,3% (năm 2005) lên 43,8% (năm 2017) và tỷ trọng công nghiệp trong GDP tăng từ 38% (năm 2005) lên 39,5% (năm 2017).
Tính riêng 5 tháng đầu năm 2019, thu hút FDI của Việt Nam đạt kỷ lục về giá trị vốn đầu tư đăng ký so với cùng kỳ trong vòng 4 năm trở lại đây. Giải ngân vốn FDI ước đạt 7.3 tỷ USD, tăng 7.8% so với cùng kỳ năm 2018.
Cụ thể, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt 16.74 tỷ USD, tăng 69.1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong 5 tháng đầu năm 2019, vốn đầu tư tăng ở cả 3 hợp phần.
Theo đó, cả nước có 1,363 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 6.46 tỷ USD, tăng 38.7% so với cùng kỳ năm 2018. Có 505 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 2.63 tỷ USD, tăng 5.5% so với cùng kỳ năm 2018. Có 3,160 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN với tổng giá trị vốn góp 7.65 tỷ USD, gấp 2.8 lần so với cùng kỳ và chiếm 45.7% tổng vốn đăng ký. Không tính lượt góp vốn 3.85 tỷ USD của nhà đầu tư Hong Kong thì tổng giá trị vốn góp vẫn tăng 38.2% so với cùng kỳ năm 2018.
Khu vực FDI không chỉ tạo động lực tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần tạo việc làm cho người lao động. Số lượng lao động làm việc trong khu vực FDI đã tăng từ 358.500 người năm 2000 lên 4.207.400 người vào năm 2017. Tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực FDI so với tổng số lao động của toàn bộ nền kinh tế đã tăng từ 1% (năm 2000) lên 7,8% (năm 2017).
Tuy nhiên, số liệu thực tế cho thấy, các địa bàn kém phát triển gặp nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư do những hạn chế về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực. Ngược lại, các địa phương thu hút được nhiều dự án đầu tư chủ yếu là các tỉnh, thành phố có hệ thống kết cấu hạ tầng tốt, vị trí địa lý gần các thành phố lớn, thuận tiện về giao thông, gần cảng biển, đường cao tốc và có tỉ lệ lao động đã qua đào tạo cao hơn mức trung bình cả nước.
Trong khi đó, nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp tại địa bàn kém phát triển có tỷ lệ bỏ trống vẫn còn cao và thu hút được ít vốn, mặc dù được hưởng ưu đãi thuế ở mức cao. Cụ thể, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động của nước ta đến hết 2018 là khoảng 73%.
Việt Nam tham gia ngày càng nhiều các FTA và các hiệp ước quốc tế về kinh tế, do đó cơ hội để đón nhận nguồn vốn đầu tư FDI cũng tăng mạnh hơn. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc vẫn đang tiếp tục diễn ra, dòng vốn của các tập đoàn nước ngoài tại Trung Quốc đang dần chuyển hướng sang các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Trong đó, có những dòng vốn FDI phù hợp với định hướng phát triển của đất nước và cả những dòng vốn FDI không phù hợp với định hướng phát triển.
Trong bối cảnh hiện nay, Cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến các cơ hội và thách thức mới cho toàn bộ nền kinh tế, trong đó có đầu tư FDI. Để đáp ứng yêu cầu mới, chiến lược FDI thế hệ mới đang được xây dựng nhằm đáp ứng đòi hỏi phát triển của đất nước. Chiến lược này đưa ra là phải khắc phục những nhược điểm của FDI trong thời gian vừa qua, phát huy ưu điểm và tiếp tục thu hút FDI cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới. Các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư FDI hiện hành cần phải được đánh giá lại về mục tiêu, về tác động, về chi phí và lợi ích để cải thiện và tăng cường hiệu quả của các chính sách này.
Việt Nam cần xác định các ngành, lĩnh vực ưu tiên, mục tiêu nhằm định hướng thu hút đầu tư một cách chủđộng; đảm bảo sự nhất quán giữa mục tiêu thu hút đầu tư, thiết kế chính sách và việc thực thi chính sách; giảm ưu đãi dư thừa, giảm sự chồng chéo giữa các văn bản pháp luật về ưu đãi và thu hút đầu tư. Bởi ưu đãi thuế và tài chính có tác dụng không rõ rệt lên thu hút đầu tư bằng việc cải thiện môi trường kinh doanh và chất lượng hạ tầng; giảm thực hiện chính sách xã hội thông qua ưu đãi thuế màthực hiện trực tiếp qua chính sách chi ngân sách. Các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân tại các khu vực nông thôn nên được thực hiện trực tiếp từ ngân sách, thay vì việc thông qua ưu đãi thu hút đầu tư ...