VNHN - Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2019 đạt kỷ lục về giá trị so bốn năm trở lại đây. Đây là thông tin đáng mừng nhưng đằng sau đó vẫn còn những băn khoăn, lo lắng về hiệu quả cũng như thách thức đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại thị trường trong nước, về sự phát triển bền vững hay cụ thể hơn là việc Việt Nam sẽ được hưởng bao nhiêu giá trị từ dòng vốn FDI kỷ lục này.
Mức độ phụ thuộc ngày càng tăng
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tại Báo cáo số 3163/BC-BKHĐT gửi các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về việc thực hiện Nghị quyết số 113/2015/QH13 của QH khóa XIII và các Nghị quyết của QH về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2, 3, 4, 5 của QH khóa XIV, tại kỳ họp thứ 7 QH khóa XIV, mô hình tăng trưởng (MHTT) có sự chuyển biến theo hướng tích cực; năng suất lao động tăng đều qua các năm; vai trò của khu vực tư nhân gia tăng... Về mục tiêu, đổi mới MHTT, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, các nghị quyết và các văn bản có liên quan của Đảng, QH và Chính phủ đã xác định 64 chỉ tiêu định tính và định lượng. Đánh giá chung, đến nay có 28,13% mục tiêu dự kiến hoàn thành, 40,63% mục tiêu có khả năng hoàn thành và 31,25% mục tiêu cần các giải pháp thúc đẩy để hoàn thành.
Cùng với đó, tiềm lực tăng trưởng kinh tế được củng cố và khả năng chống chọi với các cú sốc bên ngoài được cải thiện, lạm phát được kiểm soát, tỷ lệ nợ công và áp lực trả nợ hằng năm giảm, khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) phát triển nhanh, lòng tin thị trường được tăng cường.
Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cũng cho biết, kết quả thực hiện đổi mới MHTT vẫn còn nhiều hạn chế, chưa bền vững. Điều đó thể hiện ở MHTT chưa thay đổi bền vững, cấu trúc của nền kinh tế vẫn không thay đổi đáng kể, vẫn dựa vào hai lực lượng chính là kinh tế hộ gia đình (chiếm hơn 33% GDP) và DNNN (32% GDP). Các ngành sản xuất của Việt Nam vẫn nằm ở dưới chuỗi giá trị và chưa có dấu hiệu được cải tiến. Đầu tư chủ yếu được tài trợ không bền vững qua tín dụng ngân hàng, dẫn tới tỷ lệ tín dụng GDP tăng quá nhanh và rủi ro. Nền kinh tế có nguy cơ rơi vào tụt hậu trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Đặc biệt, mức độ phụ thuộc khu vực kinh tế nước ngoài có xu hướng tăng. Nền kinh tế có độ mở cửa cao và không bền vững trong dài hạn, đo bằng tỷ lệ suất nhập khẩu trên GDP, vốn đầu tư khu vực FDI năm 2018 chiếm 23,4% tổng vốn đầu tư xã hội và khoảng 71-72% kim ngạch xuất khẩu (XK).
Tại nghị trường QH, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) đã thẳng thắn nêu quan điểm: thu hút FDI phải đạt được mục tiêu có đóng góp về giá trị gia tăng đối với các sản phẩm XK, tuyệt đối không thể để Việt Nam trở thành nơi “bán giấy phép”, trở thành nơi để DN FDI “ở tạm” nhằm lợi dụng xuất xứ.
Canh cánh nỗi lo mất “sân nhà”
Theo báo cáo của Cục Quản lý Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính đến ngày 20-5, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài là 16,74 tỷ USD, tăng 69,1% so cùng kỳ năm 2018. Trong đó, vốn Trung Quốc đạt hơn hai tỷ USD ở cả ba hợp phần là đăng ký mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của NĐT.
Thực tế, từ năm 2010 trở về trước, dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam khá khiêm tốn. Kể từ năm 2011 trở lại đây, vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam có sự thay đổi đáng kể. FDI của Trung Quốc tại Việt Nam liên tục vươn lên trong vị trí xếp hạng, tăng về quy mô, thay đổi về hình thức, lĩnh vực, mở rộng về địa bàn. Điển hình là từ năm 2015 trở lại đây, cùng với việc Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Trung Quốc thường nằm trong tốp 10 quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam để đón đầu cơ hội thâm nhập thị trường rộng lớn TPP và sau này là thị trường theo Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Dường như Trung Quốc đã dự đoán trước được kết quả cuộc chiến tranh thương mại (CTTM) giữa Trung Quốc và Mỹ. Trong số những quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án (DA) đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc nằm trong tốp đầu về vốn FDI đăng ký mới. Năm 2019, lần đầu tiên ghi nhận vốn FDI đăng ký cấp mới từ Trung Quốc vươn lên dẫn đầu. Trước thực tế nhiều DN Trung Quốc đã và đang đầu tư vào những lĩnh vực, DA mà Việt Nam triển khai, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội chia sẻ, đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức với DN Việt Nam.
Sau khi cuộc CTTM Mỹ - Trung xảy ra, nhiều nước đã chọn Việt Nam làm điểm dừng chân lý tưởng trong chuyển dịch dòng vốn đầu tư. Vẫn biết rằng với những ngành đang cần thu hút FDI, chúng ta buộc phải đẩy mạnh thu hút, qua đó tạo ra giá trị gia tăng cho đất nước. Tuy nhiên, việc dòng vốn Trung Quốc, cũng như vốn FDI vào Việt Nam kỷ lục lại đang tạo thách thức rất lớn cho các DNNVV Việt Nam. Theo đó, DN Việt Nam sẽ phải cạnh tranh giành khách hàng với DN của những nước lớn có trình độ sản xuất chuyên nghiệp ngay tại thị trường trong nước. Chưa kể, các NĐT này có thể biến nền sản xuất của Việt Nam thành nơi trung chuyển để đưa hàng XK qua Mỹ, đe dọa tới uy tín và thương hiệu của DN Việt Nam.
Để giải quyết những hạn chế này, Bộ KH&ĐT đã đưa ra chín nhóm nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục đổi mới MHTT, cơ cấu lại nền kinh tế trong 10 năm tới. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh tới giải pháp cần nghiên cứu sớm ban hành chính sách cắt giảm hợp lý và mạnh mẽ các loại thuế, phí đối với DN, đặc biệt là DNNVV, thuế thu nhập cá nhân đối với lao động chất lượng cao.
Cần sớm thoát ly “căn bệnh thành tích”
Đánh giá cao việc thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển vượt trội, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH bày tỏ băn khoăn rằng, vẫn nhìn thấy sự phát triển không bền vững. 93% tổng số DN của Việt Nam đang hoạt động là DNNVV và siêu nhỏ, có số lao động dưới 20 người. Giai đoạn từ 2009- 2010, kim ngạch XK của DN Việt Nam tương đương khối DN FDI. Đến thời điểm này sau chín năm, FDI vươn lên chiếm hơn 70% trong tổng kim ngạch XK. Tốc độ phát triển của DN FDI rất nhanh, trong khi họ chỉ chiếm số lượng rất nhỏ trong tổng số DN.
Ông Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, đây là bài toán đặt ra, nếu không có chính sách vĩ mô hợp lý, đến một ngày nào đó XK chỉ thuộc về khối DN nước ngoài. Tất nhiên, DN FDI trên lý thuyết vẫn là DN Việt Nam - họ vẫn thương mại ngành sản xuất tại Việt Nam nhưng thực chất giá trị đóng góp cho nền kinh tế, người lao động Việt Nam được hưởng cái gì là bài toán đang đặt ra.
Cùng quan điểm này, PGS,TS Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, trong khi DNNN, DN tư nhân vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thì DN FDI đang “thong dong” đầu tư tại Việt Nam và phát triển nhanh chóng. Tất nhiên, phát triển này có mặt mừng vì họ cũng kinh doanh tại Việt Nam nhưng về lâu dài, Việt Nam không thể “sống nhờ” FDI mãi, chúng ta phải có DN của mình.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, điều đầu tiên cần thoát khỏi trong chiến lược thu hút vốn nước ngoài là “bệnh thành tích”. Chúng ta cần lấy lợi ích thật sự đối với nền kinh tế trong nước làm trọng, từ đó thay đổi cách thu hút FDI.
Mặt khác, ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho rằng, Việt Nam cần phải có những cách thức sàng lọc, tuyển chọn những NĐT có công nghệ cao, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong nước, trong đó ưu tiên các DN có khả năng kết nối được với DN trong nước để làm công nghiệp phụ trợ, hợp tác làm ăn với DN trong nước. Việt Nam đón FDI phải chọn lọc chứ không phải tiếp nhận mọi thứ. Để làm được điều này, chính sách thu hút FDI cần xem lại để không ưu đãi quá nhiều cho DN FDI, khiến các DN trong nước khó cạnh tranh, không thể vươn lên.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc thẳng thắn nêu rõ, thúc đẩy phát triển KTTN không thể tách rời khỏi các chính sách tái cấu trúc khu vực DN Nhà nước và thu hút chọn lọc các DN FDI. Trong đó, thu hút FDI cần xây dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp để định hướng làn sóng FDI mới phù hợp yêu cầu của đất nước và không chèn lấn sự phát triển của khu vực KTTN trong nước. Cùng với đó là vận động, khuyến khích các DN FDI hỗ trợ nâng cao năng lực các DNNVV và liên kết với khu vực KTTN trong nước.