Theo đó, sau khi nghe lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, ý kiến của các Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, cơ quan dự họp, Thường trực Chính phủ có ý kiến kết luận như sau:
Đánh giá cao việc xây dựng, chuẩn bị Đề án “Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030”; việc xây dựng, hoàn thiện Đề án về cơ bản đã thể hiện đúng chủ trương, định hướng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Chính phủ về công tác hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030.
Đồng ý đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc lồng ghép nội dung Đề án “Đẩy mạnh thu hút và nâng cao hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài trong tình hình mới” vào Đề án “Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030”.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu tối đa ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, ngành tại cuộc họp để tiếp tục hoàn thiện Đề án bảo đảm rõ ràng, dễ hiểu, dễ triển khai, dễ kiểm tra, giám sát, đôn đốc quá trình thực hiện. Trong đó, tập trung vào một số nội dung lớn như sau:
Tiếp tục cập nhật vào Đề án chủ trương, đường lối về hợp tác đầu tư nước ngoài đã được nêu tại văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam; những vấn đề mới phát sinh từ sau Đại hội Đảng và những diễn biến mới của tình hình trong nước, quốc tế có ảnh hưởng lớn đến hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Về mục tiêu cần thể hiện rõ hơn yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả toàn diện của công tác thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Về quan điểm cần thể hiện rõ hơn yêu cầu: 1) Xây dựng, phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn liền với hội nhập kinh tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; 2) Thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá, hài hòa giữa thu hút nhà đầu tư lớn và các nhà đầu tư nhỏ, ưu tiên việc kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thu hút đầu tư xanh, công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ phụ trợ, phương pháp quản lý tiên tiến; 3) Đầu tư nước ngoài góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng trưởng kinh tế gắn với tạo việc làm, sinh kế cho người lao động; 4) Đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của nhà đầu tư với lợi ích Nhà nước và Nhân dân trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; 5) Phát triển hàm lượng giá trị gia tăng trong nước, gắn liền việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa; 6) Khắc phục cơ bản những hạn chế, yếu kém đồng thời phát huy các ưu điểm trong quá trình thu hút đầu tư nước ngoài.
Về nhiệm vụ giải pháp:
Bảo đảm môi trường thể chế, pháp lý ổn định, thống nhất, đồng bộ và ngày càng hoàn thiện thích ứng kịp thời với các vấn đề mới, xử lý được các bất cập để nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư nước ngoài, tăng tỷ lệ nội địa hóa; (ii) Ưu tiên cho những lĩnh vực phát triển bền vững, phát triển xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục, môi trường..); (iii) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giáo dục, đào tạo dạy nghề, nâng cao nhận thức của người lao động; (iv) Phát triển các hệ sinh thái phù hợp, hiệu quả về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp để tạo nền tảng thu hút, phát triển các ngành công nghệ cao; (v) Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư thực chất, hiệu quả, tránh hình thức, phô trương; (vi) Nâng cao nhận thức, thống nhất trong các cấp chính quyền, nhất là người đứng đầu; (vii) Lưu ý các vấn đề phòng tránh, xử lý về tranh chấp pháp lý; (viii) Nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư nước ngoài ngày càng chặt chẽ, hiệu quả; (viii) Đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi thuận lợi giải quyết thủ tục hành chính nhanh nhất, hiệu quả nhất có thể cho các nhà đầu tư; thường xuyên lắng nghe ý kiến, góp ý của các nhà đầu tư để không ngừng hoàn thiện quy trình đầu tư thông thoáng nhưng kiểm soát được thông qua các công cụ pháp luật./.
Quỳnh Anh