27/04/2024 lúc 14:10 (GMT+7)
Breaking News

Tăng cường hỗ trợ địa phương kết nối, chuyển giao công nghệ

Bộ Khoa học và Công nghệ đã hướng dẫn các địa phương đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất đối với một số ngành chủ lực, mũi nhọn của một số địa phương; hỗ trợ vận hành, khai thác hiệu quả 13 điểm kết nối cung, cầu công nghệ trên cả nước; đồng thời, hỗ trợ địa phương trong việc thúc đẩy hoạt động tìm kiếm, kết nối, chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam.

Trong thời đại công nghệ 4.0 đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được xác định là nền tảng để đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ, thương mại hóa và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ (KHCN) hiện đại, lành mạnh hóa thị trường KHCN và môi trường kinh doanh ở Việt Nam sẽ góp phần nâng cao năng lực công nghệ của quốc gia và doanh nghiệp.
Những kết quả đạt được của các Trung tâm Ứng dụng KH&CN đã góp phần tích cực trong việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; là cầu nối quan trọng tạo sự liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp để chuyển hóa các kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn sản xuất kinh doanh ở địa phương.
Năm 2023, trên cơ sở đề xuất đặt hàng từ địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xác định và tổng hợp được danh mục hàng trăm nhu cầu công nghệ, sản phẩm công nghệ nước ngoài mà các địa phương có nhu cầu chuyển giao về nước. Văn phòng của bộ phận đại diện khoa học và công nghệ ở nước ngoài tại các quốc gia tích cực liên hệ với các đối tác, tìm kiếm công nghệ phù hợp với đề xuất.

Nhiều thông tin về công nghệ, thiết bị, dây chuyền máy móc và thông tin về doanh nghiệp sở hữu công nghệ đã được thu thập, báo cáo và cung cấp về cho các địa phương thông qua đầu mối là Sở khoa học và công nghệ.

Nhiều Sở khoa học và công nghệ như Hải Phòng, Thái Nguyên, Quảng Nam, Gia Lai… đã bám sát nhu cầu của doanh nghiệp tại địa phương, đồng hành cùng doanh nghiệp, tích cực phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế thúc đẩy kết nối, chuyển giao công nghệ tiên tiến từ nước ngoài về nước.

Thí dụ, tại sự kiện “Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam” tổ chức tại Quảng Ninh trong năm 2023, đã xác định được 200 nhu cầu ứng dụng, cải tiến, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp; tiếp nhận 175 nguồn cung công nghệ vào cơ sở dữ liệu nguồn cung công nghệ; trình diễn 460 công nghệ, sản phẩm công nghệ, thiết bị máy móc…

Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, hoạt động chuyển giao, làm chủ và hấp thụ công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam đã từng bước rút ngắn khoảng cách về trình độ công nghệ so với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, góp phần cơ cấu lại các ngành kinh tế phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó một số ngành có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và tăng cường bảo đảm an ninh-quốc phòng.

Bên cạnh đó, nhiều văn bản liên quan đến các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ được ban hành nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khoa học và công nghệ sản xuất, kinh doanh, như: Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 của Chính phủ; Kết luận số 50-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học, công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Đề án thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2030; các chương trình nghiên cứu hợp tác song phương, đa phương; chính sách thu hút đối với nhà khoa học, chuyên gia giỏi, trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài…
Các địa phương cũng đã quan tâm, ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ, thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ, nhất là công nghệ tiên tiến từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên tại địa phương.

Theo số liệu các địa phương, năm 2023, có khoảng 30 nhiệm vụ khoa học-công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ được triển khai, 37 doanh nghiệp được hỗ trợ ứng dụng, đổi mới công nghệ, 67 doanh nghiệp được chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng.
 Để thúc đẩy hoạt động chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ, đến nay, đã có hơn 40 địa phương tiến hành nghiên cứu, lập kế hoạch, xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất đối với một số ngành chủ lực, mũi nhọn của một số địa phương như:

Sơn La đã nghiên cứu, xây dựng Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ trong lĩnh vực chế biến thực phẩm;

Gia Lai, Đồng Nai, Hải Phòng đã phối hợp đoàn khảo sát của Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức các đoàn khảo sát doanh nghiệp để trực tiếp nắm bắt thực trạng và nhu cầu cải tiến, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp trên địa bàn, qua đó đã xác định được hơn 20 nhu cầu cải tiến, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, nhất là ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong phát triển sản phẩm trọng điểm, chủ lực của địa phương và vùng; đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong các dự án đầu tư, chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, có giải pháp cụ thể khuyến khích hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và nhân dân.

 

Vũ Nhật