27/11/2024 lúc 14:39 (GMT+7)
Breaking News

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế

Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh nhiệm vụ: “Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ am hiểu sâu về luật pháp quốc tế, thương mại, đầu tư quốc tế, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế”(1). Để quán triệt và tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ này, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu thời kỳ chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh nhiệm vụ: “Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ am hiểu sâu về luật pháp quốc tế, thương mại, đầu tư quốc tế, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế”(1). Để quán triệt và tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ này, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu thời kỳ chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Liên hợp quốc
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc trình Thư ủy nhiệm của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lên Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres _Ảnh: TTXVN

Thực tiễn hội nhập quốc tế của Việt Nam

Thực hiện đường lối hội nhập quốc tế sâu rộng của Đảng, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong nhiều lĩnh vực, như kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh,... Tính tới năm 2020, “Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc; thiết lập được khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược, toàn diện, tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam cùng các nước nâng tầm hợp tác vì lợi ích của mỗi nước và vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới”(2).

Việt Nam đã ký kết, tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - Liên minh châu Âu (PCA), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP...); chủ động tham gia tích cực, thể hiện rõ vai trò là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế với nhiều sáng kiến, hoạt động tích cực tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế, như ASEAN, ASEM, APEC, WTO, Liên hợp quốc,... và nhiều tổ chức quốc tế khác. Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận, giao phó nhiều trọng trách trong các tổ chức và diễn đàn quốc tế, như thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, Chủ tịch ASEAN năm 2020, APEC năm 2017, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về ASEAN năm 2018. Trong thời gian tới, với tư cách là thành viên của 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA..., Việt Nam sẽ có thêm cơ hội mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, phát triển khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, cải thiện cơ sở hạ tầng và cải cách thể chế...

Tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước đạt được kết quả bước đầu rất đáng khích lệ, thu hút nhiều nguồn lực từ bên ngoài để phát triển đất nước. Hội nhập quốc tế tạo ra môi trường thực tế để rèn luyện đội ngũ cán bộ; từ đó, đã xuất hiện nhiều cán bộ năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh trước xu thế hội nhập, có khả năng làm việc hiệu quả trong môi trường quốc tế.

Yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế

Môi trường quốc tế bao hàm nhiều góc độ, lĩnh vực, phản ánh các mối quan hệ đan xen, tương tác đa chiều giữa cá nhân, tổ chức, quốc gia, lãnh thổ trên toàn cầu theo hình thức song phương, đa phương. Môi trường quốc tế liên quan tới mọi lĩnh vực đời sống quốc gia và quốc tế, như pháp luật, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, môi trường,... Môi trường quốc tế thể hiện quan hệ lợi ích đan xen, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, đan xen lợi ích chung - riêng. Để thích ứng và bao quát đầy đủ các hoạt động này, cần có đội ngũ cán bộ tinh thông nghiệp vụ, đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Trước hết, Việt Nam cần trang bị cho đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm chắc và vận dụng hiệu quả quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào hoạt động quốc tế. Hơn nữa, cần đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về năng lực quan trọng, như kiến thức chuyên môn ngành nghề, pháp luật và thông lệ quốc tế, nền tảng văn hóa dân tộc và quốc tế, các kỹ năng mềm cần thiết và công cụ giao tiếp chuyên môn, như ngoại ngữ, tin học(3).

Khả năng làm việc trong môi trường quốc tế của người cán bộ bao gồm các yếu tố thuộc về phẩm chất, trình độ, kỹ năng cần thiết giúp cán bộ chủ động, hoàn thành nhiệm vụ được giao khi làm việc với cá nhân, tổ chức ở các quốc gia, các định chế quốc tế nhằm xử lý hài hòa các mối quan hệ về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trên cơ sở lợi ích quốc gia - dân tộc, phù hợp với luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế; từ đó, những nội dung này đặt ra nhiều yêu cầu đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế trong tình hình mới. Xét từ góc độ thực tiễn, chất lượng đội ngũ cán bộ hiện nay còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. “Nhiều cán bộ thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn nhiều hạn chế”(4). Xét về định hướng tương lai, mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là nhằm nâng cao khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; trong đó, chú trọng đổi mới nội dung, hình thức đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu về nghiệp vụ chuyên môn (kiến thức), kỹ năng hành nghề (kỹ năng cứng và mềm), thái độ, trách nhiệm công tác. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ phải thành thạo ngoại ngữ và các phần mềm tin học chuyên ngành.

Từ những đòi hỏi trên, việc chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn, tinh thông về nghiệp vụ, có ý thức và thái độ cao để làm việc hiệu quả, chuyên nghiệp là yêu cầu cấp bách và cần thiết; vừa để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong đội ngũ cán bộ hiện nay, vừa để hướng tới những mục tiêu chiến lược trong bối cảnh đất nước đang chủ động, tích cực hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế

Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, cấp ủy, tổ chức đảng và hệ thống chính trị các cấp cần thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc, toàn diện, đầy đủ các quan điểm, đường lối của Đảng về hội nhập quốc tế.

Đảng ta khẳng định rằng, “hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước”(5). Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả vì lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia”(6). Đây là những chủ trương, định hướng cơ bản của Đảng ta về hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương tới địa phương cần quán triệt và tổ chức triển khai bằng những chương trình, kế hoạch hành động cụ thể.

Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, đã xác định các chỉ tiêu: Đến năm 2030 phải có từ 40% - 50% cán bộ cấp chiến lược; 50% - 60% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tổng cục, cục, vụ, phòng và tương đương; 20% - 30% cán bộ lãnh đạo, chỉ huy quân đội, công an; 25% - 35% cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương; 70% - 80% cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Đây là một nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Để hiện thực hóa nhiệm vụ này, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp hiệu quả của các ban, bộ, ngành, địa phương trong xây dựng chiến lược, chuẩn bị nguồn cán bộ và điều kiện hỗ trợ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian tới.

Thứ hai, đẩy mạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ.

Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phải thực sự thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, coi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”(7). Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng Đảng, là giải pháp quan trọng hàng đầu để xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay. Do đó, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong xây dựng chương trình, kế hoạch, nguồn lực cho đào tạo, bồi dưỡng chất lượng, phù hợp với từng đối tượng cán bộ; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết, quy định, chỉ thị, kết luận của Trung ương về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; đặc biệt là, “Tiếp tục triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có lý tưởng cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”(8).

Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức tự học tập, rèn luyện, tu dưỡng của cán bộ, đảng viên; mỗi cán bộ, đảng viên phải chuyển hóa nhận thức đó thành những chương trình hành động thiết thực, cụ thể trong việc học tập nâng cao trình độ, kỹ năng đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng; kiên quyết khắc phục tình trạng có động cơ học tập không đúng đắn, tình trạng lười học, học qua loa, đối phó để lấy bằng cấp, mà không vì mục đích nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn, năng lực lãnh đạo, quản lý.

Thứ ba, phát huy trách nhiệm của hệ thống chính trị trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Các ban, bộ, ngành các cấp, đơn vị địa phương cần quán triệt, triển khai thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để chọn cử cán bộ phù hợp tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh, khung năng lực, vị trí việc làm; đặc biệt, cần xây dựng khung năng lực cho đội ngũ cán bộ làm việc trong môi trường quốc tế. Trên cơ sở đó, các cơ quan, tổ chức các cấp xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp với từng đơn vị, địa phương, lĩnh vực cụ thể.

Đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ quan quản lý, đơn vị sử dụng cán bộ trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của cơ quan, đơn vị mình. Cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ cần chủ động làm tốt việc rà soát đội ngũ cán bộ và quy hoạch cán bộ; gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng cán bộ; có cơ chế khuyến khích cán bộ tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp; cụ thể hóa quyền và trách nhiệm của cán bộ trong việc lựa chọn chương trình, địa điểm và thời gian tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với vị trí công tác.

Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng những cán bộ trẻ có tiềm năng, nhất là thông qua rèn luyện trong thực tế; mạnh dạn giao việc, cử cán bộ tham gia các nhiệm vụ liên quan trong hợp tác quốc tế, tạo cơ hội để đội ngũ cán bộ được rèn luyện bản lĩnh, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và ngoại ngữ, tích lũy kinh nghiệm làm việc trong môi trường quốc tế.

Tiếp tục phát huy vai trò của cơ quan tham mưu của cấp ủy và các cơ quan của hệ thống chính trị trong việc xây dựng các chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tập trung nghiên cứu, tham mưu, hoàn thiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh ở trong nước và nước ngoài. Nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng phải bảo đảm hài hòa tri thức khoa học chuyên môn, kiến thức lãnh đạo, quản lý và kỹ năng cần thiết để giải quyết tốt các vấn đề thực tiễn đặt ra, chú trọng kỹ năng xử lý tình huống trong môi trường quốc tế.

Thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan, các bộ, ban, ngành, địa phương nhằm thực hiện hiệu quả các chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong nước và đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài. Xác định nhu cầu, xây dựng kế hoạch, tổ chức chiêu sinh, cử cán bộ đi học, tổ chức lớp học, quản lý, kiểm tra, giám sát, đánh giá trước, trong và sau quá trình đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm đúng đối tượng, tiêu chuẩn. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, góp phần nâng cao chất lượng và đưa công tác này ngày càng đi vào nền nếp, kỷ cương.

Thứ tư, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng (trường, học viện, viện, trung tâm) trong cả nước cần chủ động, tích cực tổ chức biên soạn các chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng đối tượng, gắn với chức danh và vị trí việc làm, bảo đảm tính thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, hài hòa giữa lý thuyết và thực hành. Quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, bao gồm các trường, viện thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, hệ thống trường đảng từ Trung ương tới cơ sở; các học viện, trường, trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên đào tạo, bồi dưỡng với cơ cấu hợp lý, có trình độ, am hiểu hội nhập quốc tế và kinh nghiệm thực tiễn; tăng cường xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng, báo cáo viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý có nhiều kinh nghiệm, các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Nghiên cứu, lựa chọn đối tác có uy tín về đào tạo, bồi dưỡng trên thế giới để gửi cán bộ Việt Nam sang đào tạo, học hỏi, tiếp cận với những tri thức, kỹ năng tiên tiến thế giới. Nghiên cứu, áp dụng một cách phù hợp các tiêu chuẩn quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở trong nước. Mở rộng mạng lưới hợp tác khoa học, giáo dục để tạo cơ hội cho cán bộ Việt Nam tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, hội thảo, tọa đàm, trao đổi học thuật, chuyên môn, giúp cán bộ có điều kiện trưởng thành, tích lũy kiến thức, kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế. Hơn nữa, cần xây dựng cơ chế thu hút các nguồn tài trợ từ các nước, tổ chức quốc tế nhằm phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Thứ năm, rà soát, hoàn thiện về cơ chế, chính sách đối với cán bộ tham gia đào tạo, bồi dưỡng.

Tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ tham gia đào tạo, bồi dưỡng. Trước hết, cần quan tâm chế độ, chính sách đối với cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số và ở vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, cán bộ trẻ có tiềm năng phát triển. Cần xây dựng chính sách tạo nguồn nhân lực trẻ từ sinh viên các trường đại học trong nước và ở nước ngoài để chuẩn bị cho việc đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận, đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế trong thời gian tới.

Đổi mới chế độ, chính sách để tạo động lực cho cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với vị trí việc làm. Xây dựng các chính sách khuyến khích cán bộ đi học ngắn hạn và dài hạn, gắn với quyền lợi và nghĩa vụ; xây dựng chế độ thu hút, khuyến khích bằng vật chất (tiền lương, thưởng, ưu tiên...) đối với những cán bộ năng động, có khả năng làm việc quốc tế, như cán bộ tốt nghiệp ở nước ngoài, có kinh nghiệm làm việc trong môi trường quốc tế, cán bộ thành thạo tin học, ngoại ngữ chuyên ngành...

Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về việc cử cán bộ trẻ đi làm việc, công tác tại các định chế quốc tế, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, nhằm góp phần hình thành, phát triển đội ngũ chuyên gia, cán bộ chuyên sâu đối với từng ngành, lĩnh vực.

Nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý tài chính, đa dạng hóa các nguồn lực tài chính cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đổi mới cơ chế phân bổ và quản lý, sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với tình hình thực tế. Bố trí đủ kinh phí để thực hiện có hiệu quả các chế độ đào tạo, bồi dưỡng theo quy định; trong đó, đặc biệt quan tâm kinh phí cho đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài theo đúng đối tượng cán bộ, công chức, phù hợp nội dung theo yêu cầu./.

HOÀNG ĐĂNG QUANG - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương

---------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 135 - 136
(2) Phạm Bình Minh: “Ngoại giao Việt Nam: 75 năm đồng hành cùng dân tộc, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”, http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Ngoai-giao-Viet-Nam-75-nam-dong-hanh-cung-dan-toc-phung-su-To-quoc-phung-su-nhan-dan/405403.vgp, ngày 27-8-2020
(3) Xem: Vũ Thanh Sơn: “Đào tạo đội ngũ cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế”, Tạp chí Xây dựng Đảng, số 1+2, 2020, tr. 63 - 67
(4) Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Họi nghị Trung ương 7 khóa XII, “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-xii/nghi-quyet-so-26-nqtw-ngay-1952018-hoi-nghi-lan-thu-bay-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xii-ve-tap-trung-xay-dung-doi-374
(5) Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10-4-2013, của Bộ Chính trị, “Về hội nhập quốc tế”, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-22-nqtw-ngay-1042013-cua-bo-chinh-tri-ve-hoi-nhap-quoc-te-264
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 164
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 309
(8) Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/ket-luan-so-21-kltw-ngay-25102021-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-ve-day-manh-xay-dung-chinh-don-dang-va-he-thong-chinh-tri-7920