27/11/2024 lúc 23:19 (GMT+7)
Breaking News

Suy nghĩ về tiêu cực thi cử ở Việt Nam

VNHN - Vụ việc tiêu cực thi tốt nghiệp THPT năm 2018 ở một số địa phương đã gây ra cú sốc lớn trong toàn xã hội vì hành vi gian lận của những người được giao tổ chức, quản lý và giám sát kỳ thi.

VNHN - Vụ việc tiêu cực thi tốt nghiệp THPT năm 2018 ở một số địa phương đã gây ra cú sốc lớn trong toàn xã hội vì hành vi gian lận của những người được giao tổ chức, quản lý và giám sát kỳ thi.   

Những người đó là ai cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ và chắc chắn một ngày những kẻ tham gia vào việc gian lận này sẽ bị trả giá. Nhưng hậu quả để lại của một nền giáo dục "phi trung thực" vô cùng lớn. Nó không chỉ ảnh hưởng đến chính sách phát triển nguồn nhân lực tài năng cho đất nước mà còn ảnh hưởng đến việc hình thành người công dân tương lai sống có đạo đức, tôn trọng luật pháp, lẽ phải, có trách nhiệm với dân tộc.

Vụ việc gian lận điểm thi còn đánh thẳng vào niềm tin của xã hội đối với nền giáo dục mà nhiều năm nhân dân và Đảng ta chăm lo vun đắp với mục tiêu chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế. Không những thế, qua vụ việc này, sự mất công bằng trong giáo dục đã ảnh hưởng nghiêm trọng. Những cá nhân có lợi thế là gia đình giàu có, con cái quan chức địa phương hưởng lợi bất chính bằng con đường hối lộ, tham nhũng diễn ra dưới nhiều hình thức, trong khi một bộ phận con nhà nghèo không có tiền bạc và thiếu các mối quan hệ ngay cả học khá giỏi vẫn có thể bị gạt ra bên lề nguyện vọng, mơ ước của mình.

Thử hỏi nếu những thí sinh được nâng điểm để vào đại học không phải bằng năng lực của mình, một mai khi ra trường có quên đi lịch sử nhục nhã của việc gian lận để vượt mặt bạn bè thuở áo trắng? Và một khi trở thành những công chức, viên chức, rất khó để nói rằng những người này sẽ là con người tử tế một khi có chức có quyền. “Vào đời” bằng mua bán thì sự ra đời khó thoát khỏi hành vi… bán mua.

Về bản chất sự việc nâng điểm, gian lận có tổ chức phải coi là hành vi tham nhũng có tổ chức lợi dụng chức quyền, tiền bạc và có các mối quan hệ để làm sai lệch điểm thi. Qua vụ việc gian lận này, dư luận lại gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với ngành giáo dục và toàn xã hội về cuộc chiến chống tham nhũng do Đảng và Nhà nước đang chỉ đạo quyết liệt để loại trừ ra khỏi đời sống xã hội những kẻ có chức, có quyền suy thoái biến chất. Như vậy, có thể xem việc loại trừ tiêu cực trong giáo dục có thể xem là bước cơ bản cho trận chiến dài lâu chống tham nhũng, tiêu cực trong xã hội ta. Một xã hội trong sạch chỉ có thể được xây dựng trên nền tảng giáo dục vững chắc - ở đó những giá trị, chuẩn mực đạo đức của xã hội được duy trì và phát triển.

Nhà nghiên cứu Shahnaz Karim - Transparency in education, UNESCO đã từng viết: “Không một lĩnh vực công nào để nhằm cải thiện bộ máy hành chính (quản trị quốc gia) và hạn chế các hiện tượng tham nhũng có thể đạt được kết quả đáng kể nếu tham nhũng trong giáo dục không bị loại bỏ... vì giáo dục là lĩnh vực công lớn nhất về phương diện con người và nguồn tài chính".

Vì thế, có thể nói chống tiêu cực trong thi cử không chỉ có ý nghĩa làm lành mạnh hóa nền giáo dục mà còn làm xã hội tốt đẹp hơn, tạo ra nhiều công dân tốt hơn và chuẩn mực hơn.

Chỉ khi con người được đo lường và đánh giá chính xác, khách quan và công bằng thì mới có thể tạo động lực cho nhân tài phát triển và góp phần lành mạnh hóa thị trường lao động (cả công và tư). Việc quy hoạch, tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ trong bộ máy công quyền sẽ gắn chặt với tài năng và năng lực thực tế. Bằng cấp của một trình độ sẽ tạo nên niềm tin trong xã hội và sẽ mang giá trị ấy suốt cuộc đời.

Trong thực tế, cuộc chiến chống tham nhũng trong xã hội đã đạt được những bước tiến quan trọng, nhưng xem ra với lĩnh vực giáo dục thực tế chưa được nhấn mạnh là vai trò hàng đầu. Giáo dục chưa phải là khâu đột phá và bàn đạp tấn công vào hành vi tham nhũng trong xã hội còn e dè, phần nào thiếu quyết liệt do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố văn hóa, thói quen, nếp nghĩ cũng như điều kiện kinh tế, chính trị lúc đó.

Nhớ lại từ năm 2006, nếu toàn xã hội quyết tâm, ủng hộ cùng vào cuộc để chiến đấu với tệ nạn thiếu trung thực trong giáo dục do ngành giáo dục khởi xướng, thì nước ta chắc chắn đã có bước tiến dài trong công cuộc chống tiêu cực, tham nhũng trong giáo dục nói riêng và toàn xã hội nói chung. Như vậy, chúng ta chẳng gặp lại những vụ việc scandal ở vài địa phương như kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018 để mang ra mổ xẻ, phê phán như ngày hôm nay. Giá mà làm được điều đó, chắc hẳn nền giáo dục lấy lại niềm tin và sẽ giúp cho một số cán bộ không bị pháp luật trừng phạt, đồng thời những sinh viên lỡ được nâng điểm sẽ đứng thẳng bằng đôi chân của chính mình.