VNHN - Vào một sáng cuối xuân năm 1994, tôi cùng một số anh em đi tìm đất xây nhà nghỉ cho báo. Đang ngó nghiêng ở ven hồ Đại Lải (thuộc tỉnh Vĩnh Phúc bây giờ) thì nhận được điện thoại của chị Dung, thường trực cơ quan qua chiếc điện thoại di động to như cục gạch hiệu Motorola. Anh Xuân Nam (Tổng biên tập khi ấy) bảo anh phải về tòa soạn ngay. Vậy là chuyện đã xẩy ra rồi!
Sở dĩ tôi biết được việc gì đã xẩy ra vì trước đó mấy ngày, tin từ Ban đại diện của báo ở TPHCM cho biết, Công an Thành phố đang chuẩn bị khởi tố báo Tiền Phong. Bài báo "Ổng biến xe công thành xe tư như thế nào" đã làm lãnh đạo công an thành phố nổi giận. Bài báo đề cập đến việc một phó giám đốc sở công an đã lấy chiếc xe mô tô phân khối lớn vừa mua gần 30 triệu đồng trang bị cho lực lượng cảnh sát để đăng ký tên mình.
10 giờ tôi về đến tòa soạn. Tổng biên tập (TBT) triệu tập ngay cuộc họp của Ban biên tập và tác giả bài báo. Ban biên tập khi ấy còn có đồng chí Nguyễn Văn Minh (Phó TBT phục trách tờ chuyên đề và khối hành chính- kế toán). Họp thông trưa luôn để rà soát, kiểm tra lại và bàn biện pháp ứng phó. Cuộc họp vẫn nhất trí là vấn đề bài báo đưa ra là cần thiết và tài liệu mà phóng viên dựa vào là chính xác. Nhưng đúng thôi vẫn chưa đủ, cần có hàng loạt biện pháp tiếp theo.
Chúng tôi giao cho Xuân Ba - tác giả bài báo phô tô nhiều bộ tài liệu để lưu giữ ở nhiều nơi, đề phòng bị mất mà mất hết tài liệu đồng nghĩa với thất bại và có thể vào nhà đá. Trót đụng đến những người có "nghề" hơn mình thì không đùa được. Hôm sau, báo gửi nhiều bộ tài liệu cùng với giải trình của báo tới văn phòng các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ban Tư tưởng - văn hóa T.Ư, Bộ Văn hóa - Thông tin và Ban Bí thư T.Ư Đoàn, hy vọng thông tin sẽ đến các đồng chí lãnh đạo sớm và đầy đủ.
Thông thường, với những bài báo đấu tranh chống tiêu cực, bài đầu tiên chúng tôi chỉ tung ra một số chứng cứ, số liệu, chờ phản ứng từ phía bên kia rồi viết tiếp. Nhưng lần này thì không được, nếu chậm, có thể sẽ không được đăng tiếp nên quyết định viết bài tung hết tài liệu có thể để bạn đọc và công luận có đủ thông tin cần thiết sẽ hiểu và đồng cảm với chúng tôi hơn vấn đề lại khá phức tạp nhất là khi đụng đến ngành công an nên cần sớm thành lập Hội đồng tư vấn pháp lý...
Tôi không còn nhớ đầy đủ nội dung quyết định khởi tố, nhưng đại thể "tội" của Tiền Phong là "lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức...". Quyết định khởi tố báo Tiền Phong làm xôn xao dư luận làng báo cả nước vì chưa từng có tiền lệ, gây sóng gió không phải chỉ ngoài công luận mà ngay cả trong báo Tiền Phong.
Hai cơ quan Thông tấn và báo chí nước ngoài có thường trú tại Việt Nam đã gọi điện trực tiếp cho tôi đề nghị xác nhận thông tin trên và vì sao? Tôi biết là lúc này mà dính vào mấy ông báo chí nước ngoài có khi rắc rối nên tôi thoái thác là đang đi công tác xa nên chưa có thông tin.
Đồng chí TBT đã tổ chức cuộc họp toàn cơ quan để trấn an anh chị em, thông tin đầy đủ về vụ việc, các biện pháp giải quyết, mong mọi người yên tâm và động viên tác giả bài báo đang rất lo lắng.
Ba ngày sau, Hội đồng tư vấn pháp lý họp buổi đầu tiên. Anh Đinh Văn Nam (Nguyên TBT báo đã về hưu mấy năm nhưng vẫn được mời lại để giúp đỡ cánh trẻ chúng tôi) đã mời một số chuyên gia cao cấp về pháp lý, trong đó có cả những đồng chí là lãnh đạo Viện KSNDTC, TANDTC và Hội Luật gia Hà Nội. Chúng tôi cung cấp tài liệu và báo cáo chi tiết vụ việc.
Các chuyên gia đều thống nhất việc bài báo nêu là cần thiết và đúng luật, nhưng lưu ý quá trình xử lý phải cần mềm mại...
Sự đồng thuận và khích lệ của Hội đồng tư vấn đã giúp chúng tôi yên tâm, tự tin hơn khi tiếp đoàn điều tra của Công an Thành phố tại tòa soạn 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội sau khi có quyết định khởi tố gần một tuần. Đoàn gồm 3 điều tra viên của CATP và một kiểm sát viên của Viện KSNDTP.
Trước khi đoàn đến, tôi trao đổi với đồng chí TBT tình hình chưa biết thế nào, ông nên né đi để tôi làm việc với đoàn, hàng ngày có gì cần thiết tôi sẽ báo cáo lại, hôm nào xong ông đến chào anh em là được. Cần thống nhất là thời gian qua ông đi công tác nên tôi trực tiếp chỉ đạo và cho đăng bài báo này. Vì nếu tôi có "bị gì" thì còn ông, nếu 2 thằng "bị" cả thì sẽ rất khó khăn cho cơ quan.
Với Xuân Ba tôi bảo, mày lánh đi ít ngày, coi như đi công tác miền Trung, ở nhà mọi người sẽ cố gắng giải quyết. Trước lo lắng của Xuân Ba, tôi phải nói cứng: "Cứ yên tâm đi, cùng lắm tao và mày cùng vào khám Chí Hòa chứ gì...". Nói vậy thôi chứ tôi cũng rất lo.
Tiền Phong đã từng giúp đỡ, giải oan cho nhiều số phận nhưng cũng có không ít người biết bị oan đấy nhưng không sao giải được. Lần này liệu Tiền Phong có tự bảo vệ mình được không?
Và rồi còn vợ con, gia đình? Con Xuân Ba còn nhỏ, vợ lại công tác xa. Sau này nghe Xuân Ba kể lại mới biết những ngày đó Xuân Ba về quê ít ngày, rồi đi tìm kết nối những người có thể giúp đỡ mình. Chúng tôi luôn xác định, trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực (khi ấy từ tham nhũng chưa được dùng nhiều như bây giờ) thì các phóng viên là chiến sĩ ngoài tiền tuyến rất cần có một hậu phương vững chắc, tin cậy thì mới yên tâm chiến đấu. Gia đình và nhất là những người lãnh đạo báo phải là chỗ dựa cho anh em.
Tôi và Ngọc Nam (sau này cũng là Phó TBT của báo) tiếp đoàn điều tra của thành phố gần 1 tuần, yêu cầu đầu tiên của họ là gặp tác giả bài báo, tôi bảo tác giả đang đi công tác miền Trung, vì sao biết có quyết định khởi tố mà vẫn cho đi công tác? Phóng viên đi công tác từ trước khi có quyết định khởi tố - yêu cầu cho xem sổ văn thư có ghi số giấy công tác và ngày đi - khớp cả (rất may là chúng tôi đã có thời gian để chuẩn bị) - yêu cầu gọi phóng viên về làm việc.
Quả là sự phòng xa không thừa, sau đó tôi còn nghe kể lại là những ngày Xuân Ba lánh nạn, có người lạ quanh quẩn gần nhà, thỉnh thoảng lại hỏi Xuân Ba về chưa?...Nếu tổ công tác gặp được Xuân Ba thì không biết điều gì sẽ xảy ra. Biết đâu trong túi họ đã có sẵn quyết định khởi tố bị can và quyết định bắt tạm giam...? Khi ấy việc bảo vệ phóng viên và cả tờ báo sẽ vô cùng gian nan.
Trong gần một tuần làm việc, các câu hỏi chỉ xoay quanh động cơ viết bài, tài liệu có chính xác? Quy trình để một bài báo được đăng, phóng viên này là người thế nào, ai chỉ đạo, ai duyệt bài...? Tất cả đã được trả lời rõ ràng, suôn sẻ. Điều tôi rất lo nếu bị hỏi, đã không xảy ra: ai cung cấp tài liệu? Vì Viện KSNDTP có quyền yêu cầu tác giả bài báo hoặc báo Tiền Phong phải cung cấp nguồn tin, trong khi bí mật nguồn tin là nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo. Nếu không có nguồn tin thì báo chí chẳng thể làm gì, nhất là trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực. Nếu lần này mà lộ nguồn tin, thì lần sau ai dám cung cấp tin cho mình?
Sau những chất vấn có tính đe nẹt, có lúc tôi đã nổi cáu, nói khá gay gắt, đem cả ý kiến Hội đồng tư vấn chọi lại. Chiều về Ngọc Nam nhắc tôi: Hôm nay anh quyết liệt quá. Cũng phải thế chứ, có câu "mềm nắn, rắn buông" mà, mình đúng mình không sợ... Nói thế thôi chứ qua tiếp xúc, qua thái độ của tổ công tác, tôi cũng hiểu rằng nhiệm vụ giao thì họ phải làm thôi, chứ chẳng tư thù, muốn gây khó dễ cho Tiền Phong làm gì.
Rồi thì cuộc điều tra cũng đến lúc kết thúc. Đồng chí TBT đến cảm ơn và mời cơm, song cả đoàn từ chối. Chúng tôi chia tay nhau tuy không vui vẻ nhưng thân thiện.
Cũng khoảng hơn tuần nữa, một đồng chí lãnh đạo cấp trên nói nhỏ: Đang có cuộc họp của Bộ Chính trị, các cậu tranh thủ gặp anh Hai đi. Chúng tôi đăng ký gặp và được chấp nhận. Sau khi nghe đồng chí tổng biên tập trình bày về sự việc, đồng chí Bí thư Thành ủy có vẻ không vui, nhưng cũng chỉ nhắc nhở: Đây là chuyện nội bộ... các cậu phải cẩn thận... (tôi xin không dùng nguyên văn từ mà đồng chí Bí thư Thành ủy dùng để chỉ mâu thuẫn giữa giám đốc và phó giám đốc sở Công an Thành phố).
Vụ việc của báo Tiền Phong chỉ kết thúc khi có chỉ đạo của người đứng đầu Nhà nước. Cuối năm đó Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã triệu tập cuộc họp với các thành phần: Đại diện lãnh đạo thành phố, Bộ Công an, Viện KSND Tối cao, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn và TBT báo Tiền Phong. Tôi nghe đồng chí TBT kể lại, Chủ tịch Lê Đức Anh khẳng định vụ việc báo Tiền Phong đưa lên là đúng, có điều cách viết cần tránh mỉa mai, sâu cay làm cho người bị phê bình cảm thấy nặng nề, bức xúc...
Bẵng đi một thời gian, có lẽ cũng chỉ vài tháng, trong khi báo Tiền Phong chờ quyết định đình chỉ điều tra của Công an thành phố thì được tin, người "biến xe công thành xe tư" đã trở thành Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa thành phố.
Chao ôi! Buồn thay, trớ trêu thay!
Sau chuyện này, có người hỏi tôi: Vậy là các ông thắng hay thua? Chúng tôi tham gia cuộc đấu tranh chống tham nhũng - tiêu cực theo kêu gọi và chỉ thị của Đảng, đâu có tính đến chuyện thắng thua. Báo chí có trách nhiệm phát hiện và nêu vấn đề, còn xử lý thế nào là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng và cơ quan chức năng nhà nước.
.... Đây là chuyện của 25 năm về trước, còn bây giờ khác nhiều rồi. Không có vùng cấm trong đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực, không có chuyện hạ cánh an toàn. Người đương chức mà tham nhũng nặng thì cách chức, người đã về hưu không còn chức vụ gì nữa thì cách cái chức của dăm năm về trước... Nếu bài báo "Ổng biến xe công thành xe tư như thế nào" rơi vào dịp này thì chắc tác giả và lãnh đạo báo Tiền Phong sẽ không vất vả đến bạc tóc như năm 1994.
Những tưởng sau cú bạc mặt như vậy sẽ nhớ đời và an phận, nhưng nếu cứ im lặng trước cái xấu, làm ngơ trước những chuyện bất bình của dân thì thử hỏi làm báo còn có mấy ý nghĩa nữa, nhất lại là tờ báo của Thanh niên?
T.A (LƯƠNG NGỌC BỘ - NGUYÊN PHÓ TỔNG BIÊN TẬP BÁO TIỀN PHONG)