26/04/2024 lúc 10:11 (GMT+7)
Breaking News

Quyết tâm xây dựng đội tàu biển Việt Nam vươn tầm quốc tế

Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, thì hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam lại có được sự tăng trưởng ngoạn mục, trở thành điểm sáng của nền kinh tế nước nhà. Tuy nhiên, sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lại chủ yếu do đội tàu nước ngoài đảm nhận, vì thế, việc xây dựng đội tàu biển Việt Nam xuyên lục địa để vươn tầm quốc tế là rất cần thiết

Ngày 27/5 tại Hải Phòng, Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức Hội nghị Phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế của Việt Nam. Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp về cơ chế chính sách cần thiết để phát triển đội tàu, xu hướng phát triển đội tàu trong thời gian tới, các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong việc đầu tư khai thác đội tàu.

Cấp thiết phát triển đội tàu biển quốc tế

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang đánh giá đề án tập trung đánh giá thực trạng đội tàu vận tải biển Việt Nam hiện tại, số lượng, chủng loại, tuổi tàu, cơ cấu của đội tàu và năng lực khai thác..., đồng thời đề ra các giải pháp phát triển vận tải biển Việt Nam giai đoạn 2021- 2026, định hướng đến năm 2030.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang phát biểu tại hội nghị

Thứ trưởng Bộ GTVT nhận định: "Đề án sẽ giúp lĩnh vực hàng hải chuyển mình mạnh mẽ nhờ củng cố nội lực từ đội tàu vận tải biển quốc tế. Để làm được điều đó, cần sự chung tay, góp sức từ các hiệp hội, các doanh nghiệp,... để đề án đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực".

Theo Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang, đề án cần phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh tình trạng đưa ra một bản đề án viển vông, thiếu thực tế và chỉ “tồn tại trên giấy”. Với nguồn lực hiện nay, không nên đầu tư dàn trải, mà phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết đúng các “điểm nghẽn” mới phát huy được hiệu quả.

Thông qua hội thảo, Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được những đóng góp của các doanh nghiệp, hiệp hội để sớm xây dựng được một đề án khả thi, tạo đột phát phát triển đội tàu biển quốc tế.

Báo cáo tại hội nghị, ông Hoàng Hồng Giang - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, vận tải biển đóng một vai trò quan trọng trong việc kết nối hàng hoá giao thương giữa các nước trên thế giới, với hơn 90% sản lượng hàng hóa thương mại được vận tải bằng đường biển.

Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, nhưng Việt Nam lại tiếp tục tăng trưởng về kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá, trung bình 12% từ năm 2016-2020.

Về sản lượng hàng hoá thông qua cảng biển cũng đạt tốc độ tăng trưởng ổn định, cụ thể thể trong năm 2020, sản lượng hàng thông qua cảng biển đạt 692 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ, trong đó lượng hàng container đạt 22,4 triệu tấn tăng 19% so với cùng kỳ; trong năm 2021 sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt 706 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng hàng hóa container đạt gần 24 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, hệ thống cảng biển Việt Nam cũng đã có bước phát triển đồng bộ, đón được tàu lớn nhất thế giới ra vào làm hàng. Tuy nhiên, sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu do đội tàu nước ngoài đảm nhận, chiếm trên 90%, đặc biệt các tuyến biển xa như Châu Mỹ, Châu Âu.

Đội tàu trong nước chủ yếu vận tải nội địa và hoạt động tuyến quốc tế ngắn trong khu vực Châu Á. Đội tàu của Việt Nam hiện chưa thể cạnh tranh được đội tàu nước ngoài do cơ cấu đội tàu chưa hợp lý, trọng tải nhỏ, trong khi xu hướng thế giới phát triển tàu trọng tải hơn để tối ưu hóa chi phí vận tải, đặc biệt là đội tàu container và tàu chuyên dụng.

Ông Hoàng Hồng Giang - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam

 

Tính đến tháng 12/2021, đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam (gồm đội tàu vận tải biển chuyên dụng và đội tàu/phương tiện khác) có 1.502 tàu (không tính số liệu tàu đang đóng), tổng dung tích khoảng 7,145 triệu GT và tổng trọng tải khoảng 11,7 triệu DWT. Trong đó, tàu vận tải biển chuyên dụng có 1.032 tàu với tổng dung tích khoảng 6,3 triệu GT và khoảng 10,6 triệu DWT, chủ yếu là cỡ tàu nhỏ (từ 5.000 GT trở xuống) và cỡ tàu trung bình (từ trên 5.000 GT đến 10.000 GT).

Cũng trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều cảng lớn trên thế giới bị tắc nghẽn, lịch trình tàu kéo dài, tình trạng thiếu container rỗng phổ biến đã đẩy giá cước tăng cao trên toàn thế giới. Trong khi sản lượng vận tải hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam gần như phụ thuộc hoàn toàn vào hãng tàu nước ngoài, điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Với tốc độ tăng trưởng về sản lượng hàng hoá xuất nhập khẩu ngày càng cao, có thể thấy tiềm năng phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế của Việt Nam là rất lớn.

Phải chiếm lĩnh thị trường nội Á

Xuất phát từ nhu cầu phát triển thực tế của ngành hàng hải trong nước, để từng bước nâng cao thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đội tàu biển Việt Nam, giảm sự phụ thuộc vào đội tàu nước ngoài, đồng thời trên cơ sở Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám BCH Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 26/2020 về Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36- NQ/TW…, Cục Hàng hải Việt Nam đề ra nhiều giải pháp phát triển vận tải biển Việt Nam giai đoạn 2021- 2026, định hướng đến năm 2030.

Toàn cảnh Hội nghị Phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế của Việt Nam

Thao gia thảo luận về đề án này, ông Bùi Văn Trung, Tổng Thư ký Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam cho rằng đề án cần có sự hoạch định rõ hơn đối với các mục tiêu phát triển cho giai đoạn trước mắt (đến năm 2025) và lâu dài hơn (đến năm 2030), từ đó xác định chi tiết cơ cấu khung và lộ trình phát triển đội tàu biển quốc tế của Việt Nam, với các tiêu chí phát triển về số lượng, tổng tấn trọng tải, chủng loại, kích cỡ tàu phù hợp cần cho từng giai đoạn, làm cơ sở để các chủ tàu Việt Nam xây dựng kế hoạch của doanh nghiệp.

Việc phát triển đội tàu xuyên lục địa đối với Việt Nam vẫn đang là “cánh cửa hẹp”, con đường thành công là phải đi dần từ Đông Nam Á, sang nội Á rồi mới tiến tới chạy xuyên lục địa. Thời gian để hiện thực hóa chiến lược này ít nhất cũng phải từ 5 đến 10 năm nếu nguồn lực đầu tư được đảm bảo.

Trong khi đó, lượng hàng XNK của Việt Nam theo từng chuyến hiện còn tương đối nhỏ, với mỗi lần tàu lớn xuyên lục địa vào cảng xếp chỉ được 1.000 - 2.000 TEUs. Đầu tư đội tàu tuyến xa chỉ phục vụ hàng hóa Việt Nam thì chắc chắn sẽ không hiệu quả.

“Vì vậy, cần có kế hoạch đầu tư ngay từ bây giờ về nguồn lực trang thiết bị, con người, khả năng quản lý khai thác… để có thể tham gia liên minh kinh doanh, liên kết thị trường với các tập đoàn vận tải biển quốc tế lớn, khi điều kiện chín muồi”, ông Trung bày tỏ.

Nhận định về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cũng cho rằng then chốt trong bối cảnh hiện nay là các giải pháp phát triển đội tàu vận tải biển nội địa để phục vụ người dân, doanh nghiệp trong nước, từ đó giảm giá thành vận tải, giảm giá thành hàng hóa. Trọng tâm của vận tải biển quốc tế phải xác định mục tiêu trước mắt là phải giành giật được thị trường nội Á. Phải giành nguồn hàng cho đội tàu vận tải nội Á của Việt Nam, từ đó kéo theo cả lĩnh vực phát triển.

Thứ trưởng Bộ GTVT yêu cầu, cơ quan soạn thảo đề án cùng các cơ quan, đơn vị liên quan phải tiếp tục cụ thể hóa các nội dung trong đề án, bám sát thực tiễn, tránh việc đề án chỉ tồn tại trên giấy tờ, đặc biệt là mang tính đột phá ở mọi khía cạnh, từ hạ tầng, đội tàu, thuyền viên, nguồn nhân lực chất lượng cao,...

Đồng thời, giao Cục Hàng hải Việt Nam, Vụ Vận tải, Vụ An toàn giao thông khẩn trương rà soát các vướng mắc của doanh nghiệp trong lĩnh vực để giải quyết, tháo gỡ ngay.

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cũng cho rằng, muốn phát triển đội tàu thì phải phát triển thị trường cho đội tàu này. Trong đó, vai trò của các hiệp hội là rất quan trọng và cần phải giao thêm quyền cho các hiệp hội. Để giao thêm quyền thì cần sửa đổi các quy định để phù hợp hơn với thực tiễn, đòi hỏi nỗ lực và sự đoàn kết thống nhất tốt hơn nữa.

Đinh Tịnh - Nguyễn Lâm