Toàn cảnh Hội nghị
Sự kiện này quy tụ nhiều đại biểu và chuyên gia từ các tổ chức khác nhau, bao gồm đại diện từ Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC), Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị cùng với sự tham gia của các tổ chức hành động bom mìn Quốc tế như MAG, NPA, PTVN, CRS, Dự án RENEW. Bên cạnh đó, hội nghị cũng có sự góp mặt của các điều phối viên và quan sát viên quân sự đến từ những tổ chức này, những người đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động hiện trường và hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn.
Mục tiêu của hội nghị không chỉ nhằm tổng kết các hoạt động đã thực hiện trong năm 2024 mà còn là để thảo luận và xây dựng một kế hoạch hoạt động chi tiết cho năm 2025, nhằm nâng cao hiệu quả của các chương trình giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn, cũng như cải thiện công tác hỗ trợ nạn nhân và các hoạt động khắc phục trên thực địa. Hội nghị hứa hẹn sẽ tạo ra cơ hội quý báu để chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật thông tin chính xác và đề ra các giải pháp thiết thực cho những thách thức hiện tại trong công tác hành động bom mìn tại tỉnh Quảng Trị. Các đại biểu tham dự đã trình bày, đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quá trình triển khai các hoạt động trong thời gian tới.
Huyện đoàn Vĩnh Linh phối hợp với Dự án RENEW Quảng Trị, Liên đội trường THCS Vĩnh Chấp tổ chức cho các em Đội viên, thiếu nhi đến tham quan Trung tâm trưng bày hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị.
Ông Đậu Phi Trường, Phó Trưởng phòng Kế hoạch điều phối (VNMAC) đánh giá cao tính hiệu quả của các hoạt động giáo dục phòng tránh bom mìn tại tỉnh Quảng Trị, đặc biệt là các sáng kiến ứng dụng công nghệ số như xây dựng thư viện điện tử, khóa học trực tuyến, wesite trực quan hóa dữ liệu khắc phục hậu quả bom mìn và chiến dịch truyền thông trên nền tảng số, giúp tiếp cận được nhiều đối tượng hơn, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm bom mìn vật nổ trên địa bàn tỉnh vẫn còn cao, hoạt động rà phá vẫn còn mất rất nhiều năm nữa để có thể hoàn thành. Vì vậy, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về mức độ nguy hiểm của bom mìn cần được ưu tiên và triển khai thường xuyên, nhằm giảm thiểu nguy cơ tai nạn bom mìn đến mức thấp nhất. Tính đến hiện tại, Việt Nam vẫn còn khoảng 5,6 triệu ha đất bị ô nhiễm bom mìn và vật nổ, chiếm hơn 17% tổng diện tích đất. Mục tiêu trong tương lai không chỉ là cải thiện nhận thức của cộng đồng mà còn là hỗ trợ tốt hơn cho các nạn nhân và tăng cường hợp tác quốc tế để các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn đạt hiệu quả cao hơn. Điều này đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội để giảm thiểu tác hại của hậu quả chiến tranh.
Huyện đoàn Vĩnh Linh phối hợp với Dự án RENEW Quảng Trị, Liên đội trường THCS Vĩnh Chấp tổ chức cho các em Đội viên, thiếu nhi đến tham quan Trung tâm trưng bày hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị.
Trong năm 2024, dưới sự chỉ đạo trực tiếp từ lãnh đạo Sở Ngoại vụ - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, QTMAC với chức năng nhiệm vụ được giao, đã chủ trì điều phối các tổ chức quốc tế thực hiện các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn như khảo sát, rà phá, xử lý bom mìn vật nổ, hỗ trợ nạn nhân và giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ. Các hoạt động này đã đạt nhiều kết quả ấn tượng, trong đó có nhiều nội dung vượt chỉ tiêu đề ra. Những nỗ lực này không chỉ góp phần đảm bảo an toàn cho người dân mà còn tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Thay mặt Trung tâm Hành động Bom mìn tỉnh Quảng Trị (QTMAC), ông Đinh Ngọc Vũ bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và đánh giá cao sự cam kết, hợp tác chặt chẽ và tinh thần làm việc chuyên nghiệp của các tổ chức hành động bom mìn trong năm qua cũng như những năm gần đây. Những nỗ lực chung này đã góp phần quan trọng đưa tỉnh Quảng Trị tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành một "Tỉnh an toàn", nơi người dân được sống yên bình.
Thu Lương