Từ năm 1975 đến nay, Việt Nam đã chứng kiến hơn 100.000 người bị chết và bị thương do bom mìn sau chiến tranh. Trong đó, khoảng 40.000 người mất mạng do bom mìn, 60.000 người khác bị thương; đó phần lớn là lao động chính trong gia đình và trẻ em.
Lực lượng Bộ đội Công binh xử lý bom sót lại sau chiến tranh
Người bị thương bom mìn thường chịu nhiều thương tật vĩnh viễn, dẫn đến cuộc sống trong nghèo khó. Năm 2024, trong Ngày thế giới Phòng, chống bom mìn (4/4), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã công bố Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật, trong đó nhiều người là nạn nhân của bom mìn. Số liệu còn cho thấy hàng năm có khoảng 2.000 người chết vì tai nạn bom mìn, trong đó tai nạn do trẻ em nghịch ngợm chiếm 38% và nhiều vụ khác do người dân không hiểu biết nên không tránh được.
Những số liệu trên có thể cũng chưa đầy đủ được, nhưng đã phần nào cho thấy thảm họa nghiêm trọng mà bom mìn để lại đang ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội tại Việt Nam. Chúng gây ra tai nạn cho người dân, dẫn đến thương vong và có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ lâu dài của họ. Hậu quả của tai nạn không chỉ dừng lại ở chấn thương mà còn ảnh hưởng đến sinh kế của họ, khiến công việc lao động sản xuất gặp khó khăn, dẫn đến đến tình trạng nghèo đói trong một bộ phận cộng đồng. Mặt khác, bom mìn còn ngăn cản sự phát triển kinh tế của một số vùng miền khi ở đó người dân không dám khai hoang đất để làm nương do sợ vướng bom mìn sót lại…
Để giảm thiểu các mối nguy hiểm do bom mìn, công tác xử lý ô nhiễm và tuyên truyền về an toàn cần phải được đẩy mạnh hơn nữa. Theo đó, các địa phương cần mạnh mẽ hơn trong việc rà phá và xóa bỏ bom mìn. Tại tỉnh Quảng Trị, nỗ lực rà phá đã giúp xử lý trên 765.000 bom mìn và vật liệu nổ, trong khi nhiều tỉnh khác cũng đang triển khai các chương trình tương tự để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm bom mìn.
Vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh (Ảnh: TTXVN)
Song song với công tác xử lý, vấn đề tăng cường các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về mối nguy hiểm của bom mìn là yêu cầu cần thiết. Trên thực tế, Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều chương trình giáo dục ở trường học để giúp học sinh hiểu rõ về sự nguy hiểm của bom mìn và cách phòng tránh. Các cuộc thi, hội thảo và trưng bày về bom mìn cũng đã được tổ chức, nhằm nâng cao sự hiểu biết cho người dân và trẻ em.
Theo thống kê, hơn 30% nạn nhân là trẻ em, điều này phần lớn xảy ra do sự thiếu hiểu biết và nhận thức về nguy hiểm của bom mìn. Những loại vũ khí này có thể nổ bất ngờ, thường khiến cho trẻ em, với tính hiếu động và tò mò tự nhiên, gặp rủi ro cao khi chúng chơi đùa hoặc vô tình tiếp xúc với các vật thể là bom mìn, vật nổ nhưng các em không biết.
Để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi mối đe dọa này, việc giáo dục trẻ em về cách phòng tránh bom mìn là rất quan trọng. Trước hết, trẻ cần được hướng dẫn không chơi ở những khu vực có biển báo nguy hiểm hay những nơi mà họ không quen thuộc. Ngoài ra, trẻ em cũng cần được nhắc nhở không chạm vào các vật thể lạ, đặc biệt là những vật có hình dáng hoặc màu sắc bất thường, vì đây có thể là bom mìn hoặc vật nổ chưa phát nổ. Thay vào đó, khi thấy bất kỳ thứ gì khả nghi, trẻ nên thông báo ngay cho người lớn hoặc các cơ quan chức năng để đảm bảo an toàn. Không chỉ giáo dục trẻ em, mà việc tham gia vào các hoạt động tuyên truyền về hiểm họa bom mìn trong cộng đồng cũng rất cần thiết. Những hoạt động này không chỉ nâng cao nhận thức của tất cả mọi người về nguy cơ từ bom mìn mà còn cung cấp các phương pháp ứng phó và xử lý khi gặp tình huống nguy hiểm. Từ đó, chúng ta có thể cùng nhau giảm thiểu rủi ro và tai nạn liên quan đến bom mìn, bảo vệ sự an toàn cho mọi thành viên trong gia đình và cộng đồng.
Thu Lương