19/01/2025 lúc 07:27 (GMT+7)
Breaking News

Sáng tác nghệ thuật - tuyên truyền phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ

Vừa qua, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ phát động cuộc thi vẽ tranh “Đại sứ học đường chung tay phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ”.

Chiến tranh đã kết thúc từ lâu, song hậu quả của cuộc chiến tranh trên phạm vi cả nước còn hết sức nặng nề và chưa được giải quyết triệt để. Hàng vạn gia đình có người thân mất mát, thương tật, với hàng vạn nạn nhân bị tai nạn do bom mìn vật nổ, nhiễm chất độc da cam và hàng triệu hecta đất còn bị ô nhiễm bom mìn không thể canh tác và tái định cư, hậu quả bom mìn còn tồn sót là hết sức nặng nề và luôn tiềm ẩn những nguy cơ khôn lường.

Quang cảnh Lễ phát động cuộc thi vẽ tranh “Đại sứ học đường chung tay phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ”. Ảnh: VNMAC

Ước tính có khoảng 800.000 tấn bom đạn còn sót lại sau chiến tranh, điều này gây ra nhiều mối nguy hiểm không chỉ cho những người sống tại khu vực mà còn cản trở sự phát triển kinh tế và xã hội. Tổng diện tích bị ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn lên tới khoảng 6,1 triệu ha, chiếm khoảng 18,31% tổng diện tích cả nước. Sự hiện diện của các loại bom mìn này không chỉ làm giảm khả năng canh tác mà còn ảnh hưởng đến việc tái định cư của hàng triệu người dân . Hiện vẫn còn khoảng 5,6 triệu ha đất bị ô nhiễm bom mìn cần được làm sạch. Các hoạt động nông nghiệp và phát triển cơ sở hạ tầng bị đình trệ, và điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng triệu người dân, khiến họ không thể quay trở lại với nguồn sống chính của mình .

Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh tại khu vực miền Trung có mật độ ô nhiễm bom mìn cao, toàn tỉnh có 141/141 xã (phường) thuộc 9/9 huyện (thành phố, thị xã) bị ô nhiễm bom mìn vật nổ. Diện tích đất tự nhiên hơn 5.000 km2, trong đó diện tích đất ô nhiễm bom mìn vật nổ khoảng 172.000 ha; chiếm hơn 34% diện tích, huyện A Lưới là một trong những khu vực có mật độ ô nhiễm cao. Đến cuối năm 2022, huyện có tổng diện tích ô nhiễm bom mìn vật nổ là 2.981 ha, cùng nhiều nạn nhân bom mìn.

Cuộc thi vẽ tranh “Đại sứ học đường chung tay phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ” diễn ra từ ngày 22/11 đến ngày 22/12/2024 dành cho học sinh của 24 điểm trường Tiểu học (TH) và Trung học cơ sở (THCS) trên địa bàn huyện A Lưới. Đây là hoạt động rất thiết thực, tạo sân chơi bổ ích, giúp các em hoc sinh tìm hiểu và cùng sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật, nâng cao ý thức, tuyên truyền tới người thân về các vấn đề liên quan đến nhận biết, phòng, tránh những hậu quả đáng tiếc do bom mìn, vật nổ sau chiến tranh gây ra.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án Hành động bom mìn vì làng hòa bình Việt Nam – Hàn Quốc (KVPVP) do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ cho Việt Nam thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA); VNMAC là đơn vị chủ dự án với sự hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam.

Dự án được triển khai từ năm 2023 - 2026 tại 03 tỉnh: Bình Định, Quảng Ngãi và Thừa Thiên Huế, tập trung vào 4 trong 5 trụ cột của hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, bao gồm: Điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn; Hỗ trợ nạn nhân; Giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn; Tăng cường năng lực quản lý quốc gia trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn. Trong đó, hướng đến giải quyết các vấn đề liên quan đến ô nhiễm bom mìn tại các cộng đồng bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ nhằm tạo dựng môi trường an toàn; đồng thời đưa ra các giải pháp xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội và nguồn sinh kế bền vững cho người dân.

Các thầy cô giáo và học sinh đại diện cho 24 điểm trường Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn huyện A Lưới. Ảnh: VNMAC

Trong thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế luôn tích cực tuyên truyền về những biện pháp phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân. Những hoạt động tuyên truyền này đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao cảnh giác của cộng đồng và khuyến khích người dân thực hiện các biện pháp an toàn cần thiết để hạn chế rủi ro và bảo vệ tính mạng của bản thân cũng như gia đình. Không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ các cá nhân, việc truyền thông về phòng chống tai nạn bom mìn còn có ý nghĩa lớn lao trong việc giảm thiểu các tác động tiêu cực do di sản chiến tranh để lại, từ đó giúp xây dựng một môi trường sống an toàn và ổn định hơn cho tất cả mọi người.

Thu Lương

...