24/11/2024 lúc 12:37 (GMT+7)
Breaking News

Phường Đức Thắng (Q.Bắc Từ Liêm): Bài 2 - Nhiều hộ dân bức xúc vì cách quản lý 'trên trời'

VNHN - Mặc dù diện tích đất lưu không thuộc dự án đường dân sinh Ao dài (Đoạn từ Hoàng Tăng Bí đến xóm 6) còn nhiều. Tuy nhiên, thay vì tận dụng để giảm chi phí GPMB, UBND phường Đức Thắng lại thực hiện quy hoạch xiên thẳng vào hàng loạt nhà dân sinh. Đáng nói, nhiều diện tích đất trong số đó vẫn là đất chưa xác định rõ nguồn gốc do việc buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương…

VNHN - Mặc dù diện tích đất lưu không thuộc dự án đường dân sinh Ao dài (Đoạn từ Hoàng Tăng Bí đến xóm 6) còn nhiều. Tuy nhiên, thay vì tận dụng để giảm chi phí GPMB, UBND phường Đức Thắng lại thực hiện quy hoạch xiên thẳng vào hàng loạt nhà dân sinh. Đáng nói, nhiều diện tích đất trong số đó vẫn là đất chưa xác định rõ nguồn gốc do việc buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương…

Như Việt Nam Hội nhập điện tử đã thông tin: Nhiều năm qua, bà Hà Thị Loan, trú tại tổ dân phố số 3, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội đã liên tục gửi đơn kiến nghị, tố cáo đến các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng về việc thửa đất bà mua có dấu hiệu bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nhiều bất cập phía sau quy hoạch dự án đường dân sinh Ao dài và trường Mầm non phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm 

Tuy nhiên, những kiến nghị, tố cáo của bà Loan vẫn chưa có được một câu trả lời thỏa đáng. Trong khi đó, bản thân lãnh đạo UBND phường Đức Thắng lại tỏ ra thờ ơ khi cho rằng việc mua bán đất công ích thuộc về cá nhân, chính quyền địa phương không hay biết (?). Vậy từ khi tách xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm (cũ – PV), công việc của cán bộ địa phương là gì? Việc kiểm tra rà soát sai phạm có được triển khai không?

Trở lại thông tin về vụ việc, không chỉ dừng lại ở “khuất tất” trong quản lý đất nông nghiệp công ích dẫn đến tình trạng mua bán tự do, gây hậu quả nghiêm trọng, đẩy nhiều hộ dân có nguy cơ bơ vơ không mảnh đất cắm dùi; UBND phường Đức Thắng còn đang cho thấy nhiều tồn tại bất minh đi ngược lại những tuyên bố của chính mình. Khẳng định việc mua bán đất thuộc về cá nhân, địa phương không hay biết nhưng chính những mảnh đất không hay biết đó người dân vẫn phải đóng tiền thuế nhà đất, vẫn được cấp biển số nhà và được làm hộ khẩu,… Vậy trách nhiệm của chính quyền ở đâu?

Tại sao không sử dụng đất lưu không trong quy hoạch thay vì GPMB hàng loạt những căn nhà dân sinh?

Thời gian vừa qua, Việt Nam Hội nhập điện tử tiếp tục nhận được đơn kêu cứu của tập thể những hộ dân đang sinh sống trên địa bàn. Họ vô cùng bức xúc trước cách quản lý “trên trời” của chính quyền sở tại: Hàng loạt những thửa đất được chia nhỏ mua bán tồn tại hơn chục năm nay có thực hiện đầy đủ một số thủ tục hành chính như: Đóng thuế nhà đất, cấp số nhà, sổ hộ khẩu,... nhưng lại được cho là đất công ích!?. Đáng nói, tại dự án đường Ao dài (đoạn từ Hoàng Tăng Bí đến xóm 6) lại được quy hoạch thẳng vào hàng loạt những nhà dân sinh, đẩy họ tới cảnh nhà có thành mất, nhà còn thì thiếu diện tích sinh hoạt,…

Tuy nhiên, chi phí GPMB thấp, chế độ hỗ trợ di dời thiếu thỏa đáng trong khi đó diện tích đất lưu không quanh điểm quy hoạch còn để trống rất nhiều nhưng lại không sử dụng.

Người dân vô tư lấn chiếm đất công ích, chính quyền địa phương đang ở đâu?

Ghi nhận thực tế địa phương, PV được biết: Tại điểm quy hoạch đền bù, hỗ trợ GPMB trường mầm non phường Đức Thắng; đường dân sinh Ao dài (đoạn từ Hoàng Tăng Bí đến xóm 6) gồm 2 phần đất, một là diện tích đất của các hộ gia đình đã được cấp sổ đỏ, một phần diện tích được chính quyền địa phương cho là đất công ích. Nếu quy hoạch con đường Ao dài không chạy thẳng thì sẽ giảm rất nhiều chi phí GPMB bởi sát đó diện tích đất lưu không là rất lớn và những hộ gia đình vẫn có thể giữ nguyên được hiện trạng. Việc quy hoạch và lựa chọn GPMB diện tích đất người dân đang sử dụng liệu có hợp lý?

Cũng theo ghi nhận của PV, tại các diện tích đất lưu không nằm sát điểm quy hoạch cũng đang có dấu hiệu bị lấn chiếm, khi rất nhiều hộ dân đã cho đổ chất thải vật liệu xây dựng để san lấp những ruộng rau. Vậy chính quyền đang ở đâu?

Xin được nhắc lại, phần diện tích đất chính quyền địa phương đang cho là đất công ích khi đó cũng đã được xây dựng thành những căn nhà cấp 4 trước khi bán cho các hộ gia đình đang sinh sống theo một quy trình tương tự. Từ phần đất vườn được giao canh tác, quản lý nhưng lại “hô biến” thành nhà, vậy trách nhiệm thuộc về ai? Vài trò quản lý nhà nước của chính quyền địa phương ở đâu? 

Việt Nam Hội nhập điện tử sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc!