Trong năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2588/KH-UBND ngày 11/7/2023 về thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh, phát triển bền vững đến năm 2025. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, toàn tỉnh có trên 11.000 doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 60% GRDP của tỉnh; khoảng 25- 30% tổng số doanh nghiệp có hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, 100% cơ sở kinh doanh được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, 100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trên 80% doanh nghiệp sử dụng lao động qua đào tạo...
Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, tỉnh triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phục hồi các hoạt động kinh tế- xã hội, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất, kinh doanh
Chính sách hỗ trợ là sự động viên, khích lệ rất lớn đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Hiện nay, tại tỉnh Phú Thọ có hơn 7.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Từ năm 2020 đến nay, các doanh nghiệp liên tiếp đối mặt với khó khăn do tình hình an ninh, chính trị thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; giá cả vật tư, nguyên liệu cho sản xuất tăng cao, nhu cầu thị trường giảm.
Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, tỉnh triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phục hồi các hoạt động kinh tế- xã hội, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất, kinh doanh; tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong công tác giải phóng mặt bằng; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, khuyến công, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ... Điển hình như Công ty TNHH Phú Đạt Việt Nam, Khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì chuyên sản xuất các loại vải bạt nhựa với công suất 7.000 tấn/năm. Công ty đã được hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư công nghệ theo Nghị quyết số 15/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của HĐND tỉnh quy định hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nhỏ và vừa đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh. Qua đó, Công ty đã cải tiến công nghệ tráng, phủ bạt, đáp ứng tiêu chí về sản phẩm xuất khẩu. Năng suất lao động và chất lượng sản phẩm được nâng lên giúp tối ưu hóa hiệu quả sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và hấp thụ vốn của nền kinh tế được thực hiện với việc triển khai có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, nắm bắt nhu cầu thực tế hỗ trợ doanh nghiệp; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng trong quá trình thực hiện cho vay các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và cho vay các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Năm 2023, trên địa bàn tỉnh, cho vay đối với doanh nghiệp phục vụ xuất, nhập khẩu đạt 11.520 tỉ đồng, tăng 27% so với cuối năm 2022; cho vay doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp đạt hơn 5.200 tỉ đồng, tăng 18,4% so với cuối năm 2022; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt hơn 24.300 tỉ đồng, tăng 7% so với cuối năm 2022. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã tổ chức sáu hội nghị đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn, cam kết cho vay trong năm hơn 5.740 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, là sự nỗ lực thích ứng của các doanh nghiệp cùng với môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện và tác động lan tỏa từ các dự án đầu tư lớn, tỉnh tiếp tục thu hút thêm nhiều doanh nghiệp mới tham gia thị trường. Năm 2023, có khoảng 920 doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký đạt 19.200 tỉ đồng (so với cùng kỳ năm trước tăng 4,8% về số doanh nghiệp và tăng 61,6% về số vốn đăng ký), có 305 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện hài hòa, đồng bộ các giải pháp, chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách hỗ trợ ngành, lĩnh vực, an sinh xã hội giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế. Đến nay, tỉnh Phú Thọ đã ghi dấu ấn đậm nét với việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng. Nền hành chính của tỉnh ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, giúp nâng cao hiệu quả công việc, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp, kịp thời triển khai các chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho các đối tượng theo quy định; chính sách giảm tiền thuê đất, giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các sản phẩm xăng dầu... giúp người nộp thuế giảm bớt áp lực, từ đó tính toán, linh động điều chuyển nguồn lực phù hợp để duy trì, tái sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được đưa ra gồm: Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh; thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo nâng cao kỹ năng tay nghề cho lao động doanh nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và Cách mạng công nghiệp 4.0; đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp; triển khai có hiệu quả các chính sách và huy động nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, với các chính sách hỗ trợ cùng sự nỗ lực thích ứng của cộng đồng doanh nghiệp sẽ giúp các doanh nghiệp tranh thủ cơ hội, tiếp cận các nguồn lực, thị trường, thích ứng, phục hồi nhanh, phát triển bền vững.