27/12/2024 lúc 23:28 (GMT+7)
Breaking News

Ngân hàng Nhà nước tỉnh Ninh Thuận: Đồng hành với người dân, doanh nghiệp phục hồi phát triển kinh tế

Thực hiện Kế hoạch số 829/KH-UBND ngày 02/3/2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Ngân hàng nhà nước tỉnh Ninh Thuận đã chủ động, kịp thời xây dựng kế hoạch và triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp từ đó làm tiền đề cho sự phục hồi phát triển kinh tế của doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh.

Trước ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp, người dân trên cả nước nói chung và tỉnh Ninh Thuận nói riêng đã gặp nhiều khó khăn trong nguồn vốn, sức ép về lãi suất… Song để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 đã được Ngân hàng Nhà nước tỉnh Ninh Thuận thực hiện một cách tích cực, hiệu quả, triển khai đồng bộ các biện pháp, từ đó đạt được nhiều thành quả nhất định.

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước tỉnh Ninh Thuận.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Giám đốc NHNH tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Ninh Thuận ban hành Kế hoạch 24/KH-NTH ngày 20/6/2022 về Ngành Ngân hàng thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và hỗ trợ lãi suất trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Trong đó, tập trung thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ theo chức năng gồm tổ chức phổ biến, tuyên truyền, chỉ đạo, triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; thanh tra, giám sát chặt chẽ, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng. Các ngân hàng thương mại thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ để triển khai quyết liệt các biện pháp hỗ trợ khách hàng, trong đó, ưu tiên, tập trung cho vay đối với các ngành nghề, lĩnh vực theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Nâng cao năng lực tài chính; nghiên cứu, triển khai các chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán phù hợp; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng…”

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Ninh Thuận.

Tính đến tháng 7 năm 2022, việc thực hiện triển khai các chính sách của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được những kết quả nhất định. Người dân, doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng một cách thuận lợi, dễ dàng hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Bên cạnh việc triển khai kịp thời các giải pháp thì việc triển khai thực hiện hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn đến nay vẫn đang thực hiện công tác chuẩn bị. Vì đây là sử dụng vốn ngân sách để hỗ trợ lãi suất 2% nên các NHTM cần phải thực hiện công tác chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng để đảm bảo nguyên tắc công bằng, công khai, minh bạch, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, không để phát sinh thêm những khó khăn, những phức tạp cho các NHTM trong quá trình triển khai. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 443 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid - 19 với tổng giá trị nợ (bao gồm cả dư nợ gốc và lãi) đã được cơ cấu lại là 551 tỷ đồng (trong đó khách hàng là doanh nghiệp 423 tỷ đồng/58 khách hàng; khách hàng hộ kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân và khách hàng khác 127 tỷ đồng/385 khách hàng). Số dư nợ gốc và lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đến thời điểm cuối tháng 6/2022 là 148 tỷ đồng/93 khách hàng còn dư nợ (trong đó khách hàng là doanh nghiệp 129 tỷ đồng/13 khách hàng, khách hàng hộ kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân và khách hàng khác 19 tỷ đồng/80 khách hàng), trong đó, dư nợ gốc được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 143 tỷ đồng (khách hàng doanh nghiệp 126 tỷ đồng, khách hàng hộ kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân và khách hàng khác 17 tỷ đồng), dư nợ lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 5 tỷ đồng (khách hàng doanh nghiệp 3 tỷ đồng, khách hàng hộ kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân và khách hàng khác 2 tỷ đồng). Ngoài việc cơ cấu lại khoản nợ, khoản lãi đến hạn và không chuyển nhóm nợ thì việc hạ lãi suất, giảm lãi suất cho vay là một trong những giải pháp thiết thực nhất, cụ thể nhất đối với người dân, doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, tất cả các Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đều thực hiện giảm lãi suất đối với dư nợ cho vay hiện hữu cũng như cho vay mới. Đã thực hiện miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng vay với tổng giá trị nợ đã được miễn, giảm lãi lũy kế đạt 56 tỷ đồng với 110 khách hàng được miễn, giảm lãi (trong đó khách hàng doanh nghiệp là 12 tỷ đồng/4 khách hàng, khách hàng hộ kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân và khách hàng khác 44 tỷ đồng/106 khách hàng), số tiền lãi đã được miễn giảm lũy kế 0,34 tỷ đồng (trong đó, khách hàng doanh nghiệp 0,16 tỷ đồng, khách hàng cá nhân và khách hàng khác 0,18 tỷ đồng). Dư nợ được miễn giảm lãi là 6 tỷ đồng/33 khách hàng (dư nợ còn lại ở khách hàng hộ kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân và khách hàng khác).

Đội ngũ cán bộ, công nhân viên không ngừng nỗ lực, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ...

Song song với các giải pháp hạn chế tác động bởi dịch Covid-19, Ngành Ngân hàng Ninh Thuận còn triển khai mạnh mẽ các giải pháp góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, cụ thể là ưu tiên vốn và có các chính sách ưu đãi nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay, nhất là các doanh nghiệp chịu tác động nhiều bởi dịch Covid-19. Kết quả: Cho vay mới với doanh số cho vay mới đạt 22.374 tỷ đồng (Trong đó, cho vay mới khách hàng doanh nghiệp là 11.370 tỷ đồng; cho vay mới khách hàng hộ kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân là 10.998 tỷ đồng). Dư nợ cho vay mới còn lại tại thời điểm cuối tháng 6/2022 là 3.177 tỷ đồng với 3.649 khách hàng còn dư nợ (trong đó, khách hàng doanh nghiệp 2.094 tỷ đồng/284 khách hàng, khách hàng cá nhân và khách hàng khác 1.083 tỷ đồng/3.365 khách hàng).

Đối với Ngân hàng Chính sách xã hội, tính đến ngày 29/7/2022, đã cho vay được 115.080 triệu đồng/2.676 hộ. Trong đó: Cho vay GQVL là 99.995 triệu đồng/1.995 lao động (hoàn thành 100% kế hoạch giao); cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn mua máy tính học trực tuyến là 7.180 triệu đồng/622 hộ/719 HSSV (hoàn thành 47,87% kế hoạch giao); cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập 37 cơ sở/2.830 triệu đồng (hoàn thành 35,37% kế hoạch giao); cho vay nhà ở xã hội 5.075 triệu đồng/22 hộ (hoàn thành 25,37% kế hoạch giao)…

Không ngừng giám sát chặt chẽ, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng...

Trong thời gian tới, NHNN tỉnh, các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục triển khai thực hiện các nhóm nhiệm vụ theo kế hoạch 24/KH-NTH ngày 20/6/2022 của NHNN về thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và hỗ trợ lãi suất trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông về chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo quy định tại Nghị định 31 đến người dân và doanh nghiệp trong tỉnh. Theo dõi tình hình, kết quả thực hiện hỗ trợ lãi suất của các NHTM trên địa bàn và kịp thời báo cáo, đề xuất với Thống đốc NHNN Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh xử lý các vấn đề phát sinh. Giám sát chặt chẽ, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng; thực hiện thanh tra, giám sát việc hỗ trợ lãi suất của các NHTM trên địa bàn tỉnh nhằm hạn chế các sai phạm, kể cả khách quan và chủ quan trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện…/… 

Thế Hùng