22/11/2024 lúc 00:48 (GMT+7)
Breaking News

Ninh Thuận: 6 giải pháp đột phá, phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam huyện Thuận Nam

Huyện Thuận Nam nằm ở cửa ngõ phía Nam của tỉnh, được thành lập và đi vào hoạt động ngày 01/10/2009 theo Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 10 tháng 06 năm 2009 của Chính phủ, trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính, tách ra từ huyện Ninh Phước. Diện tích tự nhiên 56.333 ha, với 8 đơn vị hành chính cấp xã, dân số trên 57 ngàn người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 25,8%.

Sau hơn 12 năm tái lập huyện, được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ ngành trung ương; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tạo nhiều cơ chế, chính sách đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhất là trong những năm gần đây sau khi Quốc hội có Nghị quyết về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Chính phủ có Nghị quyết 115/NQ-CP về một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018 – 2023 và chủ trương của tỉnh về phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đã tạo bước đột phá, chuyển hướng trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực huyện có lợi thế như: năng lượng tái tạo, cảng biển, du lịch…

Trung tâm hành chính huyện Thuận Nam.

Cùng với sự hỗ trợ của các Sở, ngành tỉnh và nhất là với tinh thần chủ động vượt khó khăn, phát huy nội lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong huyện, đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng: Tăng trưởng kinh tế được duy trì, một số lĩnh vực phát triển khá và có bức phá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh từ một huyện thuần nông sang phát triển công nghiệp, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, cụ thể: Tổng giá trị sản xuất (GTSX) toàn huyện theo giá so sánh 2010 tại thời điểm cuối năm 2021 đạt 13.469 tỷ đồng, tăng 4,5 lần so với năm 2010; trong đó dịch chuyển mạnh mẽ và đóng vai trò chủ đạo là GTSX công nghiệp-xây dựng đạt 8.222 tỷ, tăng 15,11 lần; GTSX thương mại-dịch vụ đạt 1.197 tỷ, tăng 4,3 lần và GTSX nông lâm thủy sản đạt 4.050 tỷ, tăng 1,86 lần. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội từ năm 2010 – 2021 đạt 44.013 tỷ đồng; trong đó: đầu tư từ nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước 6.289 tỷ đồng chiếm gần 14,28% tổng vốn đầu tư, nguồn vốn các thành phần kinh tế khác chiếm 85,72% tổng vốn; cá biệt trong năm 2020 tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội tăng cao đến 15.760 tỷ (trong đó các dự án năng lượng tái tạo chiếm hơn 14.000 tỷ), trong khi đó năm 2010, nguồn vốn đầu tư toàn xã hội toàn huyện chỉ đạt 395 tỷ đồng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng khá năm 2021 đạt 98 tỷ đồng, gấp 3,8 lần so năm 2010.

Công tác hoàn thiện hạ tầng, kêu gọi đầu tư được đẩy mạnh, doanh nghiệp thành lập mới[], đầu tư trên địa bàn hàng năm đều tăng về số lượng và quy mô đầu tư, thu hút được các nhà đầu tư lớn chiến lược đầu tư trên địa bàn như Tập đoàn Trung Nam, BIM, T&T, BITEXCO, ADANI... Đến nay trên địa bàn huyện đã có trên 120 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 100 ngàn tỷ đồng cấp chủ trương đầu tư[]. Riêng lĩnh vực năng lượng tái tạo đến nay trên địa bàn huyện đã có 20 dự án đi vào hoạt động, tổng công suất trên 1.500MW (trog đó 15 dự án điện mặt trời/1.259 MW, 5 dự án điện gió/252MW), chiếm khoảng nửa tổng số dự án và tổng công suất các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh, tạo ra năng lực sản xuất mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của huyện, đời sống Nhân dân ngày được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 giảm còn 10,22%/1.754 hộ theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2021-2025. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 38 triệu đồng. Chất lượng giáo dục, y tế, hoạt động văn hoá phát triển khá toàn diện; an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Tăng trưởng kinh tế được duy trì, một số lĩnh vực phát triển khá và có bứt phá.

Thuận Nam có nhiều lợi thế và cơ hội để phát triển trở thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh đó là: (1) Có vị trí hết sức thuận lợi, là khu vực cửa ngõ phía Nam của tỉnh tiếp giáp với khu vực Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam của cả nước; có các trục giao thông quan trọng của quốc gia chạy qua như: Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam, sắp tới là tuyến đường bộ cao tốc Cam Ranh– Vĩnh Hảo ngang qua địa bàn, kết nối với Cảng Cà Ná; có đường bờ biển dài với nhiều bãi biển đẹp (Mũi Dinh, Cà Ná,…) thuận lợi cho phát triển kinh tế biển nhất là thu hút các dự án du lịch, đô thị biển quy mô lớn; có Cảng nước sâu Cà Ná với quy mô có thể tiếp nhận tàu lên đến 300.000 tấn, trong đó giai đoạn I quy mô 100.000 tấn đang triển khai xây dựng dự kiến hoàn thành đi vào hoạt động trong Quý II/2022, gắn với quy hoạch cảng cạn và Trung tâm dịch vụ Logistcs, Khu công nghiệp Cà Ná (quy mô 827,27ha). "Đặc biệt, với chủ trương của tỉnh về phát triển phát triển năng lượng (năng lượng tái tạo, năng lượng sạch), với quy mô đến năm 2030 trên 10.000 MW, trọng tâm là năng lượng mặt trời, năng lượng gió trên bờ và ngoài khơi, Tổng công suất của 04 Nhà máy điện khí LNG là 6.000MW, giai đoạn 1 sẽ đầu tư xây dựng 01 nhà máy có công suất 1.500MW.

hình thành trung tâm điện khí LNG Cà Ná quy mô 6.000 MW (GĐ I: 1.500 MW) sẽ tạo cho khu vực một vị thế, vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong giai đoạn phát triển mới".

(2) Tỉnh uỷ có Nghị quyết 15-NQ/TU về phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, xác định mục tiêu xây dựng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở thành vùng kinh tế động lực, có sức lan tỏa lớn để phát triển các vùng kinh tế khác trong tỉnh. Tập trung ưu tiên thu hút đầu tư đầu tư phát triển năng lượng (năng lượng tái tạo, năng lượng sạch), Công nghiệp; kinh tế đô thị và du lịch; Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đồng thời có các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng tạo động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và huyện Thuận Nam nói riêng.

(3) Hiện nay có nhiều nhà đầu tư có thương hiệu đã được tỉnh có chủ trương nghiên cứu đầu tư các dự án quy mô lớn như Dự án công nghiệp hoá chất sau muối (BIM), khu công nghiệp sản xuất các sản phẩm cho năng lượng tái tạo (T&T) ; điện gió ngoài khơi..., một số dự án đang đẩy nhanh tiến độ triển khai như dự án Du lịch Mũi Dinh Ecopart, Đô thị Đầm Cà Ná, Khu công nghiệp Phước Nam (quy mô 370ha), Cụm công nghiệp Hiếu Thiện (quy mô 50ha)... sẽ mở ra triển vọng cho phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh.

Bên cạnh các lợi thế nêu trên, việc thực hiện chủ trương phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn một số khó khăn, thách thức cần giải quyết đó là: (1) Xuất phát điểm kinh tế - xã hội còn thấp, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế; (2) Kết kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, một số khu, cụm công nghiệp phát triển chậm; (3) Nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là thiếu lao động và nhân lực chất lượng cao; (4) Công tác lập, quản lý quy hoạch (xây dựng, đất đai) còn nhiều hạn chế; bất cập; (5) Tình hình an ninh trật tự tại các dự án đầu tư luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.

Cảng Cà Ná đang được đầu tư xây dựng.

Trước những lợi thế, cơ hội và những khó khăn thách thức nêu trên, để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ-TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của Tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Huyện Thuận Nam sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp như sau:

Thứ nhất, tập trung thực hiện tốt công tác lập, quản lý quy hoạch, đáp ứng nhu cầu phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: - Công tác quy hoạch phải đồng bộ và đi trước một bước, nhằm thác có hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực đất đai phục vụ cho nhu cầu phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam theo chủ trương của tỉnh. Vì vậy, trong quá trình lập Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 -2030, huyện Thuận Nam đã phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành của tỉnh để chủ động tích hợp đầy đủ, đồng bộ các định hướng lớn, nhu cầu sử dụng đất các ngành kinh tế đã được xác định trong định hướng quy hoạch tỉnh và Đề án phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vào quy hoạch sử dụng đất (hiện đang trình phê duyệt), nhất là nhu cầu sử dụng đất các ngành lĩnh vực, dự án lớn như: Điện khí LNG, năng lượng tái tạo, khu công nghiệp, cảng biển, du lịch, đô thị, nông nghiệp công nghệ cao.
- Trên cơ sở Đề án vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tiếp tục rà soát, điều chỉnh các quy hoạch trên địa bàn theo định hướng ưu tiên phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác lập, phê duyệt quy hoạch phân khu dãi ven biển, các quy hoạch khu đô thị để kêu gọi đầu tư; thực hiện phê duyệt các quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 để các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án; đồng thời tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện.
- Tổ chức công bố, niêm yết, công khai các quy hoạch ngay sau khi được phê duyệt, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân được tiếp cận.

Thứ hai, tập trung thực hiện tốt công tác quản lý đất đai, công tác giải phòng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Với kinh nghiệm đã triển khai nhanh công tác bồi thường GPMB các dự án lớn trên địa bàn huyện trong thời gian qua, để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, thời gian tới huyện Thuận Nam sẽ tập trung làm tốt các công việc sau:
- Chỉ đạo quản lý chặt chẽ đất đai tại địa phương theo hiện trạng, không làm phát sinh biến động đất đai đối với khu vực quy hoạch đầu tư các dự án. Tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn xử lý kịp thời, kiên quyết đối với các hành vi lấn chiếm đất đai, vi phạm trật tự xây dựng, tạo thuận lợi trong công tác tổ chức giải phóng mặt bằng triển khai các dự án đầu tư theo quy định.
- Phối hợp với nhà đầu tư, các ngành của tỉnh kịp thời cập nhật nhu cầu sử dụng đất vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện, cập nhật danh mục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất để đảm bảo điều kiện pháp lý triển khai công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng.

- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người Dân vùng dự án, thấy được lợi ích của việc triển khai các dự án để tạo sự đồng thuận, ủng hộ dự án. Thực hiện đúng quy trình, thủ tục giải phóng mặt bằng theo quy định đảm bảo công khai, minh bạch, nhanh, hiệu quả nhất; vừa hỗ trợ nhà đầu tư kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, nhà đầu tư.

Thứ ba, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ: - Nắm bắt và vận dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách, các chương trình hỗ trợ đầu tư của Trung ương, của tỉnh để đầu tư đồng bộ hạ tầng kinh tế- xã hội phục vụ phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là hạ tầng giao thông kết nối theo Đề án phát triển vùng kinh tế phía Nam tạo thuận lợi thu hút đầu tư như: Tuyến đường nối từ đường cao tốc Bắc Nam với Quốc lộ 1A và cảng biển Cà Ná; nâng cấp các tuyến đường Văn Lâm - Sơn Hải, QL 1A - Phước Hà- Ma Nới (đường 709); Đường nối từ Trung tâm hành chính huyện Thuận Nam đến Khu công nghiệp Cà Ná; đẩy nhanh tiến độ đầu tư Kênh chuyển nước Tân Giang - Sông Biêu; liên thông hồ Sông Than, cung cấp nước cho các dự án trọng điểm phía Nam, nhất là khu vực ven biển...

Tập trung ưu tiên phát triển đô thị Cà Ná, Phước Nam với mục tiêu đến năm 2025 sẽ trở trành đô thị loại V, phát triển các khu đô thị phục vụ các dự án trọng trọng điểm phía Nam, như: Khu đô thị mới Đầm Cà Ná, Khu Đô thị phía Đông, Phía Tây Quốc Lộ 1A, các khu đô thị du lịch biển... gắn với việc đầu tư nâng cấp mạng lưới trường, lớp học, phát triển mạng lưới y tế cơ sở, nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao, các khu vui chơi, giải trí đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ và luyện tập của người dân, các chuyên gia, người lao động.

Thứ tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để tăng cường thu hút đầu tư, đẩy nhanh hoàn tất thủ tục triển khai các dự án đầu tư vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: - Trọng tâm là đẩy mạnh việc rà soát, đơn giản hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính từ huyện đến cơ sở trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, nhất là đẩy mạnh thực hiện TTHC qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính.
- Tăng cường đối thoại, kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp nhà đầu tư, thông qua việc thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, Tổ chức định kỳ gặp mặt đối thoại doanh nghiệp.

Thứ năm, tập trung phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: - Chủ động phối hợp với các ngành của tỉnh, các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp, nhà đầu tư có nhu cầu sử dụng lao động, triển khai đào tạo theo hình thức đặt hàng đào tạo để tạo nguồn lực lao động trẻ có chuyên môn, tay nghề cao, ưu tiên nguồn lao động tại địa phương, phục vụ cho nhu cầu các dự án trọng điểm và Khu, cụm công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam.
- Phối hợp với với các ngành của tỉnh thu hút đầu tư hình thành cơ sở đào tạo nhân lực phục vụ cho các ngành, lĩnh vực trọng điểm khu vực phía Nam, nhất là các ngành nghề mới như năng lượng tái tạo, du lịch, kinh tế biển...
Thứ sáu, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ và Nhân dân trong toàn huyện.
- Tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phố biến, quán triệt sâu rộng Nghị quyết 15-NQ/TU của Tỉnh uỷ và các kế hoạch triển khai của tỉnh về phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân bằng nhiều hình thức, nhất là ý nghĩa và tầm quan trọng của phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đối với phát triển của tỉnh và huyện, các địa bàn có dự án đầu tư, tạo sự đồng thuận cao, ủng hộ, đồng hành của Nhân dân.
- Nâng cao nhận thức, quyết tâm, trách nhiệm, khát vọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn huyện, trong triển khai thực hiện, hiện thực hoá chủ trương phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Huyện Thuận Nam tin tưởng rằng, với sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, Bộ ngành trung ương; sự quan tâm hỗ trợ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; các Sở, ngành địa phương trong tỉnh; sự quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền và cùng với sự đồng thuận của Nhân dân và đồng hành của doanh nghiệp, chúng ta sẽ sớm hiện thực hoá mục tiêu xây dựng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở thành vùng kinh tế động lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Tỉnh theo hướng nhanh, bền vững.

Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam, ông Trương Xuân Vỹ.

Để sớm hiện thực hoá chủ trương phát triển vùng kinh tế phía Nam, bên cạnh quyết tâm, nỗ lực của địa phương, huyện Thuận Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm ủng hộ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các Sở, ngành tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện, nhất là: (1) có cơ chế đặc thù hỗ trợ huyện trong huy động nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội; (2) sớm phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất tỉnh giai đoạn 2021-2030, ưu tiên dành quỹ đất đảm bảo cho các nhu cầu phát triển các ngành kinh tế động lực phía Nam theo Đề án được duyệt; (3) đẩy nhanh tiến độ hoàn tất thủ tục để sớm triển khai các dự án động lực vùng kinh tế trọng điểm phía nam như: Dự án trung tâm điện khí LNG Cà Ná; khu công nghiệp Cà Ná; các dự án phát triển đô thị, du lịch, năng lượng tái tạo…; (4) kiến nghị Chính phủ có cơ chế đặt thù cho vùng kinh tế phía Nam được hưởng các cơ chế ưu đãi như các Khu kinh tế ven biển để tạo hấp dẫn trong thu hút đầu tư.

Trích bài phát biểu của Phó Bí thư huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam, ông Trương Xuân Vỹ - tại Hội thảo “Ninh Thuận-30 năm một chặng đường đổi mới và phát triển”