Theo ông Trương Xuân Vỹ, Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam: Với thuận lợi là Huyện có bờ biển kéo dài 43km, với lãnh hải rộng trên 7.200 km2 ; Do nằm ở vùng nước trồi và là nơi hội tụ của hai dòng hải lưu nóng và lạnh từ phía Bắc xuống và từ phía Nam lên kéo theo nhiều loài cá và hải sản đặc sản di chuyển theo hai dòng hải lưu này cộng với nguồn thức ăn phong phú tại đây nên đã tạo cho Thuận Nam - Ninh Thuận nguồn lợi hải sản phong phú, có nhiều bãi cá đáy, cá nổi ổn định. Theo kết quả thống kê về sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản cho thấy ở từ độ sâu 200m nước trở vào bờ có khoảng 100 loài hải sản kinh tế thuộc 4 nhóm động vật chủ yếu là giáp xác, nhuyễn thể, da gai, cá; ngoài ra trong số thực vật biển có 10 loài thuộc nhóm rau câu, rong mơ, rong đỏ… Với thềm biển tương đối sâu, đáy biển có nhiều cát và san hô, nước biển có độ mặn cao và ổn định, thuận lợi cho sản xuất đạt năng suất cao.
Có thể thấy rằng, khai thác hải sản là một trong những thế mạnh của Ninh Thuận nói chung và huyện Thuận Nam nói riêng, hàng năm ngành thủy sản của huyện đã góp phần trên 55% giá trị sản xuất thủy sản của tỉnh. Hệ thống thu mua, nậu vựa, kinh doanh nguyên liệu hải sản - Các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá tương đối phát triển, đủ khả năng đáp ứng cho 80% nhu cầu hoạt động khai thác hải sản nhưng chủ yếu hoạt động này còn riêng lẻ theo cơ chế thị trường...
Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho Cảng cá Cà Ná và bến cá Sơn Hải đã tạo điều kiện thuận lợi cho tàu cá vào cập cảng bốc dỡ hàng hoá, tiếp nhận các dịch vụ và neo đậu trú tránh gió, bão an toàn, ... nhất là đội tàu xa bờ. Hiện tại, Cảng cá Cà Ná có thể cho tàu lên đến 1000CV cập bến và tạo bến neo đậu, tránh trú bão cho khoảng 1000-1200 tàu thuyền trong và ngoài tỉnh; Cùng với sự phát triển của tàu cá, trên địa bàn huyện đã hình thành 03 cơ sở đóng sửa tàu thuyền, với năng lực đóng mới đạt 8 - 10 tàu/cơ sở/năm; trong đó khâu kéo tàu lên ụ, cưa, xẻ gỗ đã cơ khí hoá 100%, khâu lắp ráp sửa chữa còn là bán thủ công. Đã tạo công ăn việc làm ổn định cho các lao động của địa phương, thu nhập bình quân đầu người tại các xã biển Cà Ná, Phước Diêm khoảng 65 triệu đồng/người/năm.
Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam cho biết: Qua thời gian thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế biển giai đoạn 2016-2020 đánh dấu bước ngoặt mới đối với phát triển kinh tế biển ở Thuận Nam. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, địa phương đã đạt được những kết quả quan trọng như tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) ngành thủy sản bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt trên 6,1%, hàng năm đóng góp trên 90% tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản của huyện và đóng góp khá cao vào giá trị sản xuất thủy sản toàn tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng trưởng bình quân 22,1%/năm, trong đó công nghiệp tăng gần 31,6%, xây dựng tăng trên 16,8%. "Đặc biệt, năm 2021, năm đầu tiên thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, dưới tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thuận Nam tiếp tục đoàn kết, vượt qua khó khăn, duy trì phát triển ổn định nền kinh tế với tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 7.900 tỷ đồng, đạt 112,9% so với kế hoạch; thu ngân sách 98 tỷ đồng, đạt 118% dự toán tỉnh giao; thu nhập bình quân đầu người đạt 38 triệu đồng, tăng 1,3% so với năm trước".
Huyện Thuận Nam đã phối hợp kêu gọi đầu tư thành công và đưa vào vận hành 15 dự án điện mặt trời với công xuất 1.259 MW và 5 dự án điện gió với công suất 252,8 MW đã tạo ra sản phẩm mới, thúc đẩy phát KT-XH. Dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná, quy mô 430 ha, thiết kế bao gồm 25 bến tổng hợp và chuyên dùng; trong đó giai đoạn I của dự án đã cơ bản “cán đích”, chuẩn bị đưa vào vận hành trong bao gồm: Khu bến phục vụ chung cho nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của các khu công nghiệp của tỉnh và các vùng khác với cỡ tàu tiếp nhận: Tàu tổng hợp, container trọng tải đến 100.000 DWT, tổng chiều dài bến khoảng 600m, diện tích mặt bến 2,1 ha; khu kho bãi, hạ tầng dịch vụ, công suất thiết kế tổng lượng hàng tổng hợp thông qua cảng năm 2025 từ 1,89-3,69 triệu tấn/năm và năm 2030 từ 3,21-5,48 triệu tấn/năm. Cùng với đó là nhà máy khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) với công suất 1.500 MW nằm trong Dự án Tổ hợp 4 nhà máy điện khí LNG với tổng công suất 6.000 MW và Khu công nghiệp Cà Ná diện tích 827 ha thu hút các nhà đầu tư trên lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, chế biến công nghiệp - thủy sản, vận tải biển, định hình và phát triển trung tâm logistics...
Ông Trương Xuân Vỹ nhấn mạnh: Trong thời gian tới, với định hướng huyện sẽ tập trung chỉ đạo tiếp tục phát triển đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên như: Năng lượng; các ngành kinh tế biển mới; dịch vụ và du lịch biển; công nghiệp ven biển; nuôi trồng và khai thác hải sản; kinh tế hàng hải và khai thác các tài nguyên khoáng sản biển khác.
1 - Tập trung phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch theo hướng công nghệ mới gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thu hút các nhà đầu tư có năng lực sớm đầu tư hoàn thiện xây dựng Tổ hợp Điện khí LNG Cà Ná;
2 - Đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ gắn với hình thành đô thị ven biển. Trước mắt, phối hợp xúc tiến khởi động dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp và thể thao mạo hiểm Mũi Dinh Ecopark; đẩy nhanh triển khai các dự án khu vực công nghiệp phía Nam tỉnh, trọng tâm là Khu công nghiệp Cà Ná gắn với Tổ hợp Điện khí LNG Cà Ná theo hướng khu công nghiệp sinh thái ven biển.
3 - Phát triển nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ, thu hút các dự án công nghiệp có nhu cầu vận tải đường biển, từng bước hình thành và phát triển các loại hình dịch vụ vận tải biển, hệ thống các kho hàng, bến bãi, cung ứng dịch vụ kỹ thuật bảo dưỡng, bảo hành và cung ứng vật tư kỹ thuật phục vụ vận tải biển
4 - Tập trung phát triển ngành Công nghiệp chế biến muối và sau muối...Qua đó, từng bước đưa huyện trở thành vùng trọng điểm về phát triển kinh tế phía Nam của tỉnh./.
Đại diện NTB-TN