VNHNO - Theo người dân huyện Phù Ninh (Phú Thọ), hoạt động của công viên Thiên Đức Vĩnh Hằng ảnh hưởng lớn đến diện tích trồng lúa khiến nhiều hộ không thể canh tác, thậm chí phải bán đất.
Từ khi công viên Thiên Đức Vĩnh Hằng chính thức đi vào hoạt động, cuộc sống yên bình của người dân 3 xã Bảo Thanh, Trung Giáp, Phú Lộc (huyện Phù Ninh) bị đảo lộn.
Cánh đồng giáp xóm Hốp Náp bị xôi bồi, chẹn đứng dòng chảy tưới tiêu khiến người dân phải bỏ ruộng cỏ mọc um tùm.
Cuối tháng 8/2018, chia sẻ với PV, người dân xóm Hốp Náp (xã Bảo Thanh) cho biết, cuối năm 2016, công viên Vĩnh Hằng đã tự ý đổ đất đồi (loại đất đỏ) san gạt khiến diện tích tích đất ruộng trồng lúa 1 năm 2 vụ, mỗi vụ 2 tạ/sào của nhiều người trong xóm bị xô bồi, bị lấp hoàn toàn. Không những thế, những thửa nằm cách xa khu vực san gạt cũng không thể canh tác được vì mương dẫn nước từ đập về để phục vụ tưới tiêu cũng bị chẹn đứng.
Ban đầu, chỉ vài ruộng bị ảnh hưởng do mưa làm xối đất bồi lấp, về sau, những thửa ruộng phía dưới không còn nước để cấy lúa, người dân bắt đầu bỏ ruộng.
Người dân nhiều lần phản ánh, kiến nghị, công viên Vĩnh Hằng mới tiến hành đền bù diện tích đất bị ảnh hưởng 75kg/sào/vụ, đất bị ảnh hưởng nặng 180kg/sào/vụ. Điều đáng nói là trước khi đổ đất, san gạt, phía công viên Vĩnh Hằng không thông báo cho người dân, chỉ khi bị phản ứng gay gắt, công ty mới tiến hành thỏa thuận.
Phía trên cánh đồng xóm Hốp Náp kênh mương dẫn nước bị đất xô bồi, chẹn đứng dòng chảy.
Ruộng bị san gạt mất đã đành, còn lại cũng không thể làm gì hơn nên người có tuổi sức khỏe yếu thì ở nhà trồng cỏ nuôi bò, thanh niên lác đác một số người vào làm việc cho Công viên 8h/ngày, mỗi ngày 100 nghìn tiền công. Nhà mất ít cũng 1, 2 sào, nhà nhiều 5, 6 sào.
Hết ruộng, hết lúa người dân xóm Hốp Náp đành phải đi đong gạo. Nhưng điều mà bà con băn khoăn nhất là đến bao giờ được trả lại đất? Nhiều người nghe phong phanh về việc UBND tỉnh cho phép mở rộng Công viên Vĩnh Hằng giai đoạn 2, nhưng cụ thể như thế nào thì cũng không ai tỏ tường.
Trao đổi với PV CL&XH ông Trần Văn Để, trưởng khu dân cư số 4, xã Bảo Thanh cho biết, ruộng đất của người dân bắt đầu bị ảnh hưởng từ năm 2013, số diện tích bị xô bồi tăng dần theo số năm, hiện tại xóm Hốp Náp đã gần hết đất canh tác.
Ruộng bỏ không trồng cấy được một số hộ dân đã bán để “nhập quỹ” cho công viên Vĩnh Hằng: “Việc bán đất cho công viên thực tế cũng có chứ không phải không, có một hộ đã bán 4 – 5 sào đất trồng sắn tràn Dọc Gió. Hôm tôi ở bệnh viện điều trị bệnh có người gọi điện thoại thông báo bán đất, nhưng tôi đã yêu cầu phó khu có ngay biện pháp can thiệp để họ không bán đất cho công viên” ông Để nói.
Đất san gạt của công viên Thiên Đức Vĩnh Hằng không có biện pháp kè chắn, khi gặp trời mưa liền tràn xuống ruộng người dân.
PV đem sự việc một số người dân khu 4 bán ruộng cho công viên Vĩnh Hằng hỏi ông Phạm Thanh Tùng (Chủ tịch UBND xã Bảo Thanh) thì nhận được câu trả lời “Ở Bảo Thanh này làm gì có ai bán ruộng ?!”.
Theo ông Tùng, xã có 9ha đất bị ảnh hưởng từ hoạt động đổ đất, san gạt đất của công viên Vĩnh Hằng. Ngoài ra có 2 hộ trong xóm Hốp Náp bị tràn đất vào khu vực đất ở cũng đã được giải quyết xong. Về thông tin công viên xả thải, chôn lấp, đốt rác bừa bãi, ông Tùng khẳng định không hề có sự việc nào, việc người dân phản ánh thường ngửi mùi “đặc trưng” lò thiêu cũng không có.
Báo CL&XH sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.