29/11/2024 lúc 11:55 (GMT+7)
Breaking News

Phú Hòa: Tăng cường xây dựng Đảng, đẩy mạnh phát triển kinh tế qua nửa nhiệm kỳ

Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội (NQĐH) Đảng bộ huyện lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phú Hòa đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực; trọng tâm là tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Tăng cường xây dựng Đảng

Ông Phạm Khi - Phó Bí thư thường trực Huyện ủy cho biết: Huyện ủy luôn xác định quan điểm: xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thực chất là nhiệm vụ then chốt. Nửa nhiệm kỳ qua, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành 05 chương trình hành động, 22 kế hoạch thực hiện NQĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, NQĐH Đảng bộ huyện lần thứ XVI. Ngoài ra, Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành 07 chỉ thị, 16 chương trình, 12 quy chế, 21 hướng dẫn, 223 kế hoạch, 880 kết luận, 348 báo cáo, 73 thông báo và nhiều văn bản khác để thực hiện các chủ trương của Trung ương, của tỉnh và huyện. Triển khai thực hiện tốt Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" gắn với tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Tỷ lệ cán bộ chủ chốt tham gia các đợt triển khai đạt trên 98%, đảng viên trên 95% và đoàn viên, hội viên trên 80%. Không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng gần dân, sát dân, phát huy tốt vai trò hạt nhân chính trị của các tổ chức cơ sở đảng và nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền từ huyện đến cơ sở.

Hội nghị quán triệt các chương trình Tỉnh ủy

Cùng với xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, Huyện ủy Phú Hòa xác định công tác cán bộ là quyết định. Từ đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2021 – 2025, đảm bảo 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý đạt chuẩn về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị. Ông Bùi Văn Kim –Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy cho biết: huyện đã cử 24 cán bộ học Cao cấp Lý luận chính trị; 20 cán bộ học Trung cấp Lý luận chính trị; mở 08 lớp nhận thức về Đảng cho 511 quần chúng ưu tú; mở 07 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cơ sở cho 341 đảng viên mới; triệu tập 76 công chức, viên chức tham gia học lớp kiến thức quốc phòng đối tượng 4; 02 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng dành cho bí thư chi bộ và cấp ủy viên cơ sở, số lượng 156 học viên; mở 01 lớp sơ cấp lý luận chính trị, với 81 học viên, giúp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của huyện chuẩn hóa về trình độ, tiêu chuẩn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới.

Công tác phát triển đảng viên được cấp ủy, tổ chức đảng trong huyện tập trung thực hiện tốt.  Nửa nhiệm kỳ (2020-2025) đã kết nạp 328 đảng viên. Năm 2021, kết nạp 140 đảng viên, đạt 142,86% chỉ tiêu tỉnh giao và 100% chỉ tiêu huyện; năm 2022 kết nạp 131 đảng viên, đạt 133,7% chỉ tiêu tỉnh giao và 100% chỉ tiêu huyện; 6 tháng đầu năm 2023 kết nạp 57 đảng viên, đạt 58,16% chỉ tiêu tỉnh giao và 43,5% chỉ tiêu huyện. Số đảng viên mới đã phát huy được vai trò tiền phong, gương mẫu, góp phần xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế 

Xác định thế mạnh kinh tế của huyện là nông - lâm nghiệp, huyện tập trung phát triển sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Bà Trần Thị Nguyệt - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt khoảng 14.181 ha; sản lượng lương thực cây có hạt bình quân hàng năm trên 80.716 tấn, đạt 97,2% kế hoạch đề ra, trong đó lúa chất lượng cao chiếm trên 44,8%, góp phần bảo đảm an ninh lương thực. Xây dựng và phát triển nhiều mô hình trồng rau, quả sạch, an toàn mang lại hiệu quả kinh tế cao như: mãng cầu, mít, cây dược liệu, rau sạch theo quy trình VietGap với diện tích 40 ha, tăng 33 ha so với năm 2020. Nổi bật là xây dựng thương hiệu khóm Đồng Din. HTX Đồng Din liên kết các hộ dân bao tiêu sản phẩm trái khóm, diện tích 30 ha, sản lượng hàng năm trên 400 tấn. Một số sản phẩm khác như Bánh Khóm, Rượu khóm, Giấm khóm, Măng sấy, Lá Giang sấy, nước rửa chén sinh học, nước lau sàn sinh học Đồng Din, nhiều sản phẩm ra đời tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Bà Nguyệt cho biết thêm: Phú Hòa đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị với diện tích 1.991 ha, chiếm 14% tổng diện tích gieo trồng, tăng 4% so năm 2020, gắn liên kết trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm như: mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ mía giữa các hộ dân và Công ty TNHH Công nghiệp KCP diện tích 720 ha, khoảng 43.000 tấn mía cây; mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, tổ chức liên kết Viện KHKT NN Duyên hải Nam Trung Bộ từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm có 12 HTX tham gia, diện tích 1.228 ha; mô hình liên kết tiêu thụ gạo thơm Hòa Quang Bắc sản lượng 06 tấn gạo/năm; mô hình liên kết các trại bò lớn tiêu thụ ngô sinh khối, diện tích 5ha/năm, sản lượng trên 220 tấn/năm; mô hình liên kết Công ty Dược Miền Trung diện tích 06 ha/năm, sản lượng khoảng 270 tấn/năm.

Công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phòng chống cháy rừng được huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện thường xuyên; nâng tỷ lệ che phủ là 37%, đạt 99,19% so với Nghị quyết; tổ chức thành công diễn tập chữa cháy rừng trong năm 2022; tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tiếp tục hướng dẫn nhân dân chăm sóc 616 ha rừng trồng chưa đạt tiêu chí thành rừng.

Huyện ủy Phú Hòa khen thưởng thực hiện NQ 25/NQ-TW

Hoạt động sản xuất công nghiệp và xây dựng phát triển, tổng giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng. Ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: huyện phối hợp triển khai đầu tư xây dựng và thu hút nhiều dự án như: cải tạo, nâng cấp quốc lộ 25; kè chống sạt lở bờ tả sông Ba kết hợp phát triển hạ tầng đô thị; khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng nước nóng Phú Sen của Công ty Cổ phần Menifique; dự án cấp nước sạch tại các xã của Công ty TNHH đầu tư chuyển giao công nghệ Toàn Cầu,… góp phần quan trọng cho sự phát triển của địa phương. Toàn huyện, có 02 cụm công nghiệp và 01 khu sản xuất Ngọc Sơn với 15 doanh nghiệp hoạt động, tổng vốn đăng ký 120 tỷ đồng, giải quyết việc làm 470 lao động; có 07 nhà máy gồm 04 nhà máy sản xuất gạch Tuynen, 01 nhà máy sản xuất gạch không nung và 02 nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng. Huyện có 05 làng nghề: làng trồng hoa và rau màu thôn Ngọc Sơn, xã Hòa Quang Bắc; làng nghề bún Định Thành, xã Hòa Định Đông; làng nghề Bánh tráng Đông Bình xã Hòa An; làng nghề bó chổi Mỹ Thành xã Hòa Thắng; làng nghề mộc Vĩnh Phú, xã Hòa An, hoạt động hiệu quả, giúp người dân phát triển kinh tế.

Ông Lê Ngọc Tính, TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện khẳng định: nửa nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phú Hòa đã chủ động, tích cực, chung sức, đồng lòng, quyết tâm triển khai nhiều giải pháp, nỗ lực vượt qua khó khăn thực hiện đạt 10/13 chỉ tiêu NQĐH Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI đề ra. Trong nửa cuối nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ huyện Phú Hòa tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của các cấp ủy đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội bền vững, trong đó từng bước phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại, triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án về giảm nghèo. Đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo trong triển khai thực hiện công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, thực hiện tốt phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Hành động - Phát triển” với tinh thần: Nhận thức phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, phương pháp phải đúng, hành động phải quyết liệt, khen thưởng phải kịp thời, xử lý phải nghiêm minh. Phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra.

Thùy Trang 

...