07/01/2025 lúc 16:39 (GMT+7)
Breaking News

Phát triển du lịch Lào Cai gắn với phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Lào Cai là tỉnh phát triển mạnh về du lịch. Trong đó, mô hình du lịch cộng đồng được đặc biệt coi trọng và quá trình phát triển gắn liền với công tác xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS).

Mô hình này không chỉ tạo ra những cơ hội việc làm cho người dân mà còn mang lại nguồn thu nhập bền vững, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho cộng đồng. Bằng cách mở rộng hoạt động du lịch đến các làng bản, Lào Cai đã phát huy tối đa tiềm năng từ bản sắc văn hóa đặc sắc và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ; đồng thời khuyến khích đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch như hướng dẫn viên, chủ homestay, sản xuất các sản phẩm thủ công…, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống.

Khách du lịch trải nghiệm mùa lúa chín tại Y Tý, huyện Bát Xát. Ảnh: Quang Phấn

Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới, có diện tích tự nhiên đứng thứ 19/63 tỉnh, thành trong cả nước; dân số 730.420 người, gồm 25 dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 66,2% dân số toàn tỉnh. Hiện nay toàn tỉnh có 37/164 xã thuộc khu vực II, 102/164 xã thuộc khu vực III, trong đó 11 xã và 95 thôn được hưởng Chính sách 135… Trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, ngành Du lịch Lào Cai luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh và sự đồng hành của casccaasp, ngành, của người dân nên đã có những bước phát triển vượt bậc trong những năm qua, hướng đến thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nhờ vào sự phong phú của cảnh quan thiên nhiên, nét văn hóa độc đáo và những di tích lịch sử nổi tiếng.

Đặc biệt, du lịch cộng đồng tại Lào Cai đang ngày càng thu hút được sự quan tâm của du khách, góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc ít người tham gia vào các hoạt động du lịch cộng đồng; nổi bật là Sa Pa và Y Tý, hai địa danh thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Cũng từ sự phát triển mạnh mẽ đó, Du lịch Lào Cai được các cơ quan truyền thông và khách du lịch đánh giá cao: Năm 2021, Tạp chí Mỹ Travel & Leisure Top lựa chọn giới thiệu 10 điểm đến xanh nhất Trái đất, Sa Pa của Việt Nam nổi bật với vị trí số 1; năm 2023, Sa Pa được tạp chí du lịch quốc tế Condé Nast Traveler bình chọn là một trong 50 thị trấn nhỏ đẹp nhất thế giới; năm 2024 Sa Pa được lựa chọn trong Top điểm đến Thịnh hành nhất của nền tảng du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới Tripadvisor... Lào Cai phấn đấu hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết 11-NQ/TU đề ra là đến hết năm 2025 sẽ đón được 10 triệu lượt khách du lịch; đến năm 2030, du lịch Lào Cai là ngành kinh tế mũi nhọn đột phá, tạo tiền đề đến năm 2050 trở thành ngành kinh tế chủ đạo, quan trọng của địa phương.

Gắn với chủ trương chung về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ngành Du lịch Lào Cai đã thực hiện một số nhóm giải pháp cụ thể, bao gồm: Quy hoạch hệ thống chợ phiên gắn với kiến trúc và văn hóa truyền thống, theo hướng ưu tiên sản phẩm thủ công truyền thống, ẩm thực truyền thống; Quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ; Bảo tồn và đa dạng hóa sản phẩm thủ công truyền thống; Nghiên cứu gắn kết giữa chợ phiên và ẩm thực để xây dựng sản phẩm du lịch; Đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch gắn với chợ phiên và làng nghề trên hệ thống truyền thông trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Lào Cai đã xây dựng, phát triển một số nhóm sản phẩm du lịch đặc thù như: Sản phẩm du lịch cộng đồng, sản phẩm du lịch gắn với di sản, sản phẩm du lịch khám phá văn hóa vùng cao, sản phẩm du lịch gắn với văn hóa truyền thống, sản phẩm du lịch trải nghiệm nông nghiệp, sản phẩm du lịch gắn với nghề thủ công truyền thống.

Để phát triển các sản phẩm du lịch vùng cao, tỉnh Lào Cai đã ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn như: Cho vay hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng; chính sách hỗ trợ câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian tại điểm du lịch địa phương; chính sách, giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động. Việc phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số đã tạo việc làm, tạo ra thu nhập cho người dân; đem lại cơ hội phục hồi và phát triển của một số nghề truyền thống và các phong tục, sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Các di sản được quảng bá mang thương hiệu quốc gia vươn tầm quốc tế.

Trong quá trình phát triển du lịch cộng đồng ở Lào Cai, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập tại chỗ của người dân, luôn được quan tâm. Chẳng hạn như nghề dệt vải, nhuộm chàm, thêu hoa văn trên trang phục dân tộc… Hay như vốn dân ca dân vũ của dân tộc thiểu số, như: Phụ nữ dân tộc Mông có cả một kho tàng những bài hát ru, bài giao duyên, hát khi đi làm nương; người phụ nữ Tày là những bài hát yêu, hát then; phụ nữ Giáy là điệu múa khăn, những bài dân ca…

Gắn với việc bảo tồn văn hóa trong phát triển du lịch cộng đồng, hiện trên toàn tỉnh Lào Cai có gần 1.000 câu lạc bộ, đội văn nghệ. Đặc biệt, trong khuôn khổ Dự án số 6 về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình Mục tiêu phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, có gần 20 câu lạc bộ văn nghệ dân gian được thành lập và khoảng 40 đội văn nghệ được hỗ trợ để bảo tồn vốn dân ca, dân vũ truyền thống của dân tộc, phục dựng, xây dựng một số chương trình tiết mục phục vụ các hoạt động du lịch của địa phương… Đó chính là những “chất liệu” sinh động góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng trong hoạt động du lịch cộng đồng, gắn với vùng dân tộc thiểu số ở Lào Cai.

Với việc quan tâm phát triển từ rất sớm, du lịch cộng đồng hiện nay ở Lào Cai không chỉ tăng nguồn thu cho các địa phương vùng cao, mà còn khôi phục phát triển một số nghề truyền thống của các dân tộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, nhiều sự kiện quy mô cấp quốc gia và quốc tế được tổ chức thành công, đặc biệt đã hình thành các sự kiện văn hóa, thể thao nổi tiếng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, như: giải Marathon vượt núi quốc tế (Viet Nam Moutain Marathone) “Festival Tinh hoa Tây Bắc, Festiaval cao nguyên trắng Bắc Hà “Vó ngựa cao nguyên trắng Bắc Hà”, Lễ hội tuyết Sa Pa, Lễ hội mùa thu Y Tý, Lễ hội hoa hồng và thổ cẩm, tái hiện Chợ tình Sa Pa, vó ngựa trên mây,… đã đưa Lào Cai trở thành điểm đến ưa thích của du khách trong nước và quốc tế. Phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Lào Cai không những góp phần bảo tồn nền văn hóa bản địa, mà còn mang lại lợi ích thiết thực về kinh tế cho người dân địa phương.

Du lịch cộng đồng đã góp phần chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân các dân tộc thiểu số tham gia vào các chuỗi du lịch. Thống kê cho thấy, tại Lào Cai đã có trên 350 hộ gia đình dân tộc thiểu số tham gia kinh doanh lưu trú tại gia. Trên địa bàn tỉnh có 13 điểm du lịch cộng đồng được công nhận, bao gồm: Điểm DL cộng đồng thôn Lao Chải; Điểm DL cộng đồng thôn Dền Sáng; Điểm DL trung tâm xã Bản Xèo; Điểm Du lịch cộng đồng thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai; Điểm Du lịch Cát Cát; Điểm DL thôn Má Tra – xã Sa Pa; Điểm DL cộng đồng xã Tả Phìn; Điểm DL cộng đồng thôn Sín Chải; Điểm du lịch thôn Choản Thèn; Điểm du lịch xã Nghĩa Đô, Điểm du lịch xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên; Điểm du lịch Thung lũng Mường Hoa, thị xã Sapa; Điểm DL thôn Lũng Pô, huyện Bát Xát; Điểm DL Mường Hum, huyện Bát Xát. Cùng với đó là hệ thống các làng, thôn, bản có thực hiện các hoạt động kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch.

Du lịch tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Lào Cai dần trở thành những điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Đến với Sa Pa, Bắc Hà, và gần đây là Bát Xát, Bảo Yên …, du khách không chỉ được khám phá vẻ đẹp thiên nhiên mà còn có cơ hội tham gia vào những hoạt động đặc sắc như homestay, du lịch văn hóa, tham quan ruộng bậc thang, du lịch nông nghiệp và thưởng thức ẩm thực đặc sản. Toàn tỉnh Lào Cai hiện có 466 cơ sở homestay, trong đó Sa Pa dẫn đầu với 355 hộ, Bắc Hà có 53 hộ, Bát Xát 30 hộ, Bảo Yên 27 hộ và thành phố Lào Cai có 1 hộ. Các homestay ở Lào Cai đều được trang bị đầy đủ tiện nghi mang đến cho du khách sự thoải mái và trải nghiệm chân thực khi lưu trú tại các gia đình địa phương. Đặc biệt, Lào Cai tự hào sở hữu 3 nhóm homestay đạt chuẩn ASEAN của đồng bào dân tộc Giáy tại xã Tả Van (Sa Pa), dân tộc Tày ở Tà Chải (Bắc Hà) và Nghĩa Đô (Bảo Yên). Sự công nhận này không chỉ nâng cao chất lượng du lịch cộng đồng tại các làng bản mà còn tạo ra cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho cộng đồng các dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các địa phương.

Bên cạnh đó, sự phát triển du lịch cộng đồng cũng đem lại cơ hội phục hồi và phát triển của một số nghề truyền thống và các phong tục và sinh hoạt văn hóa cộng đồng, như sản phẩm thủ công truyền thống có thổ cẩm, nhạc cụ truyền thống, trang sức bằng bạc...; Ẩm thực dân tộc có Thắng cố, Xôi bảy màu, Lạp sườn, Tương ớt, gạo Séng Cù, gà thuốc. Các hoạt động văn hóa dân gian, lễ hội truyền thống cũng dần thu hút được sự tham gia của du khách và các đơn vị lữ hành, góp phần quảng bá trực tiếp cho các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc.

Để tạo động lực cho du lịch cộng đồng tiếp tục phát triển, ngày 05/9/2024, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành quyết định số 2247/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2030” nhằm phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Lào Cai mang tính tổng thể, bền vững gắn với việc xây dựng nông thôn mới đến năm 2030, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn với mục tiêu đón 1,7 triệu lượt khách du lịch cộng đồng vào năm 2030, với tổng doanh thu từ du lịch cộng đồng chiếm 10% tổng thu nhập từ ngành du lịch toàn tỉnh. Trong đó, ĐBDTTS là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất.

Ngành du lịch Lào Cai nói chung và du lịch cộng đồng tại Lào Cai nói riêng đã và đang phát triển mang tính bứt phá, đã chứng minh sức hút mạnh mẽ của du lịch địa phương đối với du khách trong và ngoài nước. Cùng chiến lược phát triển dài hạn, Lào Cai đang tập trung vào việc xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp lớn vào GRDP của tỉnh, đồng thời nâng cao chất lượng đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội./.

Mạnh Hiếu

...