Cơ sở pháp lý đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình
Hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình của Trung ương đã được ban hành đầy đủ, cơ bản tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong quá trình thực hiện. Đến nay đã có 46/63 tỉnh, thành phố hoàn thành ban hành các văn bản cụ thể hóa các chỉ tiêu, tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về NTM theo phân cấp tại Quyết định số 211/QĐ-TTg ngày 01/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ, văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định số 03/2024/QĐ-TTg ngày 07/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ...
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã khẳng định, nhấn mạnh và bổ sung nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để tổ chức thực hiện thắng lợi các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 19-NQ/TW. Điều phối, theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 19 giữa Chính phủ, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Nghị quyết 26 đồng thời nhằm cụ thể hóa và triển khai thực hiện quan điểm, chủ trương và giải pháp tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển "Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".
Công tác tuyên truyền về xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tiếp tục được chú trọng và triển khai hiệu quả với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thực chất hơn. Mặt khác, công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai, thực hiện Chương trình đã được quan tâm, chỉ đạo và triển khai, thực hiện đầy đủ, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, những bất cập để tìm giải pháp tháo gỡ, cũng như phát hiện những gương điển hình, tiêu biểu, những cách làm hay để biểu dương và nhân rộng.
Những kết quả đáng mừng
Phong trào xây dựng NTM ngày càng nhận được nhiều hơn sự đồng lòng và ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Lũy kế đến hết tháng 06/2024, cả nước đã huy động được trên 2,8 triệu tỷ đồng đầu tư thực hiện Chương trình, trong đó, vốn ngân sách Nhà nước đã bố trí trực tiếp cho Chương trình khoảng 297.459 tỷ đồng (10,5%), vốn lồng ghép từ các Chương trình, dự án khác khoảng 204.230 tỷ đồng (chiếm 7,2%), vốn tín dụng (Dư nợ cho vay trên địa bàn các xã trên toàn quốc đến 30/6/2024 ) khoảng 2.057.982 tỷ đồng (chiếm 72,9%), vốn doanh nghiệp: Khoảng 151.483 tỷ đồng (chiếm 5,4%), cộng đồng và người dân tự nguyện đóng góp: khoảng 112.729 tỷ đồng (chiếm 4,0%).
Tính đến ngày 20/10/2024, cả nước có 6.320/8.162 xã (77,4%) đã được Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt Quyết định xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 156 xã khu vực III vùng DTTS và MN, có 11 xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn NTM, 2.182 xã (34,6%) đạt chuẩn NTM nâng cao và 480 xã (7,6%) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 296 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM (chiếm 45,96% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước), trong đó, đã có 11 huyện (05%) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Đã có 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 15 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn NTM và 100% đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ NTM. Có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được các địa phương triển khai đồng bộ, rộng khắp, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn. Đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng và ban hành Đề án/Kế hoạch triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025. Đến nay, cả nước đã có 14.085 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 72,1% sản phẩm 3 sao, 25,8% sản phẩm 4 sao, 2,1% sản phẩm 5 sao và tiềm năng 5 sao...
Khó khăn, bất cập trong thực hiện và những giải pháp tháo gỡ
*Những khó khăn, bất cập
+ Hiện nay các xã chưa về đích nông thôn mới ở nhiều tỉnh đều là những xã khó khăn, chính vì vậy tiêu chí về “Thu nhập” rất khó đạt. Theo đó, cần có thêm nguồn lực để hỗ trợ và có những cơ chế, chính sách phù hợp để kịp thời tháo gỡ khó khăn về tiêu chí thu nhập cho các xã trong quá trình về đích nông thôn mới.
+ Cũng có các xã chưa đạt NTM là ở các xã vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy khi địa phương về đích NTM thì các chế độ chính sách về giáo dục, y tế… bị cắt bỏ. Trung ương, các bộ, ngành cần có giải pháp để tháo gỡ vấn đề này.
+ Các văn bản chỉ đạo, điều hành thực hiện chương trình xây dựng NTM từ Bộ, ngành đến tỉnh, thành phố đôi khi còn chậm; một số vướng mắc, khó khăn từ địa phương trong quá trình thực hiện kiến nghị bộ, ngành Trung ương đôi khi chậm xem xét, hướng dẫn; một số hướng dẫn triển khai chương trình từ các Bộ, ngành còn chậm ban hành, do đó, phần nào ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
*Giải pháp tháo gỡ khó khăn
Để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tốt hơn để hoàn thành thực hiện mục tiêu xây dựng NTM đến năm 2025, Chính phủ đưa 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:
1- Đổi mới công tác truyền thông, thống nhất nhận thức, hành động về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân về nội dung xây dựng nông thôn mới, nâng cao hơn nữa nhận thức vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị huyện, xã, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới. Triển khai sâu rộng và thiết thực Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”…
2- Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn; nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống của nông dân và cư dân nông thôn;
3- Thực hiện đột phá chiến lược trong phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa; xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa khu vực nông thôn; phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn;
4- Nâng cao trình độ khoa học - công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng;
5- Hoàn thiện thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
6- Đổi mới tổ chức, hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; phát triển thị trường trong nước và nâng cao hiệu quả xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ;
7- Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đối khí hậu;
8- Tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế;
9- Giám sát đánh giá.
Bên cạnh đó, theo ý kiến các chuyên gia, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các giải pháp sau:
+ Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, nhất là vai trò của người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là ở cấp cơ sở, cấp trực tiếp tổ chức thực hiện. Các sở ngành, địa phương cần nhận thức xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị, kết quả thực hiện xây dựng nông thôn là căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể và mỗi cá nhân.
+ Song song với đó, nghiên cứu ban hành hệ thống cơ chế chính sách đồng bộ và linh hoạt ở các cấp và phù hợp với từng nhóm địa phương. Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật, cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới theo hướng tiếp tục sáp nhập các chương trình, dự án có cùng nội dung đầu tư, nội dung hỗ trợ trên địa bàn nông thôn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm thống nhất cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương triển khai hiệu quả các nội dung của chương trình, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư các nguồn lực, đảm bảo không chồng chéo, lãng phí nguồn lực.
+ Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cấp ứng dụng trong các hoạt động quản lý, điều hành các cấp; đặc biệt là quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn và các lĩnh vực kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh trật tự,... Đẩy mạnh quá trình số hóa, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về nông nghiệp, nông thôn, nông dân để chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở về kết quả xây dựng nông thôn mới.
+ Tạo điều kiện để có môi trường đầu tư thuận lợi nhằm thu hút doanh nghiệp, tập đoàn viễn thông, công nghệ thông tin đầu tư về cơ sở hạ tầng số và kết nối mạng internet đến cấp xã, ấp; hạ tầng công nghệ gắn với phát triển dịch vụ trên các lĩnh vực.
+ Ngoài nguồn vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp từ Chương trình, cần tăng cường huy động, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình dự án khác thực hiện trên địa bàn theo nguyên tắc ưu tiên huy động, khai thác tối đa nguồn lực trực tiếp tại địa phương, các nguồn vốn hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, nguồn huy động của cộng đồng, cá nhân để tập trung ưu tiên hỗ trợ các địa phương theo kế hoạch đạt chuẩn./.
Ths.Hoàng Đình Luân