27/12/2024 lúc 06:56 (GMT+7)
Breaking News

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình

Nhận thức được vai trò của phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình luôn quan tâm công tác quy hoạch, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và đạt được những kết quả quan trọng. Ứng dụng công nghệ và kỹ thuật được thực hiện tại các vùng sản xuất cây ăn quả có múi, vùng trồng cây lâm nghiệp, các trang trại, gia trại chăn nuôi… ngày càng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo Luật Công nghệ cao, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là việc ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến vào các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả, đảm bảo an toàn thực phẩm và có khả năng cạnh tranh so với sản phẩm truyền thống. Theo Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nông nghiệp công nghệ cao là nền nông nghiệp được áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm: công nghiệp hóa nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất), tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học và các giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích và phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, Đảng và Nhà nước ta chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm tăng nhanh năng suất, nâng cao chất lượng, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Nhận thức được vai trò của phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình luôn quan tâm công tác quy hoạch, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và đạt được những kết quả quan trọng. Ứng dụng công nghệ và kỹ thuật được thực hiện tại các vùng sản xuất cây ăn quả có múi, vùng trồng cây lâm nghiệp, các trang trại, gia trại chăn nuôi… ngày càng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ như công nghệ thông tin, tự động hóa sản xuất… trong một số khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp còn những hạn chế, từ đó đặt ra vấn đề đánh giá thực trạng và tìm ra những giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiệu quả.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Đại hội XI của Đảng (2011) đề ra chủ trương: phát triển nông, lâm, ngư nghiệp ngày càng đạt trình độ công nghệ cao, chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến và xây dựng nông thôn mới. Đại hội XII của Đảng (2016) tiếp tục đề ra chủ trương: Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn. Ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu. Thể chế hóa chủ trương của Đảng, ngày 17-2-2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1895/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 nhằm góp phần thúc đẩy phát triển và xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao.   

Quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành quyết định số 3030/QĐ-UBND (2013) Quyết định về việc phê duyệt Dự án quy hoạch tổng thể vùng và khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hòa Bình đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 nêu quan điểm: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phù hợp với chủ trương, chiến lược phát triển nông nghiệp của ngành, của địa phương; khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực địa phương, tiếp thu có chọn lọc thành tựu công nghệ cao trong nước; huy động sự tham gia của lực lượng nghiên cứu, đào tạo các ngành, các lĩnh vực, các thành phần kinh tế. Theo đó, các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được quy hoạch bao gồm 3 vùng, trong đó có 2 vùng ứng dụng công nghệ cao liên quan huyện Lạc Thủy: Vùng trồng cây ăn quả (cam, bưởi, nhãn) và mía tím: Tập trung ở các huyện Tân Lạc, Lạc Thủy, Cao Phong và Kim Bôi, với quy mô năm 2015 khoảng 1.712 ha (trong đó cây ăn quả: 892 ha và mía tím 820 ha), năm 2020 khoảng 2.350 ha (trong đó cây ăn quả: 1.120 ha và mía tím 1.230 ha); Vùng chăn nuôi trâu, bò thịt, nuôi lợn, gia cầm (gà) và nuôi trồng thủy sản: Tập trung ở các huyện Đà Bắc, Lạc Sơn, Yên Thủy, Tân Lạc, Lạc Thủy, Kim Bôi, Mai Châu và Cao Phong. Về quy hoạch Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bao gồm 11 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy.

Huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hòa Bình thuộc phía đông nam tỉnh Hoà Bình, phía đông giáp huyện Kim Bảng và huyện Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam), phía tây giáp huyện Yên Thuỷ (tỉnh Hoà Bình), phía bắc giáp huyện Kim Bôi (tỉnh Hoà Bình), phía nam giáp huyện Gia Viễn và huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình). Ngày 17 - 12 - 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hòa Bình (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 - 1 - 2020). Theo đó, Huyện Lạc Thủy có 10 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 2 thị trấn: Chi Nê, Ba Hàng Đồi và 8 xã: An Bình, Đồng Tâm, Hưng Thi, Khoan Dụ, Phú Nghĩa, Phú Thành, Thống Nhất, Yên Bồng. Theo thống kê năm 2018, dân số của Huyện là 65.820 người, mật độ dân số khoảng 209 người/km². Số hộ tham gia sản xuất nông nghiệp là 10.087/14.373 hộ (chiếm 70,18%); số lao động nông nghiệp chiếm 77,9% tổng số người lao động trong độ tuổi.

Huyện Lạc Thủy có địa hình xen kẽ trung du và miền núi, nhiều đồi núi đá vôi, hệ thống sông suối và thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Diện tích đất tự nhiên của Huyện là 31.358,9 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 22.192,81 ha (chiếm 70,77% diện tích đất tự nhiên). Trong diện tích đất nông nghiệp, đất sản xuất nông nghiệp là 7.187,7 ha; đất lâm nghiệp là 14.514,33 ha; đất nuôi trồng thủy sản là 321,27 ha; đất nông nghiệp khác là 169,5 ha. Về chất lượng, tầng đất canh tác mỏng, có nguồn gốc hình thành từ đá vôi, granít, sa thạch, trầm tích... Theo kết quả phân tích, lớp đất ở Lạc Thuỷ có độ phì khá, thuận lợi cho phát triển các loại cây công nghiệp và cây ăn quả. Khí hậu Lạc Thuỷ mang nét đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, một năm có hai mùa khá rõ rệt là mùa khô và mùa mưa. Với vị trí địa lý thuận lợi, nhất là tiềm năng về đất đai, khí hậu, lao động dồi dào… trên đây là tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp nói chung và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện Lạc Thủy.

Thực hiện quy hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình, Đảng bộ, Chính quyền huyện Lạc Thuỷ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp đồng bộ, trên cơ sở đó, ủy ban nhân dân các xã, thị trấn kịp thời xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đạt được nhiều kết quả tích cực trong giai đoạn 2016-2020. Đối với lĩnh vực trồng trọt, nhiều giống lúa, ngô mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất và tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Giá trị thu nhập trên 01 ha diện tích canh tác tăng lên 135 triệu đồng/năm. Nhiều mô hình sản xuất được đầu tư xây dựng với quy mô lớn như mô hình sản xuất và tiêu thụ lúa chất lượng cao Bắc Hương 9, với quy mô trên 100 ha, mô hình cây ăn quả có múi với diện tích 1.318,8 ha. Một số mô hình cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng cam cho thu nhập trên 350 triệu/ha, mô hình trồng bưởi cho thu nhập trên 250 triệu/ha, mô hình trồng na cho thu nhập 200 triệu đồng/ha, mô hình trồng thanh long, ổi, nhãn… cho thu nhập trên 150 triệu/ha. Mô hình sản xuất rau an toàn được duy trì và mở rộng diện tích (tại thị trấn Chi Nê, xã Đồng Tâm, xã Phú Nghĩa, thị trấn Ba Hàng Đồi). Mô hình trồng rau công nghệ cao trong nhà lưới phát triển với 4,0 ha (tại xã Thống Nhất, thị trấn Ba Hàng Đồi), áp dụng hình thức tưới phun mưa cục bộ và tưới tiết kiệm. Dự án khoa học công nghệ cấp Quốc gia “Sản xuất thử nghiệm một số dược liệu theo hướng dẫn GACP tại huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình” được triển khai với quy mô 70 ha cây được liệu như Hà thủ ô đỏ, Giảo cổ lam, Đinh lăng, Đẳng sâm… (tại các xã Hưng Thi, xã Thống Nhất) với kinh phí 23 tỷ đồng.

Đối với lĩnh vực sản xuất chăn nuôi, chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung, quy mô lớn như mô hình gia trại, trang trại chăn nuôi… đồng thời áp dụng kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến. Trên địa bàn Huyện có 2 Hợp tác xã chuyên sản xuất, kinh doanh gà Lạc Thủy (Hợp tác xã chăn nuôi gà Lạc Thủy, thôn An Sơn, xã An Bình và Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Minh Đức, thôn Bột, xã Phú Thành), 17 cơ sở ấp nở giống gà Lạc Thủy và trên 150 trang trại, gia trại gà Lạc Thủy. Số lượng hộ chăn nuôi gà theo hình thức trang trại, gia trại chiếm 85% tổng số hộ chăn nuôi. Hàng năm Huyện cung cấp ra thị trường khoảng 10 triệu con giống, 500 tấn gà thương phẩm. Về chăn nuôi gia súc, Huyện tích cực phát triển đàn bò sữa và đàn bò hướng thịt theo hướng tập trung với mô hình trang trại. Toàn huyện có 04 trang trại chăn nuôi bò sữa (quy mô 72 con), 02 trang trại chăn nuôi bò BBB (quy mô 176 con). Dự án khoa học cấp cơ sở “Ứng dụng kết quả nghiên cứu lai tạo giống bò BBB trên đàn bò cái nền Lai Sind tạo bê lai F1 BBB hướng thịt” được triển khai. Công nghiệp chế biến tập trung ở lĩnh vực chế biến lâm sản là chủ yếu với khoảng 25 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ (băm dăm, ván ép, viên nén than hoạt tính), 01 công ty chế biến măng.

Việc xây dựng, quản lý các nhãn hiệu được duy trì thường xuyên theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhãn hiệu “Cam Lạc Thủy”, “Gà Lạc Thủy” đã được chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ. Thực hiện Chương trình OCOP, sản phẩm gà tươi nguyên con của Hợp tác xã chăn nuôi gà Lạc Thuỷ (thôn An Sơn, xã An Bình) đạt tiêu chuẩn 4 sao. Về hoạt động xúc tiến thương mại, hàng năm Huyện tham gia các hội trợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh (giai đoạn 2015-2020 tham gia 15 hội trợ xúc tiến thương mại). Để tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang Wedsite như Gà Lạc Thuỷ, Nông sản Lạc Thuỷ... được tích cực hoàn thiện.

Có thể thấy rằng, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở huyện Lạc Thủy đạt được nhiều kết quả. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi, các quy trình sản xuất tiên tiến đã được ứng dụng vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế. Các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong trồng trọt và chăn nuôi, các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tập trung đã từng bước hình thành. Thông qua các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, người dân có cơ hội tiếp cận tiến bộ công nghệ và kỹ thuật, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, bền vững, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mới tập trung chủ yếu vào việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi. Việc ứng dụng các tiến bộ như công nghệ thông tin, tự động hóa sản xuất, công nghệ sinh học, các quy trình sản xuất tiên tiến… trong sản xuất nông nghiệp chưa được rộng rãi.

Những tồn tại trên đây do những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan, tác động của thiên tai, dịch bệnh cùng với địa hình đồi núi… dẫn đến đất canh tác bị phân tán, manh mún gây khó khăn cho việc cơ giới hóa trong sản xuất cũng như việc phát triển theo quy mô sản xuất hàng hóa. Về chủ quan, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chưa đầy đủ. Sản xuất truyển thống mang tính manh mún, quy mô nhỏ, tập quán sản xuất lạc hậu đã tồn tại lâu đời nên việc thay đổi phương thức sản xuất cũng như nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần có thời gian. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, nhất là vốn và lực lượng lao động có trình độ quản lý và tay nghề cao nên nhiều tổ chức, cá nhân ít có cơ hội tham gia do khó khăn về vốn, năng lực. Giá thành sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thường cao hơn so với sản phẩm nông nghiệp thông thường, trong khi đó giá bán có thể thấp và thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, từ dó dẫn tới sự hạn chế tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của các tổ chức, cá nhân và nhân rộng các mô hình. Trong một số trường hợp, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa được xây dựng sát với thực tế, kém hiệu quả nên chưa tạo được hiệu ứng tích cực…

Quán triệt chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Đảng, Nhà nước, quy hoạch của tỉnh Hòa Bình, huyện Lạc Thủy đã tích cực triển khai thực hiện. Các hoạt động ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp như áp dụng giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, hiệu quả, kỹ thuật theo dõi, chăm sóc cây trồng, vật nuôi … đã đem lại kết quả tích cực, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp còn những hạn chế như quy mô áp dụng còn nhỏ, hiệu quả chưa cao… Những hạn chế trên đây do những nguyên nhân khách quan và chủ quan về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, về tổ chức thực hiện của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, ý thức của người dân… Thực trạng phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Lạc Thủy đòi hỏi những đánh giá, tổng kết cần thiết, trên cơ sở đó xác định phương hướng, giải pháp phù hợp nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, khắc phục, hạn chế khó khăn, bất lợi, từ đó thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm phát triển nền nông nghiệp bền vững.     

Trần Lê Thanh - Nguyễn Đắc Dũng 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Đảng Cộng sản Việt Nam (2011),Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

Đảng Cộng sản Việt Nam (2016),Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

Thủ tướng Chính phủ (2012), Quyết định số 1895/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC thuộc Chương trình Quốc gia phát triển CNC đến năm 2020.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình (2013), Số 3030/QĐ-UBND Quyết định về việc phê duyệt Dự án quy hoạch tổng thể vùng và khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hòa Bình đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.

Ủy ban nhân dân huyện Lạc Thuỷ (2016), Quyết định số 1047/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cáo giá trị gia tăng và phát triển bền vững huyện Lạc Thủy, giai đoạn 2016 – 2020

Ủy ban nhân dân huyện Lạc Thuỷ (2020), Báo cáo Kết quả thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn huyện Lạc Thủy đến năm 2020.

...