26/12/2024 lúc 22:14 (GMT+7)
Breaking News

Phát huy lợi thế từ hội nhập và kinh tế số để đẩy mạnh xuất khẩu

VNHN - Ứng dụng công nghệ mới đang mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu  trong quá trình hội nhập kinh tế nhưng muốn khai thác được những tiềm năng đó, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chiến lược thị trường phù hợp.

VNHN - Ứng dụng công nghệ mới đang mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu  trong quá trình hội nhập kinh tế nhưng muốn khai thác được những tiềm năng đó, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chiến lược thị trường phù hợp.

Ảnh minh họa

Đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại

Tại Diễn đàn xuất khẩu 2019, với chủ đề “Nâng cao hiệu quả xuất khẩu trong bối cảnh hội nhập và xu hướng kinh tế số” do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức sáng 27/8. Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC cho biết, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã giúp Việt Nam mở rộng phạm vi thị trường thương mại hàng hóa đến hầu hết các khu vực kinh tế lớn trên thế giới. Trong bối cảnh đó, các giải pháp nâng cao hiệu quả xuất khẩu cần theo hướng gắn kết mặt hàng xuất khẩu và thị trường, tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế.

Với vai trò là cơ quan xúc tiến xuất khẩu của Tp. Hồ Chí Minh, ITPC đã xác định những khu vực thị trường mà doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu trong những năm tới là các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Hoa Kỳ, các nước tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương mà Việt Nam đã ký kết như CPTPP, EVFTA...

Hiện nay, hơn 96% doanh nghiệp của Tp. Hồ Chí Minh có quy mô nhỏ và vừa, điểm chung của các doanh nghiệp này là hạn chế về nguồn vốn, công nghệ và thiếu thị trường ổn định. Đây sẽ là nhóm doanh nghiệp cần được hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu để phát triển thị trường.

Theo đó, Tp. Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa xây dựng và phát triển thương hiệu; cung cấp thông tin thị trường, ngành hàng xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình khảo sát thị trường; tổ chức các khóa huấn luyện và đào tạo kiến thức xuất nhập khẩu, nghiên cứu thị trường; tập huấn cho doanh nghiệp về tiêu chuẩn Halal để xuất khẩu sang các thị trường đạo Hồi.

Những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sẽ được tổ chức dưới nhiều hình thức như kết nối với các cơ quan đại diện, các tổ chức xúc tiến nước ngoài tại Tp. Hồ Chí Minh; các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài; kết nối xuất khẩu thông qua các chuỗi siêu thị nước ngoài và kênh thương mại điện tử; kết nối thông qua các chương trình hội chợ - triển lãm ở nước ngoài; xúc tiến thương mại gắn với hoạt động ngoại giao của lãnh đạo thành phố ở nước ngoài; kết nối doanh nhân Việt kiều tại các nước; xây dựng chuỗi giá trị nguyên liệu phục vụ cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Tp. Hồ Chí Minh còn thực hiện những giải pháp hỗ trợ xuất khẩu, bao gồm: tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thông qua Hệ thống đối thoại Doanh nghiệp – Chính quyền thành phố để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu; kiến nghị các cơ quan chức năng của thành phố và các bộ ngành tiếp tục hoàn thiện và đơn giản hóa thủ tục liên quan xuất nhập khẩu; nâng cao hiệu quả các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu (hải quan, thuế, logistics, ngân hàng).

Xác định đúng hướng thị trường

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel cho rằng, doanh nghiệp cần nhìn rõ ba động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng hoạt động xuất khẩu ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Đông Á sang Đông Nam Á; các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA; kỹ thuật số và thương mại điện tử.

Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, sự chuyển dịch của các chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á do bị đánh thuế cao mang lại tiềm năng lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Song song đó, Việt Nam còn nhiều dư địa chưa khai thác hết từ các FTA đang có, trong khi người tiêu dùng thế giới ngày càng kết nối nhiều hơn, đặc biệt thông qua thiết bị di động để mua sắm xuyên quốc gia một cách dễ dàng.

Để khai thác hiệu quả các xu hướng thương mại trên, doanh nghiệp phải xác định được thị trường mục tiêu phù hợp với sản phẩm thế mạnh của mình; trong đó, châu Á, Mỹ và châu Âu là những thị trường tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Châu Á chiếm 60% dân số thế giới, là thị trường tiềm năng. Khi xuất khẩu vào châu Á, doanh nghiệp chú ý ở các nước phát triển, cần tập trung vào nhóm người cao niên, trong khi ở các nước đang phát triển, nhóm người trẻ tuổi lại là nhóm đối tượng tiêu dùng chủ yếu.

Châu Á cũng là khu vực ưu tiên cho di động với lượng người dùng tương tác cao, vì vậy châu Á là cái nôi phát triển thương mại điện tử hiện nay và sẽ còn tiếp tục tăng tốc. Với xu hướng mua sắm đa kênh, doanh nghiệp cần nghiên cứu tăng cường phối hợp giữa các mô hình truyền thống và trực tuyến; các mô hình bán lẻ mới.

Ở Mỹ và châu Âu, phần lớn người tiêu dùng rơi vào nhóm lớn tuổi, có ý thức cao về sức khỏe, chế độ dinh dưỡng thay đổi ít đường và nhiều đạm là những thị trường lớn cho sản phẩm hữu cơ (organic); trong đó Mỹ chiếm gần 50% thị phần. Người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu có khuynh hướng chọn các sản phẩm giá thấp, tuy nhiên họ cũng sẵn sàng chi cho các mặt hàng cao cấp nếu giá trị mang lại tương xứng.

Với việc phát triển bùng nổ của ứng dụng mua sắm trực tuyến và sàn thương mại điện tử, các chuyên gia khuyến nghị, tích hợp thương mại trực tuyến và thương mại truyền thống để nâng cao trải nghiệm mua hàng là cần thiết. Thế nhưng cần xác định, trực tuyến sẽ không thay thế hoàn toàn cho những trải nghiệm thật bởi đa phần người tiêu dùng vẫn muốn cảm nhận trực tiếp, thực tế hơn. Do đó, các doanh nghiệp “thông minh” đang quay trở lại những điều cốt lõi, tập trung vào trải nghiệm thực tế và tận dụng kỹ thuật số để mang lại cho người tiêu dùng những trải nghiệm tốt hơn.