27/12/2024 lúc 11:56 (GMT+7)
Breaking News

Kinh tế hội nhập từ góc nhìn quản lý

VNHN - Trong một “thế giới phẳng” ngày nay, hội nhập quốc tế là một yêu cầu có tính khách quan đối với mọi quốc gia. Trong quá trình phát triển ấy, bất cứ quốc gia nào cũng đều có cơ hội và thách thức đan xen.

VNHN - Trong một “thế giới phẳng” ngày nay, hội nhập quốc tế là một yêu cầu có tính khách quan đối với mọi quốc gia. Trong quá trình phát triển ấy, bất cứ quốc gia nào cũng đều có cơ hội và thách thức đan xen.

Nhưng, hội nhập thành công hay không thành công lại phụ thuộc chủ yếu vào khả năng nâng cao trình độ dân trí và việc lựa chọn hướng đi, cách làm… mang tầm chiến lược của quốc gia đó. Điều này lại chính là do con người, mà trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý. Trình độ quản lý càng thấp kém thì sự phát triển của đất nước càng chậm, thậm chí là nguy cơ tụt hậu càng lớn.

Khi đã tham gia tiến trình hội nhập quốc tế, trước hết phải có con người đủ tri  thức và ý chí để đưa đất nước thực hiện thành công quá trình đó. Thành tựu lớn hay nhỏ, nhân tố quyết định nhất vẫn là con người. Trong đó, không thể thiếu vai trò quan trọng của các nhà quản lý.

NHỮNG THÀNH TỰU KINH TẾ QUAN TRỌNG

Đối với nước ta, thành tựu đạt được sau 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới là không thể phủ nhận, nhất là trong phát triển kinh tế. Qua đó, sức mạnh kinh tế của đất nước đã tăng lên nhiều. Nhìn lại có thể thấy sự phát triển khá rõ của từng giai đoạn: Sau 10 năm đổi mới (1996) đất nước đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội; sau 25 năm đổi mới (năm 2010) đất nước đã ra khỏi tình trạng nước nghèo kém phát triển, bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình. Trong giai đoạn 2001- 2010, kinh tế tăng trưởng nhanh, đạt tốc độ bình quân 7,26%/năm; tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2010 theo giá thực tế đạt 101,6 tỷ USD, gấp 3,26 lần so với năm 2000, năm 2011 khoảng 170 tỷ USD; GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 1168 USD, năm 2014 đạt khoảng 1900 USD/ người. Trong 5 năm 2011-2015, do sự tác động của khủng hoảng tài chính thế giới, suy thoái kinh tế toàn cầu nên nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng GDP bị giảm sút. Tuy vậy, tốc độ tăng GDP bình quân vẫn ở mức khá, đạt 5,8%... Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỷ trọng giá trị khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng lên, khu vực nông nghiệp giảm xuống.  Kết cấu hạ tầng ngày càng được xây dựng hiện đại, đồng bộ; nguồn nhân lực qua đào tạo ngày càng tăng, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện… Nhờ những thành tựu như vậy mà vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao hơn bao giờ hết.

NHỮNG HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN TỪ GÓC NHÌN QUẢN LÝ

Bên cạnh những thành tựu quan trọng đạt được như đã nêu, những mặt yếu kém và nguy cơ tụt hậu về kinh tế của nước ta vẫn là một thực tế đáng lo ngại. Nguy cơ tụt hậu có thể nhận thấy so ngay với các quốc gia trong khu vực chứ chưa nói trên phạm vi toàn cầu. Nhìn một cách khái quát, những yếu kém thể hiện chủ yếu ở một số  mặt sau: Kinh tế phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu, chưa thật sự bền vững. Nhất là trong khoảng chục năm trở lại đây khi quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn, có nhiều vấn đề phát sinh nhưng chưa có được sự thích ứng kịp thời, làm hạn chế tới tiến trình phát triển. Chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chậm được hoàn thiện, hệ thống thị trường hình thành và phát triển chưa đồng bộ; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp và chưa theo kịp yêu cầu; kết cấu hạ tầng chưa hiện đại và thiếu đồng bộ đang cản trở sự phát triển; việc tạo nền tảng để trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại còn chậm và gặp nhiều khó khăn…

Nguyên nhân của sự yếu kém và nguy cơ tụt hậu trong phát triển kinh tế thì nhiều, nhưng từ góc độ cán bộ quản lý, trình độ quản lý thì có thể nhìn nhận hai yếu tố có ảnh hưởng khá trực tiếp: Một mặt, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ trước khi họ đảm nhận vai trò quản lý chưa được quan tâm đúng mức; phần lớn cán bộ được bổ nhiệm vào cương vị quản lý chưa được đào tạo đúng chuyên môn một cách bài bản nên còn thiếu kiến thức và các kỹ năng cơ bản về quản lý, chủ yếu làm việc theo kinh nghiệm cá nhân nên hiệu quả quản lý chưa cao. Trong cả hệ thống mà có nhiều người như vậy thì sự trì trệ là khó tránh khỏi. Mặt khác, ở nước ta phần nhiều cán bộ làm công tác quản lý lại xuất phát từ hoạt động chuyên môn đơn thuần, chứ không xuất phát từ năng lực và sở trường của một người có khả năng làm lãnh đạo, vì thế không những không phát huy được khả năng của họ mà nhiều khi còn làm mất đi một nhà khoa học, một nhà chuyên môn giỏi để chỉ đổi lấy một một nhà quản lý kém về năng lực. Cũng vì thiếu kỹ năng và phẩm chất của một nhà quản lý nên không ít người đảm nhiệm cương vị quản lý  có tư tưởng né tránh khó khăn, thử thách, ngại thay đổi, không chịu được áp lực công việc… dẫn đến sự trì trệ của bộ máy.

Ảnh minh họa

ĐÂU LÀ GIẢI PHÁP ?

Đây chính là vấn đề con người, là công tác cán bộ. Nâng cao năng lực và phẩm chất của cán bộ quản lý thực sự là vấn đề lớn, đòi hỏi tầm nhìn và tính nhất quán trong thực hiện tầm nhìn đó. Nhưng trước hết cần xác định một cách khoa học về  vai trò, chức năng, nhiệm vụ của người cán bộ quản lý, đặc biệt là trên cương vị lãnh đạo. Từ đó mà xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể cần phải có của cán bộ quản lý đủ để đáp ứng được vai trò, chức năng, nhiệm vụ trong lĩnh vực quan trọng này. Việc cuối cùng là việc sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ quản lý phải tuân thủ nghiêm những tiêu chí, tiêu chuẩn đã xác định.

Như vậy, để có những người đủ tiêu chí, tiêu chuẩn của một cán bộ quản lý, công tác đào tạo chuyên sâu phải được thực hiện thường xuyên, bài bản và đúng với yêu cầu thực tiễn trong thời kỳ đất nước hội nhập. Và, chỉ những cán bộ đã qua đào tạo kỹ năng quản lý  và có sở trường, khả năng về lĩnh vực này mới có thể được bổ nhiệm giữ cương vị quản lý.  

Đối với một quốc gia, đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước như một bộ khung của ngôi nhà. Bộ khung ấy mà khỏe, mà vững thì ngôi nhà sẽ vững và có thể xây dựng to đẹp hơn. Ngược lại, bộ khung ấy mà yếu, ọp ẹp thì chắc chắn ngôi nhà sẽ yếu, khó chống chọi được với “giông gió” trong hành trình cạnh tranh phát triển. 

Để có những người đủ tiêu chí, tiêu chuẩn của một cán bộ quản lý, công tác đào tạo chuyên sâu phải được thực hiện thường xuyên, bài bản và đúng với yêu cầu thực tiễn trong thời kỳ đất nước hội nhập. Và, chỉ những cán bộ đã qua đào tạo kỹ năng quản lý  và có sở trường, khả năng về lĩnh vực này mới có thể được bổ nhiệm giữ cương vị quản lý.  

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỷ trọng giá trị khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng lên, khu vực nông nghiệp giảm xuống.  Kết cấu hạ tầng ngày càng được xây dựng hiện đại, đồng bộ; nguồn nhân lực qua đào tạo ngày càng tăng, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện… Nhờ những thành tựu như vậy mà vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao hơn bao giờ hết.