24/11/2024 lúc 18:10 (GMT+7)
Breaking News

Ninh Bình số hóa – Kiến tạo tương lai

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc. Tỉnh Ninh Bình đã đặt mục tiêu xây dựng một kế hoạch chuyển đổi số toàn diện, bền vững cho năm 2025, nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ công, nâng cao năng lực cạnh tranh, và thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.

Năm 2025, xác định khâu đột phá trong chuyển đổi số tỉnh Ninh Bình là thực hiện chuyển đổi căn bản các hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành; cung cấp dịch vụ công; giám sát, kiểm tra lên môi trường điện tử để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền số ở các cấp nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Tỉnh Ninh Bình xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm và đòn bẩy để phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, bền vững.

Trong đó, yêu cầu tập trung thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác kiểm soát và cải cách thủ tục hành chính; cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công thiết yếu đảm bảo thực chất, hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện các Hệ thống thông tin, hạ tầng, nền tảng số; phát triển các điều kiện công dân số; thiết lập hạ tầng, mạng lưới bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin đủ mạnh; triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn mạng, đảm bảo hoạt động an toàn cho hạ tầng số và các hệ thống thông tin; tạo lập, chuẩn hóa, thu gom, tích hợp dữ liệu số theo hướng quản lý, lưu trữ tập trung, chia sẻ dùng chung phục vụ xây dựng Chính quyền số dựa trên công nghệ số và dữ liệu số; thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số thông qua đẩy mạnh các ứng dụng, dịch vụ tiện ích, trí tuệ nhân tạo (AI).

Theo Kế hoạch, tỉnh Ninh Bình phấn đấu đến năm 2025:

Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; thể chế, chính sách số: 100% nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao được cụ thể hóa thực hiện bằng các văn bản, kế hoạch và theo dõi, giám sát, đánh giá thường xuyên; 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số năm 2025; Kế hoạch hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia trong phạm vi, địa bàn quản lý và tổ chức triển khai các hoạt động thiết thực, hiệu quả, đảm bảo các chỉ tiêu đặt ra.

Về hạ tầng số: 100% địa bàn dân cư trên địa bàn tỉnh được phủ sóng mạng di động 4G; 100% địa bàn khu vực trung tâm các huyện, thành phố, các khu, cụm công nghiệp của tỉnh có sóng di động 5G;- 100% số hộ gia đình có khả năng tiếp cận dịch vụ Internet cáp quang băng rộng; Phấn đấu 100% các cơ quan nhà nước có mạng nội bộ (LAN) đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và hoàn thiện chuyển đổi sang dải địa chỉ IPv6; Phấn đấu 100% các hạng mục, hợp phần cơ bản của Trung tâm dữ liệu tỉnh được triển khai đầu tư đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Về nhân lực số: Phấn đấu 100% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản; 100% thành viên Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng của tỉnh; cán bộ phụ trách chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị, địa phương được tập huấn, diễn tập tình huống, diễn tập thực chiến đảm bảo an toàn thông tin mạng; Phấn đấu 100% thành viên các Tổ công nghệ số cộng đồng tại các cấp được tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn về kỹ năng sử dụng các dịch vụ số.

Về phát triển dữ liệu số: 100% các cơ quan, đơn vị tham gia cung cấp, mở dữ liệu và cập nhật thường xuyên trên Cổng dữ liệu mở của tỉnh; 100% các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung trên địa bàn tỉnh được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia theo lộ trình, yêu cầu của Chính phủ.

Về an toàn thông tin mạng: Tỷ lệ phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước đạt 100%, tỷ lệ triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ của các cơ quan nhà nước đạt 100%; Phấn đấu 100% các cơ quan nhà nước thực hiện triển khai giải pháp phòng chống vi rút, mã độc quản lý, giám sát tập trung, sẵn sàng phục hồi nhanh hoạt động của hệ thống thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp khi gặp sự cố, đưa hoạt động trở lại bình thường trong vòng 24 tiếng hoặc theo yêu cầu nghiệp vụ; Tổ chức triển khai đầy đủ các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng theo mô hình 4 lớp quy định tại Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 07/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Duy trì Hệ thống xác thực tập trung SSO; Hệ thống giám sát, bảo vệ, tổ chức ứng cứu, xử lý bảo đảm an toàn, an ninh mạng (SOC); Phấn đấu 100% hệ thống thông tin, hạ tầng máy chủ, thiết bị tại Trung tâm dữ liệu tỉnh được bảo vệ phòng, chống tấn công mạng, có giải pháp quản trị, vận hành và sao lưu, lưu trữ dự phòng. Duy trì, mở rộng, nâng cấp Hệ thống giám sát quản trị vận hành hạ tầng công nghệ thông tin bảo đảm hoạt động an toàn cho Trung tâm dữ liệu tỉnh (NOSC).

Về Chính quyền số: 100% văn bản (trừ văn bản mật theo quy định) trao đổi giữa các cơ quan nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số theo quy định; phấn đấu 95% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 90% công việc tại cấp huyện, 80% công việc tại cấp xã được quản lý, xử lý và luân chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

Về kinh tế số: Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử trong lĩnh vực thương mại đạt trên 80%; Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%; 100% trung tâm thương mại; 80% cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, bán lẻ hàng hóa tại các trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ hàng tiêu dùng triển khai giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền để chống thất thu thuế, thất thu ngân sách; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt tối thiểu 10%.

Về xã hội số: Tỷ lệ dân số trưởng thành được cấp chứng thư chữ ký số, chứng thư chữ ký điện tử đạt trên 50%; 100% học sinh từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh được triển khai học bạ số; 100% sinh viên trường đại học Hoa lư được triển khai bảng điểm số.

Nâng cao nhận thức, tuyên truyền, truyền thông: 100% cơ quan báo, đài; trang/cổng thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh có chuyên trang, chuyên mục và duy trì cập nhật thường xuyên tin, bài tuyên truyền, phổ biến về chuyển đổi số, Đề án 06/CP.

https://benhvienmatninhbinh.com.vn/public/userfiles/banner/news/2024/ngay_CDS/tit.jpg

https://benhvienmatninhbinh.com.vn/public/userfiles/banner/news/2024/ngay_CDS/CNTT2.jpg

Bệnh viện mắt tỉnh Ninh Bình hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2024.

Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Ninh Bình năm 2025 không chỉ là bước tiến quan trọng trong quá trình hiện đại hóa mà còn khẳng định quyết tâm của tỉnh trong việc tận dụng hiệu quả công nghệ số, tạo động lực cho sự phát triển toàn diện và bền vững. Chuyển đổi số không chỉ là công cụ, mà còn là động lực để Ninh Bình vươn lên mạnh mẽ. Với sự quyết tâm của chính quyền và sự đồng lòng của nhân dân, Ninh Bình sẽ hiện thực hóa khát vọng trở thành tỉnh phát triển toàn diện, đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số, tạo nên một tương lai thịnh vượng và bền vững.

Trần Hiếu - Thanh Nhàn