05/01/2025 lúc 13:24 (GMT+7)
Breaking News

Pháp hỗ trợ cải tạo việc trồng cà phê chè ở Tây Bắc Việt Nam

Các giống cà phê chè thử nghiệm cho thấy sức chịu hạn, chịu nắng vượt trội, khả năng chống lại sâu bệnh cao và cho sản lượng tốt. Nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê chè góp phần vào chiến lược đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê Việt Nam.

Ngày 6/6, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam kết hợp với Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nghiên cứu Nông nghiệp phục vụ Phát triển Pháp (CIRAD) và Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) tổ chức hội thảo công bố kết quả trồng thử nghiệm các giống cà phê chè (Arabica) lai tại khu vực Tây Bắc trong khuôn khổ dự án do Pháp tài trợ và nếm thử 5 mẫu cà phê thu hoạch từ các lô thử nghiệm này, gồm Sarchimor Marsellesa, F1 hybrid Starmaya, F1 hybrid Centroamericano (H1) và Catimor (giống địa phương – đối chứng). 

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery đánh giá đây là một dự án trọng điểm trong hợp tác giữa Pháp và Việt Nam và là một minh chứng rõ ràng cho thấy chất lượng quan hệ hợp tác của hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery

"Điều đáng mừng là qua kết quả trồng thử nghiệm ban đầu, giống cà phê mới cho thấy sức chịu hạn, chịu nắng vượt trội, khả năng chống lại sâu bệnh cao và cho sản lượng tốt hơn. Nhờ những đặc tính này, người nông dân có thể hạn chế việc sử dụng phân bón đầu vào, thuốc trừ sâu, từ đó bảo đảm yếu tố kinh tế và sinh học trong canh tác cà phê", Đại sứ Nicolas Warnery nhấn mạnh.

Tháng 12 năm 2019, hơn 3.000 ha cà phê bị thiệt hại do rét đậm rét hại tại tỉnh Sơn La. “Việc trồng cà phê ở Việt Nam rộ lên từ 30 năm trước. Các giống hiện đang sử dụng không còn thích nghi với sự thay đổi [khí hậu] trong những năm tới» - Pierre Marraccini, nhà nghiên cứu của CIRAD (Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Nông nghiệp Quốc tế), lập luận.

Đến năm 2025, một nửa trong số 20.000 ha cà phê ở Tây Bắc Việt Nam cần được tái canh. Từ năm 2017, CIRAD, hợp tác với các viện nghiên cứu của Việt Nam và Châu Âu, đã thử nghiệm các giống cà phê Arabica mới (lai F1) tại các khu vực miền núi của hai tỉnh Sơn La và Điện Biên.

Những giống mới này, vốn được chọn lọc và phổ biến ở Trung Mỹ, nhằm giải đáp ba thách thức là thích ứng với biến đổi khí hậu, thích ứng với nông lâm kết hợp và nâng cao chất lượng cà phê.

Việc giới thiệu và khảo nghiệm các giống mới này trước tiên được Liên minh Châu Âu tài trợ thông qua dự án BREEDCAFS (http://www.breedcafs.eu/) từ năm 2017 đến năm 2022, sau đó được Liên minh Châu Âu và AFD tài trợ thông qua dự án ASSET (www.asset-project.org) kể từ năm 2021.

 “Những giống này đặc biệt thích hợp với nông lâm kết hợp vì chúng duy trì năng suất tốt trong điều kiện che bóng» - Pierre Marraccini cho biết thêm. Mức sản lượng cao, cao hơn năng suất trung bình trong khu vực từ 10 đến 15%, kết hợp với chất lượng thưởng thức tốt hơn sẽ đảm bảo thu nhập xứng đáng hơn cho người sản xuất.

Nông lâm kết hợp, một mô hình nông nghiệp bền vững do CIRAD thúc đẩy, bao hàm xen canh các loại cây trồng trên ruộng nương, sẽ góp phần tạo độ phì cho đất, duy trì đa dạng sinh học và điều hòa khí hậu.

Ông Đào Thế Anh Phó Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam

Ông Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng VAAS (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho biết: đây là dự án ODA có kinh phí không lớn nhưng mang tầm quan trọng cũng như kết quả đạt được của dự án trong vòng thời gian tương đối ngắn 4 năm với một cây trồng lâu năm, đặc biệt trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê chè và giúp góp phần vào chiến lược đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê Việt Nam. Bên cạnh tăng năng suất, tăng giá trị cà phê lên khoảng 20% còn góp phần xóa đói giảm nghèo tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Trong vòng 20 năm qua ngành cà phê Việt Nam đã có những bước phát triển ngoạn mục, đưa Việt Nam chưa có tên trên bản đồ cà phê thế giới lên một nước đứng thứ hai về xuất khẩu cà phê.

5 mẫu cà phê thu hoạch từ các lô thử nghiệm của dự án trồng cà phê chè arabia

Mô hình hợp tác của dự án là một mô hình hợp tác rất đặc trưng về hợp tác công-tư. Bên cạnh đó Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cũng hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp thương mại cà phê toàn cầu cũng như các doanh nghiệp cà phê tư nhân trong nước, gắn chặt nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng với thương mại hóa sản phẩm là một yếu tố cốt yếu để phát triển ngành cà phê.

Không dừng lại ở khuôn khổ của dự án, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đại diện cho bộ nông nghiệp sẽ cùng với các đối tác tư nhân hợp tác khảo nghiệm để có thể sản xuất kinh doanh các giống cà phê ưu điểm này tại Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật. Cũng như tổ chức hệ giống, nhân giống cà phê sạch bệnh đáp ứng cho nông dân, doanh nghiệp hợp tác xã muốn trồng cà phê chè trong khi hệ thống giống cà phê trong nước còn khá yếu và chưa được quản lý chặt chẽ.

Đây là cơ hội rất tốt để chúng ta thay thế các giống cà phê cũ bằng các giống cà phê lai mới là thành quả nghiên cứu của CIRAD.

Quá trình công nhận các giống này sau khi hoàn tất sẽ cho phép chúng được phổ biến trên toàn quốc, không chỉ ở Tây Bắc mà còn ở các địa phương khác như tỉnh Lâm Đồng.

Châu Hiệp